Thủ tướng đã cam kết mục tiêu của chính phủ sẽ là hướng tới kiến tạo và phục vụ, thay vì kiểm soát và kìm hãm như trước; nhưng từ mục tiêu đến việc biến nó thành hiện thực lại đang là một khoảng cách quá xa, khi mà tư duy kiểm soát và thậm chí là kìm hãm tiềm năng vẫn còn rất phổ biến trong các ngành kinh tế chủ chốt.
Không có gì quá lời khi nói rằng, ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam không khác gì một mớ bòng bong, đụng vào đâu cũng có vấn đề. Từ chuyện thoái hết vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn cho đến những dự án tỉ đô có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường được đưa vào quy hoạch một cách vội vã. Thủ tướng đã cam kết mục tiêu của chính phủ sẽ là hướng tới kiến tạo phát triểnvà phục vụ, thay vì kiểm soát và kìm hãm như trước; nhưng từ mục tiêu đến việc biến nó thành hiện thực lại đang là một khoảng cách quá xa, khi mà tư duy kiểm soát và thậm chí là kìm hãm tiềm năng vẫn còn rất phổ biến trong các ngành kinh tế chủ chốt. Việt Nam đang tự kìm hãm tiềm năng của rất nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng, là một hệ quả của một tư duy kiểm soát nền kinh tế mà có lẽ đã đến lúc cần phải loại bỏ.
Một trong những câu chuyện gây tranh cãi nhiều nhất trong nền kinh tế thời gian vừa qua là một dự án có tổng vốn đầu tư ước tính lên tới cả chục tỉ đô có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ và bản thân tương lai của dự án tỉ đô này vẫn còn là một dấu hỏi, nhưng ít nhất nó cũng làm bật ra một vấn đề rất quan trọng nhưng lại bị làm ngơtrong nhiều năm qua: câu chuyện quy hoạch. Việc một dự án cả chục tỉ đô được đưa vào quy hoạch phát triển ngành một cách gấp rút chỉ trong một thời gian ngắn khiến các chuyên gia kinh tế, vốn đang đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lên hàng đầu, đặt ra dấu hỏi về vai trò của công tác quy hoạch trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Và nó là mở đầu cho một câu chuyện rất dài và đầy phức tạp.
Xét về khía cạnh công tác quy hoạch, thì nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế quy hoạch. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thì tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã có tới 12.860 bản quy hoạch. Trong đó, có tới 6.900 quy hoạch xây dựng, cấp huyện có tới 708 quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và 932 quy hoạch về xây dựng. Đặc biệt hơn, cấp tỉnh đã ban hành tới 3.081 quy hoạch các sản phẩm ngành cụ thể. Thậm chí là cấp xã cũng có quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội khi đã thống kê được khoảng 20 quy hoạch dạng này (theo CafeF). Dĩ nhiên, với tổng số quy hoạch lớn như thế, thì chỉ tính riêng kinh phí dành cho việc thiết lập quy hoạch trên giấy tờ cũng đã là rất lớn (chưa tính đến kinh phí thực hiện quy hoạch trong thực tế). Theo thống kê, để thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã phải chi khoảng 8.000 tỉ đồng, và xu hướng gia tăng chi phí thiết lập quy hoạch đang ngày càng tăng lên, không chỉ dừng lại ở mức 1-5 tỉ đồng cho một bản quy hoạch như trước, mà có thể lên tới vài triệu USD và phải thuê cả tư vấn nước ngoài (theo CafeF).
Số lượng các bản quy hoạch đồ sộ như thế, kinh phí bỏ ra để thực hiện các dự án quy hoạch trên giấy cũng lớn như thế, nhưng hiệu quả trên thực tế thì ngược lại. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, thì nhiều quy hoạch có chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng; thậm chí có những quy hoạch được lập nhưng không hề rõ nội dung, không phục vụ công tác quản lý mà điển hình là quy hoạch phát triển hành lang Lạng Sơn-Hà Nội-TP.HCM-Mộc Bài đến năm 2020. Có những bản quy hoạch cười ra nước mắt như quy hoạch cá rô phi, trong đó quy hoạch sẽ nuôi bao nhiêu .
Tuy nhiên, điều đáng nói nhất ở đâylà việc quy hoạch tràn lan lại đang có xu hướng ngăn cản khả năng phát triển của rất nhiều ngành kinh tế tiềm năng trong nước. Nhiều quy hoạch không chính xác đang được sử dụng làm cái cớ để ngăn chặn sự phát triển tại khá nhiều ngành, chẳng hạn như quy hoạch ấn định cứng số lượng doanh nghiệp được tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công thương, theo đó bản quy hoạch quy định rõ chỉ có 150 thương nhân được tham gia xuất khẩu gạo mà thôi.
Có rất nhiều trường hợp các dự án đầu tư tại nhiều địa phương bị sách nhiễu, đòi hỏi chỉ vì không nằm trong quy hoạch phát triển ngành tại địa phương đó hoặc đã quy hoạch đủ số lượng dự án. Điều này thậm chí còn xảy ra ở tầm quốc gia, mà điển hình là quy hoạch đất trồng lúa; trong đó mục tiêu cơ bản là duy trì diện tích đất trồng lúa cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực khi cần, nhưng nó lại đang buộc người nông dân phải trồng lúa trên các diện tích canh tác trong khi họ hoàn toàn có thể trồng loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Về bản chất, việc quy hoạch tràn lan trong mọi ngành nghề lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là một dấu hiệu điển hình của tư duy kinh tế theo kiểu kiểm soát và kìm hãm. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng tư duy của một số ngành về quy hoạch còn chịu ảnh hưởng từ thời bao cấp. Đúng là công tác quy hoạch là một điều thường thấy và khá phổ biến tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó quy hoạch được xem như đồng nghĩa với chiến lược phát triển ngành về dài hạn, còn tại Việt Nam nó lại trở thành công cụ để quản lý và kiểm soát, thậm chí trục lợi. Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng vụ quản lý quy hoạch, thì trên thế giới chỉ có Việt Nam mới làm quy hoạch quá cụ thể như vậy thay vì xem nó như chiến lược phát triển dài hạn.
Tuy nhiên, quy hoạch cũng mới chỉ là một phần trong câu chuyện nhiều ngành kinh tế tiềm năng bị kiểm soát và kìm hãm do tư duy kinh tế lạc hậu. Điển hình là những ngành như nông nghiệp hay du lịch. Đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa cho phép người dân và doanh nghiệp tích tụ ruộng đất quy mô lớn vốn là tiền đề bắt buộc để có một nền nông nghiệp hiện đại và phát triển, trong khi đây là điều được tiến hành trên thế giới trong cả trăm năm qua. Một nền nông nghiệp không cho tích tụ ruộng đất là một nền nông nghiệp manh mún, và là một nền nông nghiệp chết. Một quốc gia có tới 70% dân số sống tại các vùng nông thôn, có tới 46% lao động làm việc trong nông nghiệp, mà chỉ tạo ra một giá trị xuất khẩu vỏn vẹn có 40 tỉ USD như Việt Nam quả là một thực tế khó tin.
Điều tương tự cũng diễn ra trong lĩnh vực du lịch. Được đánh giá là một ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng những gì ngành du lịch nhận được lại là những rào cản ngăn chặn phát triển một cách phi lý, và những số tiền đầu tư ít ỏi. Trong khi các nước ở khu vực luôn chi từ 80-100 triệu USD cho hoạt động quảng bá, thì số tiền đó ở Việt Nam vỏn vẹn có 2 triệu USD. Những động thái cần thiết để thúc đẩy thu hút khách du lịch ở nước ngoài thậm chí bị cấm đoán, điển hình là việc ngành du lịch luôn đề nghị mở văn phòng đại diện ở nước ngoài nhưng lần nào cũng bị bác bỏ mà không có lý do phù hợp (theo The Saigon Times).
Tư duy kiểm soát và kìm hãm kinh tế đang trở thành một con sâu đang gặm nhấm cái cây của chính mình, và đang là một lực cản chủ yếu đối với quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Nó đã trở thành một thói quen cố hữu và khó bỏ khi được hình thành trong hàng chục năm qua, và thật đáng buồn khi phải thừa nhận rằng sẽ không dễ để loại bỏ được nó trong ngày một ngày hai.
Nhàn Đàm