Việc UBND TP.Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm, trong đó có kế hoạch thay thế các cây xanh, đang thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia.

TS Vũ Thế Long: ‘Tôi cực lực phản đối việc thay thế cây xanh quanh Hồ Gươm’

Trí Lâm | 05/07/2017, 15:09

Việc UBND TP.Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm, trong đó có kế hoạch thay thế các cây xanh, đang thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về thông tin thay thế cây xanh ở Hồ Gươm, TS Vũ Thế Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội UNESCO Hà Nội, một chuyên gia nghiên cứu vềlĩnh vực bảo vệ môi trường bày tỏ: “Tôi cực lực phản đối việc thay thế cây xanh quanh khu vực Hồ Gươm. Đây là một dự án phản văn hóa, phá hoại di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của cả nước”.

Theo vị này, Thủ đô Hà Nội là một trong số những thành phố có nhiều cây xanh trên thế giới. Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào đi sâu nghiên cứu lập lại lí lịch cho từng gốc cây ở Hà Nội nhưng có nhiều cây có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm. Những hàng cây mang tính quy hoạch có tính toán trong các khu phố Tây ở Hà Nội là những công trình kiến trúc xanh đô thị cũng đã được trồng vào đầu thế kỉ này mà hình ảnh của chúng còn được ghi nhận trong nhiều tấm bưu thiếp cổ.

Do đó, khi xem xét các cây xanh, nhất là hệ cây cổ, cây lịch sử, chúng ta không thể chỉ đơn thuần coi chúng là những vật thể vô tri. Cây đã là một bộ phận trong đời sống tâm linh của người Hà Nội, của bất kì người nào có tình yêu với Hà Nội, yêu thiên nhiên. Cây còn là một chứng tích sống trường tồn trong thời gian, là di tích lịch sử cần được xếp hạng và bảo vệ.

TS Vũ Thế Long, nhà nghiên cứu và hoạt động môi trường phản đối việc thay thế cây xanh ven Hồ Gươm

“Có lẽ cũng đã có nhiều người, nhiều thế hệ bàn bạc về vấn đề nên trồng cây gì ở Hà Nội và trồng như thế nào cho phù hợp. Thật không dễ gì mà tìm ra giải pháp. Những hàng cây đô thị do người Pháp thiết kế, gieo trồng và chăm sóc từ đầu thế kỉ ở Hà Nội là một trong những thể nghiệm rất hay để các nhà nghiên cứu quy hoạch cây xanh đô thị cùng nhau xem xét”, TS Long nói.

Nêu một số ví dụ, TS Long cho biết, ở Hà Nội, có những dãy phố với những hàng cây đặc trưng như đường Điện Biên Phủ với dãy đa cổ; Phan Đình Phùng có ba hàng cây lớn với những gốc sấu có những bộ rễ chững chạc; hàng cây cơm nguội đường Lý Thường Kiệt rụng lá chiều đông gợi một cảnh sắc nên thơ của một đô thị ôn đới… Có thể nói những hệ cây này là những tác phẩm nghệ thuật của đô thị và rất ăn nhập với toàn cảnh của môi trường kiến trúc.

Trên thực tế, đã có rất nhiều khu phố, khi cây già, khô mục hoặc bị bão đổ người ta đã tùy tiện thay vào chỗ cây khuyết một loại cây khác, không ăn nhập gì với hàng cây đã được thiết kế ban đầu. “Làm như thế khác nào khi phục chế một bức tranh cổ, thay vì cố gắng tô lại một mảng màu đã tróc sơn bằng mảng màu có màu sắc tương tự như nguyên bản thì người ta lại phết vào đó một mảng màu lạ lẫm làm hỏng cả bức tranh”.

Chuyên gia này cũng cho rằng, sau gần trăm năm, có một số loài cây không thực thích hợp với môi trường Hà Nội. Tuy thế việc chặt hạ, thay thế cần phải được cân nhắc cẩn thận và có sự quyết định của một hội đồng bao gồm các chuyên gia trong những chuyên môn khác nhau chứ không chỉ một mình công ty cây xanh toàn quyền quyết định.

Theo TS Long,có quá nhiều vấn đề cần bàn về đời sống cây xanh đô thị Hà nội, song có một điều không thể không nói đến, đó là cần chăm sóc cây xanh ra sao và làm thế nào để hạn chế thấp nhất những tai nạn do cây xanh gây ra cho con người và ngược lại, những thiệt hại do sự thiếu thận trọng, thiếu suy xét mà con người đã gây hại cho cây.

Ở nhiều chỗ, e sợ do bị bão làm đổ cây, gẫy cành gây tai nạn, người ta đã tỉa trụi nhiều cây to làm cây bị chột một thời gian dài. Cách cắt tỉa, đặc biệt là vị trí cần cắt tỉa trên cành cây có thểsẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống của cây, bởi lẽ nếu cắt không đúng vị trí sẽ tạo thêm điều kiện cho các loại nấm mốc, mầm bệnh có cơ hội xâm nhập giết chết cây.

PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cũng cho biết không đồng tình với việc thay thế cây xanh quanh Hồ Gươm, bởi vì những hàng cây này đều gắn với lịch sử, có bóng mát, là không gian quen thuộc của người dân Thủ đô.

Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ phương án liên quan đến cây xanh

Theo công văn của Bộ Xây dựng gửi UBND TP.Hà Nội, góp ý đối với dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm, về nội dung cây xanh, Bộ Xây dựng nhận thấy bản vẽ hiện trạng cây xanh sơ sài. Theo cơ quan này, phương án thay thế cây mới cần chỉ rõ từng vị trí, có bảng thống kê, phân loại, đánh số chủng loại cây như vị trí, ký hiệu các loại cây và lập hồ sơ cho từng cây phục vụ công tác quản lý. Bộ Xây dựng yêu cầu chủng loại cây phải đồng nhất trên trục tuyến đường, trong khu vực vườn hoa. Cây xanh cần thể hiện đường kính, phân cành, màu sắc lá, hoa.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Vũ Thế Long: ‘Tôi cực lực phản đối việc thay thế cây xanh quanh Hồ Gươm’