Gần đây, vấn đề thị phần xuất khẩu dệt may của Campuchia vượt Việt Nam trên thị trường EU đã gây những bất ngờ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hy vọng cho ngành dệt may nước ta khi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam có hiệu lực.

Tương lai ngành dệt may VN khi các hiệp định thương mại có hiệu lực

Một Thế Giới | 03/03/2016, 11:31

Gần đây, vấn đề thị phần xuất khẩu dệt may của Campuchia vượt Việt Nam trên thị trường EU đã gây những bất ngờ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hy vọng cho ngành dệt may nước ta khi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam có hiệu lực.

Tính trung bình hằng năm suốt mấy chục năm qua, ngành dệt may Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình tới 15%. Cụ thể, trong năm 2015, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu tới 27,5 tỉ USD, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam đứng vị trí đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,463 tỉ USD, tăng 10%; doanh thu đạt 52.655 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 5 năm qua, ngành dệt may vượt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2015 là 14-16 tỉ USD vào năm 2015.
Tốc độ tăng bình quân 5 năm là 14,74%/năm và đưa dệt may trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước và duy trì vị trí top 5 các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về mặt hàng này.
Gần đây thông tin thị phần dệt may của Việt Nam đang "thua" láng giềng Campuchia trên thị trường EU đã gây sự chú ý.
Phản hồi trước thông tin này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã lên tiếng đính chính và cho rằng thông tin "trong năm 2015, Campuchia đã vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU"  là chưa chính xác. 
Vitas cho biết bảng số liệu nhập khẩu hàng may mặc của EU năm 2015 mà Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra trước đó là đúng, tuy nhiên như tiêu đề của bảng đã ghi rõ là thống kê hàng may mặc (HS61 + HS62), trong khi thông tin lại có sự nhầm lẫn thành hàng dệt may (bao gồm tổng từ HS 50 - 63). 
Trong năm 2014, tổng nhập khẩu hàng dệt may (HS 50-63) của EU28 (28 nước thành viên EU) từ Việt Nam là 2,53 tỉ euro, tăng trưởng 21,31%; năm 2015 là 3,13 tỉ euro, tăng trưởng 23,91%. Trong khi đó, tổng nhập khẩu hàng dệt may (HS 50-63) của EU28 từ Campuchia trong năm 2014 là 2,26 tỉ Euro, tăng trưởng 27,19%; năm 2015 là 2,97 tỉ Euro, tăng trưởng 31,64%. 
Như vậy, tính tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU28 thì Việt Nam vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu cao hơn Campuchia, đặc biệt là hiện tại Campuchia vẫn hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình Everything But Arms (EBA) – GSP mà EU dành cho nước kém phát triển. Trong khi đó Việt Nam chỉ được hưởng GSP cho nước đang phát triển với thuế suất 9,6%. 
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may vẫn là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu năm 2016 của đất nước. Trong thời gian tới, có thể trong ngắn hạn, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Campuchia vào EU28 sẽ có thời điểm vươn lên xấp xỉ kim ngạch của Việt Nam.
Về trung hạn, xét tiềm lực của ngành dệt may 2 nước cũng như việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ được ký kết, phê chuẩn và có hiệu lực, thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU28 chắc chắn sẽ vượt trội so với Campuchia, hướng tới những nước cạnh tranh lớn hơn như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Trung Quốc.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá rằng: "Thời điểm hiện nay, Việt Nam có thể thua Campuchia trong một số mặt hàng, hoặc giảm sút về thị phần so với Campuchia tại EU. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh dài hạn của Việt Nam tại thị trường này vẫn chủ yếu tập trung vào mặt hàng dệt may, da giày trong thời gian tới".
Đặc biệt, năm 2016, khi Việt Nam trở thành thành viên của TPP, ngành dệt may sẽ có lợi ích lớn, với "sân chơi" rộng, mang tính toàn diện và hàng rào thuế quan sẽ về 0%, thay vì mức thuế từ 12 - 17% như hiện nay. 
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam lúc ấy sẽ càng có cơ hội phát triển bền vững, dự kiến tăng trưởng vẫn đạt trên 2 con số. Ngành dệt may đang nỗ lực chuyển lên phương thức sản xuất mới (ODM) và tham gia tích cực chuỗi cung ứng trọn gói để có sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đảm bảo tốc độ phát triển, Vitas cho biết.
Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tương lai ngành dệt may VN khi các hiệp định thương mại có hiệu lực