Ngân hàng không nên chỉ nhìn vào việc thu phí của khách hàng mà hãy tính toán cách sử dụng đồng tiền gửi của khách hàng sao cho hiệu quả và sinh lời nhiều nhất”, TS Nguyễn Trí Hiếu - một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng chia sẻ.
Gánh quá nhiều loại phí
Lý do tăng phí dịch vụ được các ngân hàng đưa ra là đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cải tiến dịch vụ hệ thống, nâng cấp các ứng dụng dịch vụ điện tử để gia tăng bảo mật.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết so với nhiều nước trên thế giới, các ngân hàng ở Việt Nam đang áp quá nhiều loại phí cho khách hàng. Dù các phí này đều trong sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước nên việc thu phí của các ngân hàng này không phạm luật. Nhưng sự thực là khách hàng đang phải gánh quá nhiều loại phí.
Từng có kinh nghiệp làm chủ ngân hàng ở Mỹ và là khách hàng của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết nhiều nước họ không thu phí phát hành thẻ, vì phát hành thẻ thì càng tạo thêm sự tiện dụng cho khách hàng, tiết kiệm cơ sở hạ tầng cho ngân hàng. Trong khi ở Việt Nam thì ngân hàng nào cũng bắt khách hàng chịu phí.
Bên cạnh đó là phí sao kê, ông Hiếu cho rằng sao kê là thông tin khách hàng cần phải có để biết được giao dịch trong tài khoản. Do đó, việc thu phí này cũng nên bỏ. Một loại phí khác là phí rút tiền. Theo đó, đây là điều hiển nhiên của khách hàng. Thay vì họ đến phòng giao dịch thì bây giờ có ATM thì rút tại đó. “Việc này thuận lợi hơn cho ngân hàng vì ngân hàng không mất chi phí cơ sở hạ tầng, lao động”.
Ngoài ra, ông Hiếu cũng phản đối việc thu phí chuyển khoản nội bộ. Lý do là chuyển khoản trong nội bộ ngân hàng thì tiền đó không mất, vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng.
“Các ngân hàng tính phí vì việc đầu tư vào công nghệ thông tin, ATM, duy tu, bảo dưỡng phần mềm có chi phí lớn. Người Việt cũng có thói quen rút tiền nhiều lần khiến chi phí bị đội lên. Tuy nhiên, việc liên tục tăng phí cần được xem xét lại”, ông Hiếu nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc tăng phí phải đi kèm với tăng chất lượng dịch vụ. Nếu các ngân hàng lập ra nhiều điểm giao dịch, thuận tiện cho khách hàng; tăng cường bảo mật, an toàn tài khoản cho khách hàng khỏi bị ăn cắp tiền; hoặc ngày lễ, tết không bị ùn ứ, hết tiền trong ATM… thì việc tăng phí người dân còn có thể chấp nhận, chứ tình trạng dịch vụ không cải thiện mà vẫn tăng phí, bắt người dân phải chịu thì không chấp nhận được.
Ông Hiếu cũng cho rằng, không thể có chuyện ngân hàng cứ đầu tư vào một máy ATM bao nhiêu tiền thì bắt khách hàng phải chịu hết phí. Lý do là việc đầu tư vào ATM là vấn đề dài hạn. Vì đầu tư ATM mà khách hàng họ gửi tiền nhiều hơn cho ngân hàng, ngân hàng dùng tiền đó để cho đi vay.
“Ngân hàng không nên chỉ nhìn vào việc thu phí của khách hàng mà hãy tính toán cách sử dụng đồng tiền gửi của khách hàng sao cho hiệu quả và sinh lời nhiều nhất”, ông Hiếu chia sẻ.
Lại là theo lộ trình
Tại diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018 sáng 8.5, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi cho rằng hiện nay các khách hàng sử dụng thẻ luôn có cảm giác rằng ngân hàng đang tận thu, phí chồng phí, vì tính ra rất nhiều loại phí.
Theo bà Mùi, những phí ngân hàng bắt buộc thu rất thỏa đáng nhưng vấn đề là thu bao nhiêu và thu thế nào. Trong khi các ngân hàng vẫn nói là số thu phí hiện nay quá thấp, như muốn hòa vốn đầu tư vào mỗi điểm ATM thì phải thu gấp nhiều lần hiện nay, khoảng 7.000 đồng/giao dịch.
Cũng tại hội thảo, chia sẻ về việc nhiều ngân hàng tăng phí dịch vụ gần đây, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho rằng việc các ngân hàng tăng phí thời gian gần đây hoàn toàn phù hợp với các thông lệ và đã có lộ trình từ những năm 2012.
Ông Tuấn cũng cho biết các ngân hàng được phép thu phí ATM từ tháng 3.2013 đến hết năm 2013 với mức phí từ 0 đến 2.000 đồng/giao dịch. Từ năm 2015, các nhà băng được nới mức trần lên là 3.000 đồng/giao dịch.
“Thực tế mức trần là 3.000 đồng/giao dịch rút tiền ATM nhưng các ngân hàng hầu hết vẫn là áp dụng mức phí 1.000 đồng/giao dịch nội mạng chứ chưa thu tới mức trần NHNN cho phép”, ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm đối với các loại phí được thu định trong Thông từ 35 của NHNN đều là bắt buộc. Tuy nhiên, biểu phí có thể là 0 đồng. Còn đối với các dịch vụ giá trị gia tăng mà ngân hàng kết hợp với các bên thứ 3 thì mức phí sẽ do thỏa thuận của mỗi ngân hàng với khách hàng.
Theo ông Tuấn, năm 2013 chỉ có khoảng 0,7% giao dịch phát sinh từ thẻ ghi nợ nội địa là dùng để thanh toán hàng hóa. Trong khi đó, 99,3% các giao dịch là rút tiền. Đến nay, tuy số lượng giao dịch thanh toán đã tăng lên 3% nhưng vẫn còn tới 97% giao dịch chỉ là để rút tiền mặt.
Do đó, trong tương lai, ông Tuấn cho rằng chỉ cần khoảng 20% giao dịch từ thẻ là để thanh toán và 80% là để rút tiền mặt thì phí dịch vụ ngân hàng chắc chắn sẽ được điều chỉnh theo xu hướng giảm.
Agribank vừa thông báo từ ngày 12.5 tới sẽ điều chỉnh nhiều mức phí đối với chủ thẻ ATM, như phí rút tiền nội mạng từ 1.100 đồng/lần lên 1.650 đồng/lần (gồm cả thuế VAT), tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và trên ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/lần.
Agribank cũng thu phí dịch vụ chuyển khoản trên Agribank Mobile Banking (SMS Banking), Agribank M-Plus và Agribank E-Mobile Banking theo số tiền giao dịch của khách hàng: Giao dịch từ 1 triệu đồng trở xuống là 1.100 đồng; trên 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng là 2.200 đồng; trên 10 triệu đồng đến 25 triệu đồng là 3.300 đồng (đã bao gồm VAT).
Không riêng gì Agribank, Vietcombank điều chỉnh phí SMS Banking tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng mỗi tháng (đã bao gồm VAT). Nếu trước đây người dùng Vietcombank chuyển khoản trong Vietcombank qua app Mobile Banking được miễn phí thì từ 1.3 sẽ mất 2.200 đồng mỗi giao dịch.
Eximbank cũng áp dụng phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống, khác tỉnh, thành phố là 0,05% số tiền; DongA Bank áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống, khác tỉnh là 22.000 đồng/giao dịch hay VIB nếu trước đây miễn phí khá nhiều giao dịch thì nay cũng bắt đầu thu phí.
Lam Thanh