Chiều 30.9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12.5.2020.

TS Vũ Tiến Lộc: Phải chăng đang có sự giảm nhiệt trong nỗ lực cải cách?

Bùi Trí Lâm | 30/09/2020, 16:13

Chiều 30.9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12.5.2020.

Cắt giảm hàng nghìn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng công tác cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Thực hiện thành công Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý nhà nước trong giai đoạn 2007-2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 TTHC (cắt giảm 37,31% TTHC tương ứng với khoảng gần 30.000 tỉ đồng mỗi năm).

Trong giai đoạn 2016-2020, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỉ đồng, các Bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.

Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, cũng phải nhìn nhận một thực tế là trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; việc cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác gây khó khăn hơn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, việc thực hiện TTHC chủ yếu vẫn bằng phương thức thủ công; người dân, doanh nghiệp còn phải nộp nhiều loại giấy tờ, đi lại nhiều nơi, phát sinh gánh nặng hành chính không cần thiết. Nguyên nhân chính của những tồn tại này chủ yếu là do chưa thực sự có cách tiếp cận tổng thể, chưa có cách làm và công cụ phù hợp để đánh giá, kiểm soát, đo lường và tham vấn hiệu quả về chính sách và quy định không còn phù hợp.

Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 12.5.2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Đây là Chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay. Từ kinh nghiệm cải cách của các nước thuộc khối OECD và thực tiễn cải cách của nước ta thời gian qua, có thể thấy chúng ta còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng thông qua việc cải cách.

Thực hiện Chương trình này, các Bộ, ngành ngoài việc tập trung vào cải cách các quy định theo hướng quy định đơn giản, thuận lợi và minh bạch hơn, cũng cần tập trung vào cải thiện và đổi mới mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện các quy định, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của các cơ quan hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Về mục tiêu, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31.5.2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31.10.2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Đang có sự giảm nhiệt trong cải cách?

Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu câu hỏi, phải chăng đang có hiện tượng giảm nhiệt trong nỗ lực cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh? Hiện nay chỉ có Bộ Công Thương và Bộ Y tế đang tiếp tục soan thảo các quy định giảm điều kiện kinh doanh, còn các Bộ khác không biết thế nào?

Ông Lộc cho rằng việc cắt giảm điều kiện kinh doanhcần phải đươc thực hiện liên tục vì so với thế giới, chúng ta vẫn còn ở một khoảng cách rất xa, nên vẫn cần đẩy mạnh cắt giảm điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, trong kiểm tra chuyên ngành, ông Lộc cũng cho rằng ở nơi này nơi khác vẫn có sự khập khiễng. Vẫn có sự chồng chéo trong các quy định. Đây cũng là vấn đề rất lớn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, có 3 đợt sóng cải cách ngay trong nhiệm kỳ Chính phủ này. Thứ nhất, năm 2016, đợt sóng cải cách đầu tiên, xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, với yêu cầu điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong Luật và Nghị định, Chính phủ đã thành công trong việc khai tử hàng nghìn giấy phép con trong các thông tư, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Đợt sóng thứ hai là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành với tinh thần rất quyết liệt. Và hiện nay là đợt sóng thứ ba, với Nghị quyết số 68 đặt mục tiêu cắt giảm 20% các quy định về kinh doanh trong 5 năm tới. Nghị quyết này cũng gắn với một chương trình rất lớn là rà soát, xóa bỏ những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong các quy định về kinh doanh.

“Một nhiệm kỳ với ba đợt sóng, Chính phủ đã thành công với việc thúc đẩy cải cách thể chế, với cách thức thực hiện bài bản hơn. Đây cũng là nhiệm kỳ Chính phủ đầu tiên đặt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp và chương trình nghị sự cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 quyết liệt hơn”, ông Lộc nói.

Theo khảo sát của VCCI, thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép về điều kiện kinh doanh giảm từ 58% xuống còn 48%, tức giảm 10% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm 10%. Đây không chỉ là vấn đề tiền bạc hay thời gian mà còn là vấn đề niềm tin.

Nghị quyết 68 có nhiều điểm mới, không chỉ đề cập đến điều kiện kinh doanh hay TTHC mà toàn bộ các quy định về kinh doanh. Bởi trong thực tế, một bản phụ lục hay một biểu mẫu trong thông tư cũng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Điểm thứ hai, tinh thần của Nghị quyết là giảm bớt tối đa các văn bản, hạn chế tối đa tình trạng một thông tư có thể ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp.

Thứ ba, cách làm một văn bản sửa nhiều văn bản có thể giúp sửa đổi các quy định một cách nhanh chóng hơn... Cùng với đó, rà soát không chỉ các văn bản đã có hiệu lực mà còn sửa đổi cả các văn bản đang trong quá trình soạn thảo. Bảo đảm khả năng thực thi, thúc đẩy thực hiện chính sách cải cách trong thực tế. Cộng hưởng với các cải cách trong thực hiện Chính phủ điện tử, thực hiện các thủ tục trực tuyến...

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho biết “Nghị quyết 68 có 4 mục, trong đó tôi thích cái mục thứ 4 là bảo đảm các điều khoản quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Mình muốn đi song hành với người ta thì mình phải cải cách”.

“Không phải ai cũng có nhiệt huyết, nhiều bộ ngành cũng lạnh lùng với chúng tôi lắm”, ông Thân nói và cho biết ổng ủng hộ tối đa Nghị quyết này và mong muốn làm sao phối hợp để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Vũ Tiến Lộc: Phải chăng đang có sự giảm nhiệt trong nỗ lực cải cách?