DongA Bank từ một ngân hàng thương mại đã trở thành huyền thoại với 7 triệu khách hàng bỗng chốc có nguy cơ bị bán với giá 0 đồng, sau cú “sẩy chân” vì kinh doanh vàng của người “chủ soái” Trần Phương Bình.

Từ huyền thoại tới cú ‘trượt chân’ của ông Trần Phương Bình tại DongA Bank

Phan Diệu | 05/08/2017, 10:43

DongA Bank từ một ngân hàng thương mại đã trở thành huyền thoại với 7 triệu khách hàng bỗng chốc có nguy cơ bị bán với giá 0 đồng, sau cú “sẩy chân” vì kinh doanh vàng của người “chủ soái” Trần Phương Bình.

Thầy giáo đưa ngân hàng trở thành “huyền thoại”

Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) được thành lập năm 1992 vớisố vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Ngay từ đầu khi đi vào hoạt động, ngân hàng này được quản lý khá chặt chẽ theo cơ chế của Nhà nước.

Tại thời điểm đó, bà Cao Thị Ngọc Dung (Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) là Chủ tịch HĐQT DongA Bank. Trong khi đó, chồng bà là ông Trần Phương Bình giữ chức Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của ngân hàng.

Bà Dung giữ chức Chủ tịch HĐQT từ năm 1992-1997. Dưới thời bà Dung, DongA Bank phát triển khá mạnh theo tiêu chí là một ngân hàng thương mại cổ phần đi đầu về lĩnh vực bán lẻ, chú trọng vào mảng khách hàng tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ 1998-2007, bà Dung lui về làm cố vấn, thay vào đó ông Trần Phương Bình làm Tổng giám đốc điều hành.Từ mộtthầy giáo gắn bó với bục giảng, ông Bình bất ngờ rẽ sang con đường điều hành ngân hàng. Việc này khiến nhiều người lo ngại ông Bình sẽ khó thích ứng.

Thế nhưng, ông Bình đã giúp DongA Bank vượt qua rất nhiều khó khăn, khủng hoảng để đưa ngân hàng này phát triển. Từ một ngân hàng không tên tuổi với số vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỉ đồng, ông Bình và các đồng sự đã đưa thương hiệu DongA Bank trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu về mảng dịch vụ thẻ. Có thời điểm, ngân hàng đã có đến 7 triệu khách hàng. Đây là con số mà nhiều nhà băng rất mơ ước.

Trong giai đoạn này, DongA Bank luôn đạt tăng trưởng cao. Lợi nhuận cổ tức chi trả cổ đông năm 2008 lên đến 21% và liên tục duy trì ở mức hai con số. DongA Bank thậm chí còn nằm trong top 3 ngân hàng cổ phần đứng đầu của Việt Nam, ngang hàng với ACB và Sacombank.

Cú “trượt ngã’ vì vàng và bất động sản

Vào giai đoạn 2008-2012, ban lãnh đạo DongA Bank đã có dấu hiệu đi chệch hướng, lao mạnh vào lĩnh vực bất động sản để đẩy mạnh tín dụng, khiến ngân hàng này lao dốc không phanh.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2012-2004, tỷ lệ nợ xấu của DongA Bank ngày càng tăng cao. Nợ xấu của ngân hàng này đã tăng đột biến từ mức 1,69% (năm 2011) lên 3,95% (năm 2012). Đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức 3,99%.

Năm 2014, ngân hàng này không công bố nợ xấu nhưng tỷ lệ dự đoán dâng cao. Cũng trong năm này, lợi nhuận trước thuế của DongABank chỉ đạt 35 tỉ đồng nên ngân hàng này không chia cổ tức đợt 1.

Chưa kể, trong thời gian này, giá vàng cũng lao dốc không phanh khiến Ngân hàng Nhà nước phải siết chặt quản lý vàng. Giá vàng từ mốc gần 50 triệu đồng/lượng đã rớt xuống còn 30 triệu đồng/lượng đã làm DongA Bank bị “sốc nặng”.

Bởi lẽ, khi đó, DongA Bank là 1 trong 5 ngân hàng được tham gia “chiến dịch vàng” nhằm bình ổn thị trường nội địa và họ được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài. Chưa kể, DongA Bank có cổ đông tổ chức là Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang nắm giữ 10% cổ phầnnên việc kinh doanh vàng có một số điểm thuận lợi.

Tuy nhiên, thị trường vàng quốc tế khốc liệt, cộng với một vài phán đoán sai về xu hướng đã khiến DongA Bank phải trả giá quá đắt. Chính vì cú ngã từ vàng đã khiến DongA Bank phải để lại 26.520 tỉ đồng huy động cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản, trong khi các tổ chức tín dụng chỉ để tầm 10-15% vốn huy động cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản, tức 7.000-10.000 tỉ đồng.

Nguy cơ bị mua lại với giá 0 đồng

Với tỷ lệ nợ xấu tăng cao cộng với việc kinh doanh không hiệu quả, đến tháng 8.2015, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết luận thanh tra và quyết định kiểm soát đặc biệt đối với DongA Bank vì có nhiều vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý tài chính, cấp tín dụng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính, kinh doanh.

Khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank của ông Trần Phương Bình. Cơ quan này đã cử các cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực quản trị tiếp quản và nắm các vị trí chủ chốt, quản trị, điều hành để chỉ đạo xây dựng đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của DongA Bank.

Tháng 12.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối ông Trần Phương Bình cùng với một số cựu lãnh đạo của DongA Bank. Những người này bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định của Bộ luật hình sự.

Ngay sau khi dàn lãnh đạo cũ bị bắt, lãnh đạo DongA Bank khẳng định ông Trần Phương Bình cùng những người trên đã không tham gia quản lý, điều hành ngân hàng gần một năm rưỡi qua. Vì vậy, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố các bị can nêu trên hoàn toàn không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Đông Á.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoạt động của DongA Bank được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ cơ cấu lại toàn diện DongA Bank.

Hiện tại, sau một thời gian dài khủng hoảng, các chỉ tiêu tài chính của nhà băng này đã được cải thiện và có mức tăng trưởng khả quan. Theo kế hoạch, trong 2 năm tới, khi Ngân hàng Nhà nước xử lý xong nợ xấu của thì DongABank cũng có cơ hội để tái cơ cấu. DongABank được quyền tìm kiếm đối tác chiến lược để khắc phục tình hình tài chính. Mặc dù vậy, trong trường hợp bất khả kháng, Ngân hàng Nhà nước có thể mua với giá 0 đồng hoặc cho phá sản.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ huyền thoại tới cú ‘trượt chân’ của ông Trần Phương Bình tại DongA Bank