ĐBQH cho biết gần đây, phim "Đào, phở và piano" do Nhà nước đặt hàng được công chúng đón nhận. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch có giải pháp gì để các phim do Nhà nước đặt hàng phát huy hiệu quả, đến với đông đảo khán giả?
Theo dòng thời sự

Từ hiện tượng 'Đào, phở và piano', giải pháp nào để phim Nhà nước đến với đại chúng?

Lam Thanh 05/06/2024 17:35

ĐBQH cho biết gần đây, phim "Đào, phở và piano" do Nhà nước đặt hàng được công chúng đón nhận. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch có giải pháp gì để các phim do Nhà nước đặt hàng phát huy hiệu quả, đến với đông đảo khán giả?

Thu hút nhà làm phim nước ngoài

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Lê Đào An Xuân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên) cho rằng điện ảnh là phương thức hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước và xúc tiến du lịch.

Ví dụ như phim Chuyện của Pao quảng bá hình ảnh Hà Giang, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh quảng bá Phú Yên. Gần đây, phim Đào, phở và piano do Nhà nước đặt hàng có chất lượng cao, truyền bá tốt lịch sử, được công chúng đón nhận.

Bà Xuân đề nghị Bộ trưởng Hùng nêu giải pháp để hỗ trợ điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là các bộ phim do Nhà nước đặt hàng phát huy hiệu quả, đến với đông đảo khán giả.

du-lich-3.jpeg
Đại biểu Lê Đào An Xuân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sau khi Luật Điện ảnh có hiệu lực đã hỗ trợ quản lý nhà nước và là công cụ để phát triển điện ảnh. Từ đó, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút nhà làm phim nước ngoài nhằm quảng bá hình ảnh đất nước.

"Nước ta có lợi thế là các phim trường tự nhiên rất đẹp", ông Hùng nói, hy vọng thời gian tới sẽ tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến du lịch qua điện ảnh, từ đó có nhiều bộ phim điện ảnh chất lượng.

Theo ông, mỗi năm Nhà nước chỉ có khoảng 60-70 tỉ đồng để đặt hàng làm phim nên các đơn vị phải cố gắng chuẩn bị thật tốt. Hơn nữa, "phim Nhà nước" có điểm nghẽn là không được bán vé.

"Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất để các bộ phim Nhà nước đặt hàng có chất lượng tốt sẽ được bán vé để phim đến với đông đảo công chúng hơn", ông Hùng nói.

Giải pháp nào để vượt Thái Lan trong thu hút khách quốc tế?

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL nêu giải pháp phát triển du lịch Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho biết năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút là 18 triệu du khách quốc tế và dự kiến là doanh thu khoảng 20 tỉ USD, chiếm 5% GDP. Trong khi đó, cũng trong năm nay thì Thái Lan đặt mục tiêu là 40 triệu du khách quốc tế và nguồn thu của họ là 98 tỉ USD, chiếm khoảng 12% GDP.

du-lich-2.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Cũng theo đánh giá xếp loại của Diễn đàn kinh tế thế giới, có 2 yếu tố tác động rất lớn đến thu hút du khách quốc tế. Thứ nhất là tài nguyên văn hóa và thứ hai là tài nguyên tự nhiên thì Việt Nam xếp thứ 24 và 25/119 nước và đều cao hơn Thái Lan.

Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết những vướng mắc, hạn chế nào và cần những giải pháp đột phá gì để Việt Nam có thể đuổi kịp và vượt Thái Lan trong việc thu hút du khách quốc tế trong vòng 5 năm tới?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết để nâng cao các thứ hạng này, cần nâng cao sức cạnh tranh về giá, đảm bảo an toàn an ninh; còn các chỉ số thấp như hạ tầng du lịch, duy trì vệ sinh, bền vững về môi trường, mức độ ưu tiên cho du lịch, mức độ mở cửa, tác động kinh tế - xã hội đến du lịch… bộ đã kiến nghị Chính phủ cải thiện.

Theo Bộ trưởng Hùng, thể chế trong lĩnh vực du lịch đã khá đồng bộ. Việc các địa phương cần làm là bám sát các quy định, có quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, cũng như phát huy vai trò, hoạt động của vùng.

"Mỗi địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng sản phẩm du lịch riêng và liên kết với các địa phương khác. Nhà nước sẽ định hướng về chủ trương, còn sự sáng tạo của doanh nghiệp, người dân", ông nói, lưu ý cần giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ các thương hiệu mà các tổ chức quốc tế đã vinh danh.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng thị trường nội địa 100 triệu dân, xem du lịch nội địa là bệ đỡ. Du lịch cần đi trên cả hai chân - dựa vào cả du lịch quốc tế và trong nước.

Vì sao quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vẫn nằm im trong ngân hàng?

Đại biểu Trần Chí Cường nêu rõ, sau đại dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển bằng chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã bố trí ngân sách cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

du-lich-1.jpeg
Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Tuy nhiên, đến nay số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng, số tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí này cũng như có biện pháp như thế nào để khắc phục tình trạng trên?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay Quỹ phát triển du lịch được hình thành từ năm 2021. Số tiền 300 tỉ đồng là vốn điều lệ của quỹ, theo quy định không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch, mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước.

Khoản lãi từ tiền gửi này dành chi cho hoạt động bộ máy. Còn tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hằng năm, mức này khoảng 5-10%.

"Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì cấp ít", ông Hùng thông tin, đồng thời nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn, có tiền mà không tiêu được.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết vừa qua bộ đã thay chủ tịch, giám đốc của quỹ này. Phần tiền quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau.

"Đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh điều hành, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ", ông Hùng nói.

Tranh luận về Quỹ phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng nếu giao quỹ này cho Bộ VH-TT-DL, rồi bộ lại gửi tiền này vào ngân hàng thì không cần Ban quản lý quỹ.

du-lich-4.jpeg
Toàn cảnh phiên chất vấn

Theo ông Thân, việc quản lý tiền của quỹ này nên giao cho văn phòng bộ với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước.

Kiên quyết xử lý tiêu cực trong thể thao

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ, thời gian qua, dư luận xôn xao trước các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn.

"Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng và cũng thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa phù hợp, cơ chế quản lý chưa hiệu quả", ông Tâm nói.

"Điều này kéo theo hậu quả thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên và huấn luyện viên", ông Tâm nói và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và đảm bảo không tái diễn tình trạng trên.

Liên quan đến tiêu cực trong thể thao thời gian qua và giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là vấn đề nhức nhối của ngành, cụ thể là vấn đề bữa ăn của vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập huấn không được đảm bảo và vụ việc ở đội tuyển thể dục dụng cụ.

Bộ trưởng cho biết, khi phát hiện ra, bộ cũng đã kiên quyết xử lý, thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là không có ngoại lệ, làm nghiêm theo quy định.

Theo đó, bộ đã xử lý kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện thì sẽ xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan
Trấn Thành muốn khán giả cười thả ga với phim tết 2025
Không chỉ làm đạo diễn cho phim “Bộ tứ báo thủ”, Trấn Thành còn tham gia đóng vai một “báo thủ” với mục tiêu muốn khán giả cười thả ga trong dịp tết năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
39 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ hiện tượng 'Đào, phở và piano', giải pháp nào để phim Nhà nước đến với đại chúng?