TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

TS Nguyễn Quốc Việt: Môi trường lãi suất cao làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Lam Thanh | 23/06/2023, 11:22

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Tỷ lệ DN dừng hoạt động cao chưa từng có

Kinh tế Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu DN, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý 4/2022.

Ngoài ra, mức lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7.2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng 2/2023, đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, chi phí lãi vay đã chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của Việt Nam trong năm 2022, với môi trường lãi suất cao đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các DN, cũng như nhu cầu khởi nghiệp và thành lập DN.

Hơn nữa, tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023, do cầu yếu và lãi suất vẫn cao. Việc huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế giảm mạnh và tốc độ huy động vốn của ngành ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây.

“Tiền gửi khu vực dân cư tăng mạnh, cho thấy sự tăng lên của cảm nhận rủi ro đầu tư, làm giảm nhu cầu thành lập DN”, báo cáo nêu.

Năm 2022 chứng kiến sự phục hồi từ cả 3 lĩnh vực kinh tế, trong đó lĩnh vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 110,3 nghìn DN thành lập mới. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2023, số DN gia nhập (gồm số thành lập mới và quay lại hoạt động) trong 5 tháng đầu năm là 95.000; trung bình mỗi tháng khoảng 19.000; giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2022.

viet-4.jpg
Tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động cao chưa từng có

Trong khi đó, số DN dừng hoạt động trong cùng thời gian là 88.000, trung bình mỗi tháng 17.600 DN; tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, số rút khỏi thị trường gần bằng 93% số gia nhập thị trường - một tỷ lệ rút khỏi thị trường cao chưa từng có.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp. Các DN đang hoạt động thì phần lớn cũng phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.

“Nhiều DN thực tế đã chết lâm sàng. Khu vực kinh tế tư nhân - một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, trong những năm qua, đang suy yếu”, ông Lộc nêu.

Lãi suất cao là yếu tố rủi ro lớn với doanh nghiệp

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cho rằng, môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, từ năm 2011 - 2020 Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn.

“Trong 2 năm 2021 và 2022 do chi phí cho nhập khẩu thuốc, thiết bị phòng chống dịch COVID-19, và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm nhưng về xu hướng dài hạn thì Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn. Như vậy Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn”, ông Việt nêu.

Ở góc độ DN, văn bản mới nhất của Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng cho rằng, lãi suất ngân hàng quá cao là áp lực lớn, rất căng thẳng với ngành này.

“DN thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu, thường vay USD. Từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8% lên 3 - 3,3% và thậm chí đến 4,5% và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1 - 4,9%, có những DN cao hơn 5% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất - xuất khẩu thủy sản”, VASEP nêu và cho hay, ngoài lãi suất đã cao, còn cần tính cả các khoản phí như: phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD)…

viet-2.jpg
Lãi suất cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Theo các DN, một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó.

Thêm nữa, DN thủy sản cho rằng việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của DN trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi các DN sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này.

Tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn

TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chính sách tài khóa, đặc biệt các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tràn tích cực.

“Các chính sách hỗ trợ đầu cung theo ngành và DN cần đúng đối tượng và thiết thực hơn. Hiện nay, các hỗ trợ thường thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí và đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây ra lãng phí ngân sách”, ông Việt nói.

Do vậy, ông Việt cho rằng Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các DN có năng lực và khả năng lan tỏa cao và tập trung vào hai khó khăn lớn với cộng đồng DN hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng”, ông Việt nêu.

ts-viet-4.jpg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

Ông Việt khuyến nghị, chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro; tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.

“Ngoài việc hạ lãi suất điều hành phù hợp bối cảnh trong và ngoài nước, việc điều tiết cung tiền và đảm bảo thanh khoản hệ thống (đã làm khá tốt) cần được phát huy tốt hơn để đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng, qua đó từng bước nâng dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại trong các quý còn lại của năm 2023”, ông Việt nói.

Ngoài ra, ông Việt cũng cho rằng cần tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

“Việc cho phép DN, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết. Cần sửa đổi điều kiện cho vay hợp lý hơn để triển khai gói vay hỗ trợ lãi suất 2% hiệu quả hơn”, ông Việt nêu.

viet-3.jpg
Các chuyên gia cho rằng cần tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh

Bình luận về việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng nay, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay với người dân, DN. Từ đó góp phần hỗ trợ DN, kích cầu tiêu dùng phục hồi và phát triển kinh tế.

Ông Thịnh kỳ vọng cuối năm nay lãi suất trong nền kinh tế sẽ giảm về mức như cuối năm 2019, nhưng với tốc độ giảm lãi suất điều hành như thời gian qua thì có thể đến hết quý 3, lãi suất mới giảm về mức này và sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Quốc Việt: Môi trường lãi suất cao làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp