Để cân đối vừa đủ điện phục vụ tăng trưởng kinh tế hơn 7%/năm, ngành điện phải tăng trưởng hai con số. Đó là bài toán nan giải.

Từ chuyện ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến an ninh năng lượng

Lưu Nhi Dũ | 12/12/2020, 06:20

Để cân đối vừa đủ điện phục vụ tăng trưởng kinh tế hơn 7%/năm, ngành điện phải tăng trưởng hai con số. Đó là bài toán nan giải.

Sáng 10.12, các điểm quan trắc không khí trong khu vực nội thành Hà Nội của Chi cục bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội), hiển thị chỉ số ở mức kém (AQI từ 101-150), không có điểm chỉ số không khí tốt. Tại điểm quan trắc 57 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm), chỉ số không khí đo được ở mức xấu (AQI trên 150 - mức nguy hại cho sức khỏe con người, cần hạn chế các hoạt động ngoài trời). Ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều tuyến đường Hà Nội mờ đục bởi khói bụi, làm người đi đường phải bật đèn xe.

Không phải đến nay, từ đầu tháng 10, Hà Nội và một số địa phương miền Bắc có mức chỉ số chất lượng không khí AQI đạt ngưỡng màu nâu, màu tím – mức xấu và rất xấu.

Những năm gần đây, cứ đến mùa đông là chất lượng không khí Hà Nội lại xuống thấp. Có chuyên gia cho rằng Hà Nội có mật độ giao thông, xây dựng cao nên gây ô nhiễm, kể cả việc đốt rác tràn lan... Nhưng cũng có chuyên gia nghĩ khác về nguyên nhân ô nhiễm và đặt vấn đề: Có phải Hà Nội và các tỉnh miền Bắc bị ô nhiễm bởi ảnh hưởng từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than?

Các chuyện gia chỉ ra rằng, không khí Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ luôn ở mức kém cứ lặp lại vào mỗi dịp đầu đông hằng năm, nhất là khi đợt không khí lạnh tràn về, kéo bụi từ các nhà máy nhiệt điện ở các tỉnh Đông Bắc theo gió Đông Bắc thổi về.

Một nghiên cứu mang tên “Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam” của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10.2018, cho biết công suất lắp đặt nhiệt điện than đã tăng mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây, từ 13 GW lên 18,5 GW năm 2018. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng nhiệt điện than đóng góp lớn vào ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Đây là vấn đề lớn ảnh hưởng lớn đến môi trường sống, cần có thêm nhiều nghiên cứu khác để có chiến lược đúng bảo vệ môi trường.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Nhật Bản là một ví dụ điển hình khi họ đã sợ điện than. Hiện các công ty điện lực ở Nhật Bản đang rút lui khỏi các dự án nhiệt điện than. Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ không phê duyệt các dự án nhiệt điện than mới cũng như các dự án mở rộng các nhà máy nhiệt điện than hiện tại. Nhiều dự án nhiệt điện than đã bị hủy bỏ, thay thế bằng điện gió, điện mặt trời, thậm chí đưa một số nhà máy điện hạt nhân trở lại hoạt động. Hiện có ¾ dự án nhiệt điện than ở Nhật không triển khai nữa.

Xu hướng từ bỏ nhiệt điện than ở Nhật Bản có thể là hồi kết cho chương trình cung cấp cung cấp vốn vay cho ngành công nghiệp điện than đá ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Khoa học đã chứng minh than đá là nguyên nhân gây ra 20% hiện tượng hiệu ứng nhà kính và khí thải ga, vốn là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu.

Ba Lan cũng là một kinh nghiệm sử dụng nhiệt điện than điển hình, bị xem là quốc gia ô nhiễm nhất châu Âu vì nhiệt điện than, góp phần làm hơn 400.000 người trong EU chết vì ô nhiễm mỗi năm.

Ở châu Âu nhiều nước bắt đầu “nói không” với than đá. Lưỡng viện quốc hội Đức ngày 3.7.2018 đã thông qua dự luật đến năm 2038 đóng cửa nhà máy năng lượng than đá cuối cùng. Chính phủ Anh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác than đá cho sản xuất điện. Đức và Tây Ban Nha cũng sẽ lần lượt đóng cửa các mỏ khai thác than đá.

Trong khi đó, ở nước, ta vì nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng, các nhà máy điện than vẫn tiếp tục được triển khai theo theo Quy hoạch điện VII. Hiện nay, nhiệt điện than cung cấp 37-38% cho nhu cầu điện cho đất nước. Theo quy hoạch, đến năm 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống. Và đó là nguồn thải đe dọa rất lớn cho môi trường.

Gần đây, một số địa phương cũng bày tỏ thái độ không còn mặn mà với điện than. Thậm chí như Nghệ An đề nghị xin dừng dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập. Lãnh đạo tỉnh Long An cũng nhiều lần đề xuất Chính phủ điều chỉnh 2 dự án nhà máy nhiệt điện từ sử dụng than sang khí hóa lỏng…

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam vẫn là an ninh năng lượng. Trong khi tiềm năng thủy điện cũng đã khai thác gần hết và tác hại môi trường nhãn tiền, còn điện khí thì khá đắt. Để cân đối vừa đủ điện phục vụ tăng trưởng kinh tế hơn 7%/năm, ngành điện phải tăng trưởng hai con số. Đó là bài toán nan giải.

Xu hướng các quốc gia tiên tiến hiện nay là sử dụng năng lượng tái tạo. Ở Mỹ, trung bình cứ 2,5 phút, lại có một mái nhà năng lượng mặt trời được hoàn thành. Na Uy đã có 98% sản lượng điện toàn quốc được sản xuất bởi các nguồn năng lượng tái tạo. Đan Mạch cam kết đến năm 2050 không sử dụng năng lượng hóa thạch phát điện…

Với nước ta, vẫn có bài toán giải nguồn năng lượng sạch, khi mà tiềm năng về năng lượng gió, điện mặt trời rất lớn và cả năng lượng sinh khối.

Việt Nam với hơn 39% tổng diện tích có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s, tương đương với tổng công suất 512 GW, trong đó hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW.

Trong vòng 2 năm qua, công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành là hơn 5.000 MW và còn nhiều dự án rất lớn đang triển khai. Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất trong khu vực.

Đó là chưa kể tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối khi Việt Nam là quốc gia nông nghiệp. Các loại sinh khối chính là gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị… nếu biến thành năng lượng có thể qui đổi tương đương khoảng 43-46 triệu tấn dầu.

Khoa học, kỹ thuật sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng hiện đại, càng rẻ, là cơ hội để ngành năng lượng chúng ta không phải cắn răng nhập mỗi năm hàng chục triệu tấn than đá để phát điện và tàn phá môi trường.

Chỉ có sử dụng năng lượng tái tạo mới mong hạn chế được tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng như ở Hà Nội, Đồng bằng Bắc bộ và cả ở TP. HCM.

Lưu Nhi Dũ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ chuyện ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến an ninh năng lượng