TS Cấn Văn Lực dự báo năm 2023, GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6-6,5%, CPI bình quân 4-4,5%..., tuy nhiên, áp lực lãi suất, tỷ giá vẫn còn lớn.

TS Cấn Văn Lực: Năm 2023, tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn ở mức khá

Hoài Lam | 19/12/2022, 05:00

TS Cấn Văn Lực dự báo năm 2023, GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6-6,5%, CPI bình quân 4-4,5%..., tuy nhiên, áp lực lãi suất, tỷ giá vẫn còn lớn.

Kinh tế thế giới và Việt Nam đã trải qua gần 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và đến nay vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Kinh tế thế giới sau khi phục hồi mạnh mẽ năm 2021, đã và đang giảm đà phục hồi năm 2022, có nguy cơ suy thoái cục bộ trong năm 2023. Kinh tế Việt Nam có độ trễ, đang phục hồi với dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt khoảng 8% trong khi lạm phát được kiểm soát tốt, dự báo CPI bình quân cả năm 2022 tăng khoảng 3,3% (thấp hơn mục tiêu khoảng 4%).

Có thể thấy, năm 2022, kinh tế phục hồi với nhiều kết quả tích cực như sản xuất công nghiệp (IIP) dự báo cả năm tăng khoảng 10%; tiêu dùng phục hồi nhanh với doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15-16%; xuất khẩu ước đạt 380-384 tỉ USD; tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%; lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%...

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như tình hình quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ; giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 vẫn còn chậm; áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng; nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt; thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.

luc-2.jpg
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV

Do đó, ông Lực dự báo năm 2023, GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6-6,5% (kịch bản cơ sở); trong đó, xuất khẩu dự báo tăng khoảng 8-10%, đầu tư (trong và ngoài nước) tăng khoảng 8%, tiêu dùng cuối cùng tăng khoảng 9-10%.

Về lạm phát, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4-4,5% (từ mức 3,3% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022; năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...).

“Áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do doanh nghiệp còn nhiều rào cản, thách thức”, ông Lực nói.

Trong dự báo mới đây, trước các dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang sụt giảm, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được ADB điều chỉnh xuống còn 6,3%.

Về lạm phát, từ tháng 1 đến tháng 11.2022, lạm phát của Việt Nam đang ở mức trung bình 3% nhờ các biện pháp kiểm soát giá cả một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, đồng VND đang yếu đi so với đồng USD cùng tín hiệu tăng lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đang tạo áp lực lên lạm phát.

“Theo đó, lạm phát dự kiến sẽ tăng từ 3,5% năm 2022 lên 4,5% năm 2023”, ADB nhấn mạnh.

Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng Chính phủ có nhiệm vụ rất khó khăn và vai trò quan trọng để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế Việt Nam và biến tình hình đầy thách thức này thành cơ hội hiện đại hóa.

Chuyên gia từ WB cho rằng để giải quyết áp lực tỉ giá hối đoái do việc thắt chặt tiền tệ bổ sung ở Mỹ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét điều hành linh hoạt hơn nữa tỉ giá hối đoái, bao gồm cả khả năng tăng tốc độ mất giá của tỉ giá tham chiếu, bảo toàn dự trữ ngoại hối.

Trong trường hợp việc tăng nhanh hơn tính linh hoạt của tỷ giá dẫn đến lạm phát tăng đáng kể và kỳ vọng lạm phát tăng, NHNN có thể xem xét sử dụng công cụ lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, dư địa chính sách còn lại bị hạn chế vì lãi suất đã cao. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ giúp giảm thiểu sự cần thiết phải tăng thêm lãi suất.

Để giải quyết các thách thức về thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng, ông Andrea Coppola cho rằng NHNN có thể giúp khôi phục niềm tin bằng cách hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp, với điều kiện ngân hàng thương mại đó có kế hoạch khôi phục vị thế thanh khoản hợp lý.

Đối với chính sách tài khóa, chuyên gia WB cho rằng thách thức chính trong năm 2023 sẽ là phải tìm cách tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát. Chính sách tài khóa và phối hợp với chính sách tiền tệ sẽ rất quan trọng để quản lý sự đánh đổi giữa mục tiêu tăng trưởng và lạm phát.

“Cơ quan quản lý kiểm soát chặt chi tiêu công, chọn lọc đẩy nhanh việc thực hiện chương trình đầu tư công quan trọng có vai trò làm động lực tăng trưởng kinh tế. Cần đổi mới và củng cố các cơ chế lựa chọn ưu tiên và đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư công nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của chi tiêu công”, ông Andrea Coppola nói.

Cuối cùng, chuyên gia Kinh tế trưởng WB Andrea Coppola nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách cải cách cơ cấu để tiếp tục củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Để thúc đẩy tăng trưởng năng suất, tái cơ cấu có thể thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn các tài sản chính của Việt Nam: vốn sản xuất, vốn nhân lực và vốn tự nhiên…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Cấn Văn Lực: Năm 2023, tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn ở mức khá