Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết, tính đến cuối năm 2014, tổng nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương ước tính là 2,35 triệu tỉ đồng (khoảng 110 tỉ đô la Mỹ). Tỷ trọng nợ công so với GDP, từ 50% năm 2011 đã tăng nhanh lên 59,6% năm 2014.

Từ 1.200 USD nợ công đầu người đến giọt nước mắt nông dân

04/08/2015, 12:59

Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết, tính đến cuối năm 2014, tổng nợ công của Việt Nam, bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương ước tính là 2,35 triệu tỉ đồng (khoảng 110 tỉ đô la Mỹ). Tỷ trọng nợ công so với GDP, từ 50% năm 2011 đã tăng nhanh lên 59,6% năm 2014.

Do nhu cầu ngân sách tăng nhanh hơn tốc độ huy động vốn vay ưu đãi bên ngoài nên Chính phủ chủ yếu dựa vào vay nợ trong nước. Nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ trong khoảng 27 - 28% GDP trong giai đoạn 2010 - 2014, nhưng nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP lên 31,7% GDP trong cùng thời gian. Phần lớn vốn huy động trong nước dựa trên phát hành trái phiếu Chính phủ. Việt Nam cũng đã phát hành trái phiếu quốc tế 10 năm với tổng giá trị 1 tỉ đô la Mỹ (lãi suất 4,8%) vào tháng 11.2014. Nhưng phần lớn số thu của đợt phát hành trái phiếu này được sử dụng để tái cơ cấu các khoản vay trước đó, chứ không phải để đầu tư mới.
Vấn đề là, với gánh nặng nợ công như vậy, nghĩa vụ thanh toán nợ đã tăng từ 22% tổng thu ngân sách năm 2010, lên gần 26% tổng thu ngân sách năm 2014. Chi trả lãi vay hiện chiếm gần 7,2% chi ngân sách, lấy bớt đi phần dành cho các khoản chi tiêu khác. Và thâm hụt đầu tư công đã bắt đầu diễn ra từ năm 2012. Chi đầu tư trong quý 1/2015 chỉ chiếm khoảng 15,6% tổng chi ngân sách. Kết quả này chỉ bằng 50% mức trung bình trong giai đoạn 2004 - 2012 và là mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Chi đầu tư đã giảm, còn đầu tư có hiệu quả hay không lại là câu chuyện khác nữa.
Những ngày gần đây, dư luận đang xốn xang bởi loạt bài điều tra “Gánh nặng quê nghèo” của báo Nông nghiệp Việt Nam. Loạt bài đã vẽ lên bức tranh nhiều nỗi ám ảnh về cuộc sống đầy nhọc nhằn vì bị đè bẹp dưới đủ các loại đóng góp, phí, quỹ của người nông dân sống trên vùng đất nghèo Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, với hình ảnh đi kèm là nữ nông dân Lê Thị Hương mếu máo trong nước mắt vì bán hết lúa không đủ tiền “nộp sản”.
Theo loạt bài này, từ mấy chục năm nay, cứ sau kỳ thu hoạch vụ mùa, xã Thường Nga, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh lại huy động toàn thể nhân dân nộp ngân sách. Mỗi hộ nông dân ở đây phải gánh hai phần đóng góp, phần thu của xóm và phần thu của xã. Ở xóm bao gồm các khoản thu nội đồng, thu bê tông, thu hội quán… Phần thu tại xã gồm: Thu quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất, thu thầu hợp đồng, thu phí vườn đồi, phí kinh doanh chưa đến mức thu thuế tháng, thu hợp tác xã môi trường, quỹ khuyến học, hai loại quỹ, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ quốc phòng an ninh, phạt quân sự, kế hoạch hóa, thuế đất phi nông nghiệp…
Việc thu nộp sản phẩm như một chiến dịch. Chính quyền xã ra hạn chỉ trong vòng 3 ngày người dân phải đóng nộp đầy đủ, nhà nào thiếu, dù chỉ một cân thóc thôi cũng phải chịu nộp phạt thêm 5%. Những hạt thóc sau thu hoạch chưa kịp đổ bồ, nông dân Thường Nga phải cắn răng đem bán với giá khoảng chừng 5.500 đồng/kg để nộp đúng thời hạn, để tránh bị phạt 5%. Không ít nhà phải bán sạch mới có tiền để nộp. Đến mức anh nông dân Nguyễn Hải Đường, ở thôn Đất Đỏ thuộc xã này kể: Hàng chục năm trước, mỗi lần đến chiến dịch, lúa tươi gặt về mới chỉ đến sân người ta đã ập đến gạt phần rạ đi mà xúc để đủ chỉ tiêu. Bây giờ thì người dân tự mang lên điểm thu nộp nhưng nhiều gia đình vẫn phải bán sạch lúa, thậm chí là vay mượn để mà đóng đậu.
Ấy vậy mà, mỉa mai thay, theo con số nợ công vừa mới được Ngân hàng Thế giới công bố, mỗi người dân Thường Nga, Can Lộc, dù hầu như không được ngân sách đầu tư gì, vẫn đang gánh hơn 1.200 USD nợ công như mọi người dân Việt Nam khác, nếu lấy tổng nợ công hiện tại là 110 tỉ USD chia đều theo đầu người. ...
Trong khi đó tình trạng yếu kém, buông lỏng quản lý, lãng phí, thất thoát do tham nhũng trong đầu tư công vốn sử dụng nhiều vốn vay - vẫn hoàn toàn chưa được khắc phục. Một Vinashin hay Vinalines “phá” hàng tỉ USD chưa đủ, một trưởng phòng Vinashin như Giang Kim Đạt vẫn có thể xà xẻo được gần 19 triệu USD vốn đầu tư từ ngân sách!
Hàng loạt dự án đầu tư công tăng tổng mức đầu tư rất cao so với phê duyệt ban đầu. Chẳng hạn, dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng 20.920 tỉ đồng, tức tăng 0,85 lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt lần đầu; dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng 10.515 tỉ đồng, tức 0,89 lần; dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng 10.148 tỉ đồng, tức 0,5 lần; dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu tăng 6.096 tỉ đồng, tức 0,8 lần; tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Mỹ Lộc (BT) tăng 1.183 tỉ đồng; đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ tăng 775 tỉ đồng; dự án đường nối khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) đến khu du lịch Tam Chúc - Khả Phong (Hà Nam) tăng 122,2 tỉ đồng, tức 3,8 lần…
Trong lĩnh vực đang nóng là các dự án xây dựng đường sắt đô thị, thì dự án metro chậm tiến độ và “đội vốn” gây tai tiếng nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) dài 13 cây số với tổng mức đầu tư ban đầu là 552,82 triệu đô la Mỹ và thực hiện trong vòng 3 năm 2 tháng. Nhưng đến tháng 12.2013 (tức sau hơn 4 năm rưỡi) dự án vẫn dở dang và tổng thầu EPC Trung Quốc đề nghị và được đồng ý tăng tổng mức đầu tư lên thành 891,92 triệu đô la Mỹ, tức tăng 339,1 triệu đô la Mỹ (61%) và thời gian dự kiến hoàn thành là tháng 12.2015. Dự án tuyến metro số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 cây số được phê duyệt tháng 4.2007 với tổng mức đầu tư 17.387 tỉ đồng, thời gian thực hiện là 10 năm (2017)… Nhưng chỉ 2 năm sau, năm 2009, tổng mức đầu tư của dự án đã được nâng lên 47.325 tỉ đồng (tăng 172%) và thời gian kéo dài đến năm 2020. Tuyến metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - An Sương) dài hơn 11 cây số được phê duyệt hồi tháng 10.2010, có tổng mức đầu tư ban đầu gần 1,4 tỉ đô la Mỹ và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018, sau đó đã được điều chỉnh tăng lên gần 2,16 tỉ đô la Mỹ (tăng gần 60%) và thời gian hoàn thành là năm 2020…
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải thì tất cả các dự án đường sắt đô thị đang được triển khai ở Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ từ 2 - 5 năm và đều phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 50 - 172%, tương đương hàng tỉ đô la Mỹ. Hàng tỉ đôla Mỹ đó chủ yếu là tiền đi vay và tất nhiên sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi. Vay nhiều, mắc nợ nhiều mà hiệu quả đầu tư không tương xứng, người dân ít được thụ hưởng, gánh nặng nợ đổ lên vai người dân hiện tại (qua rất nhiều loại phí như phí bảo trì giao thông đường bộ đối với xe máy chẳng hạn) và trên vai con cháu mai sau. Còn tiền đâu cho đầu tư cải thiện đời sống những người nông dân bị vắt đến cùng kiệt như ở Can Lộc, Hà Tĩnh, trong khi tỉnh này lại đang bỏ cả trăm tỉ đồng xây văn miếu?
Đoàn Khắc Xuyên (DDVN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ 1.200 USD nợ công đầu người đến giọt nước mắt nông dân