Để có bộ lông đẹp, những con công thỉnh thoảng phải ăn gai. Những chiếc gai cứng, nhọn, sắc như dao cạo được xử lý trong bụng của chúng rồi góp phần tạo thành những chiếc lông vũ với màu sắc và hình dạng đẹp không thể sánh nổi. Với chúng ta cũng thế.
Thông thường, thứ khó tiêu hóa nhất, khó xử lý nhất, khó đưa vào cuộc sống nhất lại là thứ cuối cùng sẽ biến đổi chúng ta theo hướng tích cực. Chúng ta đôi khi phải ăn những chiếc gai kinh nghiệm sắc nhọn, cay đắng để thành người. Trong cuộc sống nào có ai là chưa từng vấp ngã?
Vị tổng thống từng mắc bệnh bại liệt
Có nhiều nhân vật quyền lực trong lịch sử đã biến đổi tích cực bằng những trải nghiệm tàn phá bên ngoài. Một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất trong số đó là cuộc đời của Franklin D. Roosevelt, tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ.
Khi còn là một chàng trai trẻ, Roosevelt là điển hình của một người có tất cả – cao và đẹp trai, thông minh và giàu có, kết hôn rồi sinh nhiều con cái. Một ngày năm 1921, trong kỳ nghỉ tại ngôi nhà bên hồ của gia đình ở Canada, Roosevelt đã đi bơi. Vài giờ sau khi trở về nhà, ông bị ớn lạnh, vài ngày sau, chân tay ông bắt đầu bị tê, rồi sau đó, ông bị chẩn đoán mắc bệnh bại liệt.
Roosevelt không đi lại được nữa nếu không có sự trợ giúp của gậy và khung sắt, nhưng từ trong đau khổ, ông đã thoát ra trở thành một người làm rất nhiều điều để cải thiện, giảm bớt khổ đau cho người khác.
Ba năm sau, Roosevelt đến một khu nghỉ dưỡng ở Warm Springs, Georgia, nơi nổi tiếng với những suối nước nóng tự nhiên. Nước nóng làm dịu đi nỗi đau thể xác, nhưng quan trọng hơn cả, lòng tốt của những người gặp gỡ ở đó đã nâng đỡ tinh thần ông. Hầu như không có ai ở Warm Springs từng nghe nói về nhà Roosevelt ở Hyde Park, New York. Họ không biết gì về sự giàu có mà cũng chẳng quan tâm đến quyền lực của ông.
Với những người ở Warm Springs ấy, trong đó có nhiều người nghèo, ông cũng chỉ là một người đang khổ sở, một người buồn bã cần nước nóng để xoa dịu nỗi đau. Họ chăm sóc ông đơn giản vì ông là một con người cùng chia sẻ nỗi khổ với họ. Thông qua trải nghiệm đó, Roosevelt đã biết đến và tin tưởng vào lòng tốt của những người mà có lẽ ông không bao giờ gặp được ở đâu khác.
Những người tại một khu nghỉ mát xiêu vẹo đã giúp chữa lành Roosevelt theo cách mà tất cả bác sĩ tại các cơ sở y tế tốt nhất đã không thể làm được. Không gì khiến ta nhún nhường bằng việc được giúp đỡ bởi những người mà ta chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ cần đến họ.
Từ khổ đau sinh ra những những con người vĩ đại
Nhiều năm sau, khi đã trở thành tổng thống, Roosevelt phải đối mặt với nỗi khổ của hàng triệu người trở nên nghèo đói vì sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929. Với xuất thân của mình, ông có thể khó mà đồng cảm sâu sắc được với hàng triệu người thất nghiệp đang vật lộn trong cuộc Đại khủng hoảng. Việc là một người rất giàu lớn lên trong một gia đình rất giàu hoàn toàn có thể là bức tường dày ngăn cách cảm xúc của ông với những người đau khổ nhất vào thời điểm đó. Họ không giống những người mang họ Roosevelt ở Hyde Park, nhưng lại rất giống những người mà Roosevelt đã quen biết, và tin tưởng, ở Warm Springs, Georgia.
Và đến lượt Roosevelt đền đáp. Sự đồng cảm của ông đối với khó khăn mà những người Mỹ bình thường phải chịu đựng vào thời điểm đó đã truyền cảm hứng cho Chính sách mới New Deal, một loạt các chương trình kinh tế và xã hội đã cứu trợ hàng triệu người. Roosevelt không phải là người hoàn hảo – còn rất nhiều người bị bỏ lại bên ngoài vòng trắc ẩn của ông – nhưng một người ít đồng cảm hơn sẽ không hoàn thành được New Deal, thậm chí có lẽ còn không buồn thử.
Khổ sở của Roosevelt đã giúp ông biến đổi thành con người mà ông cần trở thành để giảm bớt nỗi khổ sở của hàng triệu người. Khi bi kịch xảy ra, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”. Nhưng chúng ta luôn có thể hỏi rằng mình vẫn nhận được ơn gì từ trải nghiệm này.
Chúng ta không thể quyết định việc mình có phải chịu đau khổ hay không, nhưng có thể quyết định sự đau khổ ấy có vô ích hay không. Từ người mất thị lực và sau đó trở thành người ủng hộ cho người mù; đến những bậc cha mẹ thành lập những tổ chức vận động, tuyên truyền nhân danh đứa con quá cố; đến vận động viên bị mất chân tay về sau thành lập một tổ chức thể thao cho những người khác cũng phải đối mặt với thách thức tương tự – chìa khóa để vượt qua đau khổ của chúng ta là sử dụng nó như phúc lành cho cuộc sống của những người khác.
Lý tưởng hóa đau khổ là sai lầm, nhưng coi nhẹ sự liên quan của đau khổ tới sự hình thành tính cách cũng sai lầm không kém. Theo nhà thơ Khalil Gibran: “Từ khổ đau sinh ra những linh hồn mạnh mẽ nhất, những con người vĩ đại nhất đầy vết sẹo trên thân”.
Không gì khiến chúng ta mạnh mẽ hơn việc trèo từ thung lũng tuyệt vọng thăm thẳm lên đỉnh cao sướng vui, và không gì đẩy lưng chúng ta tốt cho bằng những thiên thần nhắc nhở chúng ta đừng quên những người khác cũng đang leo lên núi cùng mình. Khi đã lên đến đỉnh, ta thấy mình không còn khóc nữa – và thậm chí quan trọng hơn, ta thấy mình không còn cô đơn nữa.
Theo Từ nước mắt đến nụ cười