Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa cho ra mắt tác phẩm “Cám dỗ Việt Nam” của giáo sư triết học, TS Nguyễn Hữu Liêm, hiện đang giảng dạy Đại học tại Mỹ.

TS Nguyễn Hữu Liêm-Triết gia nhà quê và 'Cám dỗ Việt Nam'

03/07/2019, 06:04

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa cho ra mắt tác phẩm “Cám dỗ Việt Nam” của giáo sư triết học, TS Nguyễn Hữu Liêm, hiện đang giảng dạy Đại học tại Mỹ.

TS Nguyễn Hữu Liêm

Trong thời gian gần đây ông đã cho xuất bản nhiều sách viết về địa hạt nghiên cứu được nhiều bạn đọc yêu chuộng trí thức quan tâm. Đơn cử như cuốn “Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” do NXB Đà Nẵng phát hành 2018. Trước buổi gặp gỡ bạn đọc, giới thiệu ra mắt sách tại TP.HCM, ông đã dành cho báo Một Thế Giới một cuộc trao đổi.

- Được biết trong tuần tới Giáo sư sẽ có mặt ở TP.HCM để ra mắt tác phẩm mới. Ông có thể cho biết cảm tưởng của mình và những cuốn sách đã viết?

TS Nguyễn Hữu Liêm: Mỗi lần trở lại Việt Nam thì lòng vui như kẻ đi thật xa về lại làng xưa - dù tôi về nước thường xuyên. Kỳ nầy, tôi sẽ giới thiệu với độc giả trong nước tuyển tập bút ký của tôi “Cám dỗ Việt Nam” do NXB Hội NhàVăn và Domino phát hành. Đây là những bài viết ngắn về những chuyến đi khắp nơi trên quê hương, bao gồm những suy tư, mang dạng triết học, về đất nước, con người, quê nhà, bà con, bạn hữu. Đây là tuyển tập thứ nhất, sau đó sẽ là tuyển tập thứ hai mang tên, “Quốc gia như ảo thức đọa đày” về các vấn đề xã hội và lịch sử Việt.

Về sách chuyên môn ngành triết học thì ở Việt Nam tôi đã có cuốn “Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” (2018) do NXB Đà Nẵng phát hành. Nội dung đưa ra một luận đề mới và khác, rất là nguyên thủy về bản thể luận trên nền tảng chữ Thời và Ý chí. Cách đây ba năm, tôi cũng đã cho ra đời cuốn “Sử tính và Ý thức: Một triết học cho lịch sử Việt Nam”. Hiện nay, tôi cũng đang xin giấy phép xuất bản cuốn mới “Phác thảo một triết học cho lịch sử thế giới.” Đây là cuốn khá dày, trên 600 trang, mà tôi ưng ý nhất. Hy vọng nó sẽ được ra mắt độc giả một ngày gần đây.

- Văn hóa đọc của độc giả trẻ trong nước gần đây như mở rộng và đa chiều. Sách bao quát nhiều lĩnh vực cũng được in nhiều hơn. Tuy nhiên, sách chuyên biệt cho Triết học hay lĩnh vực “đào xới tư duy” này rất ít ỏi. Tác phẩm của các tác giả Việt viết càng ít. Ông có thể cho biết thêm nguyên do vì sao ông “cần mẫn” độc hành trên con đường rất chông gai này?

- TS Nguyễn Hữu Liêm: Tôi say mê triết học từ thời trung học, khi còn là cậu học trò nghèo khó ở Quảng Trị. Qua Mỹ, tôi học nhiều ngành, nhưng cuối cùng cũng trở lại trường học triết và sau đó đi dạy triết học ở đại học Mỹ. Hình như tôi chỉ có một niềm vui duy nhất: đọc, viết và giảng dạy, thuyết trình triết học.

Tôi dạy triết toàn thời gian cho sinh viên Mỹ, nói tiếng Anh bằng giọng Quảng Trị nặng như đá, cho nên sinh viên tưởng là cao siêu - vì chúng chẳng hiểu mô tê chi cả. Rứa mà lớp học của thầy Liêm lúc mô cũng đông sinh viên - vì tôi liên tục kể chuyện vui đùa kiểu nhà quê làm cho bọn trẻ cười văng bàn, văng ghế. Tôi hành nghề luật sư thì đồng nghiệp gọi tôi là “country lawyer” (luật sư nhà quê), dạy triết thì các giáo sư trong trường kêu là “country philosopher” (triết gia nhà quê)!

Bìa sách “Cám dỗ Việt Nam” của nhà xuất bản Hội Nhà Văn 7.2019

- Theo ông, người Việt có một nền tảng về Triết học không? Hình như trong văn hóa người Việt không thích khoa học, triết lý, sâu xa?

- TS Nguyễn Hữu Liêm: Hình như nấc thang phát triển trí tuệ của người Việt còn đang ở nấc thang thi ca, văn chương, và phiên dịch sách ngoại ngữ - chứ chưa đến tầm mức tư duy khái niệm.

Một trong những lý do là sự cắt đoạn sử tính khi chúng ta bỏ ngang chữ Hán Nôm để theo chữ Quốc ngữ. Sự chưa trưởng thành của ngôn ngữ Việt đã là nguyên nhân chính cản trở năng lực trí tuệ Việt.

Tôi đã phân tích vấn đề nầy kỹ trong cuốn “Sử Tính và Ý Thức”. Ngoại trừ một số rất ít, trí thức Việt còn tư duy và sáng tác theo dạng mô tả, tâm sự, hay viết truyện ngắn dạng kể chuyện, mỉa mai bóng gió, hay thơ phú theo kiểu chơi chữ, thiếu tư tưởng chiều sâu.

Vấn đề tổng thể chung mà tôi đã nói trong cuốn “Sử Tính” rằng dân tộc ta, về trọng tâm tiến hóa, vẫn còn ở tuổi thiếu niên. Thành ra, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ, khoa học gia, chuyên gia, tu sĩ, lãnh đạo, dù học vị cao bao nhiêu, họ vẫn là những chàng niên thiếu ở khoảng tuổi 15-16. Đây là cơ bản của tất cả mọi vấn đề cho lịch sử và xã hội Việt Nam xưa nay. Tức là nói chung, dân tộc ta vẫn chưa đến tuổi trưởng thành.

- Như ông tự nhận mình “triết gia nhà quê” một cách vui vẻ nhưng tôi thấy chính vì nhà quê mà câu chuyện về đề tài ngỡ “cao siêu” bỗng hóa ra hồn nhiên, dễ hiểu và cũng không kém phần sâu sắc. Ông có thể cho biết thêm suy nghĩ của ông về nhà triết học Trần Đức Thảo, một hiện tượng triết học Việt Nam. Với ông, vai trò của Trần Đức Thảo "thời tính" thế nào của triết lý Việt Nam và thế giới?

- TS Nguyễn Hữu Liêm: Về Trần Đức Thảo thì tôi đã có viết và dịch sang Việt ngữ một ít các bài viết của ông từ văn bản Anh ngữ. Ông xứng đáng là một triết gia tầm cỡ thế giới. Chúng ta hãnh diện về ông - một phần vì tự ái dân tộc. Tuy nhiên, ông chỉ kết hợp Hiện tượng luận của Husserl với Marxism vốn mang tính phê phán hơn là sáng tạo.

Cuốn“Phenomenology and Dialectical Materialism” của ông là một tác phẩm lớn - nhưng chỉ xuất sắc nửa đầu cuốn, nửa sau thì hỏng và bình thường lắm.

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện

Nguyễn Hữu Liêm, tiến sĩ Luật khoa, tiến sĩ Triết học (Hoa Kỳ), nguyên chủ nhiệm tập san Triết xuất bản ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990-2000, là tác giả của Dân chủ Pháp trị (1991), Tự do và Đạo lý (1994), Sử tính và Ý thức (2018), Thời tính, Hữu thể và Ý chí – một luận đề siêu hình học (Nxb. Đà Nẵng – Domino Books 2018).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Hữu Liêm-Triết gia nhà quê và 'Cám dỗ Việt Nam'