Có thể nói mỗi thành viên trong gia đình tôi dù có thành công riêng thì bên cạnh đó sẽ là một nỗi cô đơn riêng trong ngôi nhà mình... Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 1: Tiểu gia đình trong ngôi đình cổ

Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 2: Cô đơn trong ngôi nhà mình!

Một Thế Giới | 12/01/2015, 09:05

Có thể nói mỗi thành viên trong gia đình tôi dù có thành công riêng thì bên cạnh đó sẽ là một nỗi cô đơn riêng trong ngôi nhà mình... Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 1: Tiểu gia đình trong ngôi đình cổ

Nhà tôi ngộ, hầu như các thành viên không bao giờ khoe và khen ngợi nhau trên báo chí, nó như thành cái nếp nên có thể nói mỗi thành viên trong gia đình dù có thành công riêng thì bên cạnh đó sẽ là một nỗi cô đơn riêng...
Tính công dân của tôi được hình thành từ ba khi còn là một thằng nhỏ ba chở trên xe Vespa dạo phố, ba dạy tôi Luật giao thông. Ba dạy tôi khi gặp đám tang biết ngừng lại bỏ nón cúi chào. Tin không? Ba còn dám chở chị em chúng tôi đi xem sinh viên biểu tình và giải thích cho chúng tôi nghe những biến động chính trị của thời cuộc.
Mỗi lần ba chở đi xem sinh viên và thầy chùa biểu tình, má nhét vào túi chị em chúng tôi mỗi đứa một bao nilông và miếng chanh (để lỡ có gặp lựu đạn cay thì nặn chanh vào mắt, trùm bao nilông vào đầu rồi... chạy).
Tôi vẫn còn nhớ gặp các thầy chùa tập võ Thiếu lâm ở viện Hóa Đạo (nhà hát Hòa Bình bây giờ), tôi cứ thắc mắc: “Kỳ vậy ba, tại sao thầy chùa mà lại học võ đánh người?”. Ba cười ngất giải thích: “Người hiền cũng cần phải biết tự vệ đó con”.
Những lần cha con tranh luận đối kháng nhau, có lúc tôi sợ mình bị hỗn với ba nên dần dần tôi né, riết thành thói quen không bộc lộ cảm xúc, nghĩ gì làm gì thì cứ âm thầm. Ra trường, trở thành diễn viên của Đoàn kịch Trẻ, cũng không báo với gia đình. Tới lúc thấy tôi đi đêm đi hôm, ba mới nói ủa, nó ra trường rồi hả? Tôi chỉ dạ.
Vậy đó, im lặng đôi khi lại là khả năng tự vệ của mình. Ngồi chung mâm cơm, những gì có thể cùng vui với gia đình thì tôi chia sẻ, những gì không cùng suy nghĩ với mọi người thì tôi giữ cho riêng mình.
Tôi rất sợ các thành viên trong gia đình làm tổn thương nhau dù mình vẫn là cục cưng của gia đình và tôi vẫn rất yêu thương gia đình mình, nhưng giống như tên một vở kịch mà nhà văn Ngọc Linh đã từng khoe với tôi ông định dùng để đặt cho vở kịch mới của ông, tôi thấy mình: “Cô đơn trong ngôi nhà của mình”.
Tiếng khóc người cha
Cuộc đổi đời 1975 xảy ra. Theo dòng chảy của thời cuộc, gia đình tôi cũng không còn đoàn tụ, nhiều thành viên đã định cư xứ người ngay vào thời điểm tôi bắt đầu sự nghiệp. Ba má tuổi già sức yếu, các chị ở phương xa nên trên lộ hành mà tôi đi xem ra có vẻ rộng thênh thang vì tôi chỉ đi một mình.
Cái bóng tối dưới gầm sân khấu giả nó đã ứng vào đời mình. Ba má biết mình có danh có giải là qua báo chí, các chị ở xa sẽ không biết điều đó nếu thằng em không kể (thời đó làm gì có Internet để biết) mà thằng em thì rất lười kể (lười quen rồi) nên chỉ biết từ bạn bè của các chị đưa tin.
Ngay cả danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của tôi cũng trượt lên trượt xuống hai lần, sau lần thứ nhất tôi được mời vào phòng riêng và người ta mời tôi vào Đảng với lời hứa hẹn tôi sẽ được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ngay sau đó. Tôi cảm giác giống như một cuộc thương lượng mang tính thỏa hiệp - dù là ưu ái - nhưng tôi vẫn cảm thấy mình bị tổn thương.
Tôi đã nói không và còn hứa hẹn: “Các anh yên tâm, em không là đảng viên, không là ưu tú, nhưng em vẫn cứ là một nghệ sĩ lương thiện và xuất sắc ở bất kỳ nơi đâu trên cái dải đất cong cong hình chữ S này, em hứa đấy!”. Tôi hãnh diện vì tôi đã làm đúng điều mình đã hứa, mặc dù năm đó tôi sém bị trượt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú một lần nữa, nếu không nhờ sự tác động của công luận.
Các chị có trách thằng em cũng chỉ biết cười, vinh quang còn không cho biết thì việc gì phải chia sẻ tai ương cho nặng lòng nhau. Các chị ở xa còn phải đương đầu với biết bao nghịch biến nơi xứ người.
Ba má cả đời cực khổ vì con thì tai ương của thằng con út có là bao mà kể. Làm việc rồi đụng chạm với lãnh đạo quản lý xin nghỉ việc, bị chính ngay cái nơi mình lãnh lương đì triệt mình, trôi dạt về ngoại ô đi tấu hài với danh hài Duy Phương... Tôi im như thóc, gia đình không biết gì cả.
Má tôi tuổi Canh Ngọ, người ta nói canh là canh cô mồ quả, vậy mà sao tôi lại thấy mình y chang má. Nhưng nếu những đứa con cô đơn một, tôi tin ba tôi là từng ấy nỗi cô đơn cộng lại. Lần đầu tôi thấy ba tôi khóc là vào năm 1970, ông đã òa khóc như con nít, như mất mát một thứ gì quý giá nhất trong đời mình.
Đó là ngày người anh của tôi, con của má lớn dưới Vĩnh Long, trưởng nam của ba - một hạ sĩ quan của Việt Nam Cộng hòa - vừa chết trận. Một người đàn ông như ba khi không còn kiềm chế được, để nỗi đau của mình vỡ ra thì nó kinh khủng hơn những tiếng khóc vật vã của phụ nữ nhiều lắm.
Có lẽ lúc đó tôi còn quá nhỏ để buồn khóc như ba nhưng nét mặt và tiếng khóc của ba tác động vào tôi rất mạnh, tôi biết chắc rằng nó đã ảnh hưởng rất lớn vào biểu lộ diễn xuất của tôi sau này: đàn ông khóc có khả năng đâm trúng tim khán giả hơn phụ nữ!
Lần thứ hai ba khóc là lúc giữa khuya. Mọi người trong nhà ngủ yên nên ba không thể khóc lớn, chỉ là tiếng rên khe khẽ, rất khẽ. Tôi ngồi ở một góc tối nhìn ba khóc, tôi muốn đến khóc với ba nhưng không thể vì tôi đã mất thói quen chia sẻ với ba từ lâu rồi.
Đó là ngày cùng một lúc bốn thành viên trong gia đình rời khỏi quê hương trong nỗi bức bách, không thể làm nghề. Sau này trong diễn xuất của tôi cũng lại ảnh hưởng từ những tiếng rên khe khẽ ấy. Hình tượng nhân vật ông Tư trong kịch Dạ cổ hoài lang chính là ba tôi chứ chẳng ai khác.
Ngọt bùi thì chia, đắng cay thì chịu
Nhà tôi xưa nay là vậy - ngọt bùi chia nhau hưởng, đắng cay thì mạnh ai nấy nuốt. Ngay tôi đây, cả ngọt bùi mà tôi còn không dám khoe trực tiếp vì ba tôi xưa nay ít khi nào khen mấy đứa con. Chị Lê tôi lúc đó rất nổi tiếng (từng được xem là hồ quảng chi bảo) mà còn chưa thấy ba khen hay, chỉ toàn lôi cái dở ra mà chê thì cỡ như tôi thỉnh thoảng được vài bài báo khen, có nhắc đến ba, đâu dám khoe, chỉ lén để lên bàn của ba.
Thấy tôi nháng về, ba ghẹo “làm gì mà dạo này tai tiếng dữ vậy ta”. Tuổi lớn sức yếu, ba tôi không có sức xem tôi ngoài sân khấu, chỉ xem tôi diễn trên tivi, trong lòng ông cũng vui khi thấy con thành công nhưng ít khi nào khen, sợ con bị lừng. Tôi không phải là trường hợp đầu tiên. Ba dạy chị em chúng tôi đúng như ông bà xưa thôi: thắng không kiêu bại không nản, và thêm câu của ông: hoạn nạn không than. Nó thành cái nếp nhà của chúng tôi luôn từ đó.
Ba tôi rất ghét nghệ sĩ thường hay nói câu “nghề này bạc bẽo”, ba nói không có nghề nào bạc hết chỉ có con người sống với nhau mà thôi. Làm nghề hát mà cứ lên án nghề thì nghề có phụ cũng đáng. Tôi chịu ảnh hưởng quan điểm này của ba nhiều. Chỉ có điều với chuyện đời, xem ra cụ còn hồn nhiên, ngây thơ hơn tôi.
Ngày đám tang bác Ba Vân (NSND - một nghệ sĩ từng được đặt danh hiệu là quái kiệt), linh cữu ông được quàn tại Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật 81 Trần Quốc Thảo, người ta muốn quàn ông ở đó cho “xứng tầm”. Nói nôm na là Nhà nước lo hết, song vẫn chấp điếu để dùng tiền điếu đó trang trải lễ tang...
Khi ba yếu, tôi có nói với ba là không thích đưa ba lên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật đâu ba, ngại giống như bác Ba Vân, ba đồng ý vì ba cũng ưng đưa ba về trụ sở Hội Nghệ sĩ sân khấu ở Cô Bắc hơn. Tuy vậy mà ba vẫn cứ “lạc quan”: “Con yên tâm đi, ba là NSND, thế nào cũng được Nhà nước cho được hòm, nhớ không chấp điếu nha con”.
Ba tôi không muốn mắc nợ ai nữa, nợ nhân gian thế cũng đã đủ rồi. Ba còn dặn đám tang ba không được ồn ào trống kèn, người đến đưa tang không được khóc, xe tang không đi chậm làm nghẽn giao thông. Lúc còn sống ông vốn không thích những thứ ấy nên không muốn đám tang của mình lại rơi vào trường hợp như vậy. Ba mất, chúng tôi làm đúng y như lời ông dặn, trang trải mọi thứ, riêng cái hòm thì... ba tôi sai.
Cái hòm không đáng là bao, tự tôi lo được cho ba nhưng vẫn thấy ngán ngẩm trước những điều không trung thực...
Còn nhớ lúc bắt đầu nổi tiếng, tôi cũng có đi sưu tầm lục lọi những bài báo về mình, cắt cắt dán dán thành một cuốn sách to đùng đi bọc da đàng hoàng biết để chi không: để khoe. Sau ngày ba tôi mất, tôi đốt hết và rồi từ đó chẳng cắt dán thêm một bài nào nữa.
Tổ ấm quá hot của tôi nay vắng ba, Liên, Lê, Lựu. Nhưng cái hiện tại có mấy đại dương xa vẫn không tạo cho tôi có cảm giác chúng tôi ngăn cách như ngày xưa còn ở chung nhà với những nỗi đau không thể chia sẻ. Và sau mỗi suất diễn, trở về với nơi gối đầu của mình, dường như đêm từng đêm tôi lại thấy mình gần với ba hơn. Chỉ tiếc là vĩnh viễn không có một Thành Tâm con để có những khoảnh khắc hiếm hoi đồng cảm với một Thành Lộc cha, đã đang đứng trên đỉnh của con dốc cuộc đời, đã thấy mọi lợi danh như bụi bay trong gió, nhưng ngó bộ vẫn còn sân si, chưa tìm ra lối xuống.
Theo Tuổi Trẻ
Kỳ 3: Trái tim nhảy múa
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự truyện của NSƯT Thành Lộc - Kỳ 2: Cô đơn trong ngôi nhà mình!