Tôi không tin nổi vào mắt mình khi hôm 4.10 các báo đồng loạt đưa tin Bộ Giáo dục & Đào tạo (GĐ-ĐT) vừa ban hành Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Bộ, trong đó có nội dung chỉ xử phạt hành chính bằng tiền đối với hành vi có tính gian lận trong thi cử.

Từ một dự thảo nghị định xử phạt: Bộ GD-ĐT tự hại mình?

13/10/2018, 11:57

Tôi không tin nổi vào mắt mình khi hôm 4.10 các báo đồng loạt đưa tin Bộ Giáo dục & Đào tạo (GĐ-ĐT) vừa ban hành Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Bộ, trong đó có nội dung chỉ xử phạt hành chính bằng tiền đối với hành vi có tính gian lận trong thi cử.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phùng Xuân Nhạ

Không lẽ sau vụ tiêu cực động trời trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm học vừa rồi chưa đủ để cả ngành GĐ-ĐT sáng ra, phải gấp gáp trình Chính phủ ban hành một quy định nhằm ngăn chặn quyết liệt hành vi gian dối đáng sợ nói trên. Trái ngược hoàn toàn với những gì dư luận mong đợi, một dự thảo nhẹ hều đã được Bộ ban hành. Tôi không biết, nếu như nó được đưa vào áp dụng thì ngành giáo dục rồi đây sẽ đi đến đâu?

Có thể tới đây sẽ còn những ý kiến khác. Thế nhưng với cá nhân tôi, tôi cho rằng đây là điều tệ hại nhỡn tiền vì biện pháp răn đe, ngăn chặn tiêu cực không những không quyết liệt hơn mà còn nhẹ đi.

Trong thực tế, nhiều khi chỉ do nể nang, sợ “đập chuột vỡ bình”, sợ bê bối, sợ này sợ kia khiến bộ máy công quyền không mạnh bạo giơ cao tay xử kẻ gây tội. Chính vì thế, cái xấu vẫn ngày một lộng hành, xảo quyệt hơn, tinh vi hơn, thách thức xã hội hơn.

Tôi được biết, Nghị định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục được Bộ dự thảo để đưa ra lấy ý kiến người dân từ 1.10 cho đến hết ngày 25.11. Trong đó có quy định nhiều mức phạt mà đối tượng chính là giáo viên, họ có thể bị phạt đến 50 triệu đồng. Đây là mức phạt hành chính cao nhất từ trước đến nay. “Gang thép” lắm vì phạt đến những 50 triệu nếu vi phạm chứ ít đâu! Nhiều là đằng khác nếu so với mức lương trung bình của nhà giáo bây giờ.

Những tưởng như thế sẽ “đánh” vào nồi cơm của họ và nghiêm trị được vi phạm? Tôi không nghĩ như thế. Khi có khe hở này, người ta sẽ không ngại tranh thủ làm liều, mấy khi bắt được nếu biết làm khéo léo hơn, tinh vi hơn, rút kinh nghiệm đừng tăng điểm trắng trợn như vụ gian lận mới đây ở Hà Giang thì có thánh cũng chào thua. Nhiều khi chỉ cần nâng một vài ba điểm là đã “cứu” được một thí sinh vào đại học một cách bất chính nhưng lại xô đẩy một thí sinh khác trượt đại học vì có kẻ gian lận chen vô. Người ta có thể nhận hối lộ cả trăm triệu 1 trường hợp nâng điểm và nhiều trăm triệu đồng/1 thí sinh. Việc này càng dễ xảy ra khi những cán bộ có quyền có chức, nắm được kẽ hở của quy chế và công nghệ, làm “chuyến tàu vét” trước ngày nghỉ hưu...

Vì thế, việc phạt kia dù có tăng thêm bao nhiêu, tôi nghĩ vẫn không thể là thứ đủ ngăn ngừa cái xấu lộng hành trong lĩnh vực giáo dục. Điều này thật nguy hại cho xã hội bởi sản phẩm mà ngành giáo dục đem lại sẽ là những thứ rởm rít... Người tài, trung thực mất chỗ, kẻ có tiền, dốt nát thì được vào học rồi ra trường cũng lại bằng trò bẩn kia, rồi có việc làm, rồi leo cao. Xã hội hư hỏng là từ đó nếu chúng ta không ra tay ngăn chặn bằng những biện pháp nghiêm khắc, bằng sự trừng trị của pháp luật.

Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí của sở GD-ĐT Hà Giang đã làm một việc tày đình, vô tình làm lộ ra rất nhiều lỗ thủng, những điểm yếu chí mạng và tệ hại trong ngành giáo dục nước nhà. Với những sai phạm nghiêm trọng như thế, pháp luật cần phải nghiêm trị thật nặng để răn đe người khác. Đó là tội gián tiếp tước đoạt quyền được học của những học sinh khác xứng đáng hơn!

Có một vài câu chuyện cũ cách đây đã hàng chục năm, tôi xin kể lại để cho thấy, có thể chỉ vì né tránh, không xử lý đến tận cùng tiêu cực mà chuyện bê bối, đau lòng trong ngành giáo dục ở Hà Giang tích tụ dần, dẫn đến nông nỗi như vừa rồi.

Nhà báo Bùi Thế Vịnh, nguyên Tổng biên tập báo Điện ảnh Kịch trường, hôm xảy ra vụ bê bối đánh tráo điểm thi tốt nghiệp THPTQG bị bại lộ, đã gọi cho tôi cười phớ lớ rồi hỏi: "Ông còn nhớ cái buổi giao ban báo chí của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương do bác Hữu Thọ chủ trì hồi 1998 không?" Tôi hỏi, về chuyện gì vậy? Anh Vịnh (khi đó là chuyên viên Vụ báo chí Bộ Văn hoá Thông tin Thể thao và Du lịch) kể: "Tôi vẫn không quên cái hôm đó, báo Thanh Niên bị đưa ra mổ xẻ vì có một bài viết có cái tít đại để là: "Ngành giáo dục Hà Giang không bằng trình độ một học sinh cấp 1". Trưởng ban Hữu Thọ có nói đại ý rằng báo đưa cái tít đó là không chấp nhận được vì nó đụng chạm tới cả ngành giáo dục của một tỉnh, nhất là đó lại là một tỉnh miền núi, nghèo khó và lạc hậu. Tôi đọc thì hiểu, đúng là có chuyện thật đấy. Nhưng báo Thanh Niên và các báo phải rút kinh nghiệm khi đặt tít. Một phần cũng cần lưu ý, có một số tỉnh miền núi hiện nay, xét về năng lực cán bộ cũng có những hạn chế, nên thông cảm và góp ý để họ sửa chữa...

Theo tôi biết, hiện giờ Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Tỷ lệ hộ đói nghèo còn quá cao (6 trong tổng số 11 huyện thuộc diện "huyện nghèo đặc biệt khó khăn".

Tiếp đó, năm 2009 cũng lại xảy ra trên đất Hà Giang vụ một hiệu trưởng mua bán dâm học trò là trẻ vị thành niên. Nó đã làm náo loạn dư luận cả nước. Năm 2011 tòa xét xử, kết án 9 năm tù giam ông Sầm Đức Xương, hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm, Vị Xuyên.

Tiếc rằng do sợ làm đến cùng thì xấu mặt lãnh đạo địa phương, sợ "làm vậy thì hết cả người lãnh đạo”..., phiên tòa đã khép lại mà không xử tiếp theo lời khai có cả bằng chứng khó cãi về hơn chục lãnh đạo to, từ chủ tịch tỉnh đến lãnh đạo sở, huyện dính vào chuyện mua dâm do chính “tú ông” Sầm Đức Xương môi giới.

Ngày đó, giá như các cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ với loạt bài rất kiên trì của báo Người cao tuổi do anh Kim Quốc Hoa TBT kiên trì đeo đuổi thì tốt biết bao. Tiếc thay, chúng ta đã không dám làm đến cùng để ngăn chặn tiêu cực...

Đây có lẽ là bài học cho tư tưởng né tránh, không dám đương đầu với sự thực như hôm nay Đảng và Nhà nước đã và đang quyết liệt làm và đã phanh phui ra rất nhiều bê bối. Lãnh đạo càng cao càng phải làm gương thì mới tạo nên uy tín cho hệ thống chính trị. Từ đó, dân mới tin.

Trở lại với việc ban hành dự thảo văn bản nói trên của bộ GD-ĐT, tôi thấy thật đáng lo cho ngành và cho xã hội khi chúng ta vẫn luôn nhắc “Giáo dục là Quốc sách hàng đầu!” Tôi hy vọng rồi đây, với công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hiện nay, vụ nâng khống điểm thi THPT Quốc gia sẽ được phanh phui tới tận cùng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ Công an trực tiếp điều tra, là rất cần thiết và rất chính xác. Vậy, nếu dự thảo nghị định kỳ lạ trên được ban hành, không lẽ việc phanh phui gian lận điểm thi để xử lý bằng hình sự sẽ chấm dứt?

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ một dự thảo nghị định xử phạt: Bộ GD-ĐT tự hại mình?