Những sai phạm diễn ra liên tiếp của các chương trình truyền hình thực tế như một dấu lặng buồn báo hiệu sự suy thoái trong những năm gần đây. 

Truyền hình thực tế Việt Nam đã hết thời?

Một Thế Giới | 17/05/2015, 11:10

Những sai phạm diễn ra liên tiếp của các chương trình truyền hình thực tế như một dấu lặng buồn báo hiệu sự suy thoái trong những năm gần đây. 

1.       Những đóng góp làm nên thương hiệu truyền hình thực tế

Truyền hình thực tế tại Việt Nam manh nha trong thời kỳ đầu bằng các chương trình như Phụ nữ thế kỷ 21 (2006), Thần tượng âm nhạc (2007)… và mang đến một làn gió mới cho khán giả truyền hình. Kể từ đó, hàng loạt chương trình ra đời, cung cấp một “bữa tiệc truyền hình” đa dạng và hấp dẫn như: ca hát (Thần tượng âm nhạc, Giọng hát Việt), nhảy múa (Bước nhảy hoàn vũ, Thử thách cùng bước nhảy), trình diễn và thiết kế thời trang (Vietnam’s Next top model, Project Runway), tìm kiếm tài năng tổng hợp (Vietnam’s Got Talent)…
truyenhinhthucte,scandal
Phụ nữ thế kỷ 21 - Một trong những chương trình truyền hình thực tế thời kỳ đầu của Việt Nam

Không thể phủ nhận những đóng góp của thể loại này đối với truyền hình Việt Nam khi nó mang tới một luồng gió mới cho công nghệ sản xuất chương trình truyền hình. Những hình ảnh mới, những nhân vật mới, những cách thể hiện mới đem đến cho khán giả truyền hình những món ăn mới, hấp dẫn và thú vị. Người ta thường quan tâm đến những spot quảng cáo mà chương trình thu được nhưng ít ai biết rằng, để đầu tư cho một tập phát sóng hay một đêm liveshow truyền hình trực tiếp của các chương trình truyền hình thực tế đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và chuyên nghiệp của cả một ekip hàng trăm con người: từ nhà sản xuất, nghệ sĩ, nhân vật cho tới nhân lực của đài truyền hình… và tiêu tốn đến hàng tỷ đồng.

 Mặt khác, biên tập nội dung cho truyền hình thực tế không dễ. Mục đích hướng tới có thể khác nhau nhưng thường thì một câu chuyện của nhân vật được chia sẻ trong truyền hình thực tế phải là một câu chuyện thực nhưng cách kể phải là cách kể câu chuyện đó phải chạm tới cảm xúc người xem. Điều ước thứ 7 là một ví dụ như vậy. Những nhân vật trong Điều ước thứ 7 đều cố gắng chia sẻ câu chuyện thực của mình (chỉ trừ một trường hợp làm nên một sự cố đáng tiếc mà có lẽ không cần phải nhắc lại) và được chương trình biên tập, chia sẻ với khán giả bằng cách nhân văn nhất. Làm không khéo, chương trình sẽ khô khan, mất chất, còn làm quá khéo thì câu chuyện lại quá kịch và lại thành dàn dựng.  

Hơn thế nữa, truyền hình thực tế phát hiện và mang đến những tên tuổi mới, tài năng mới. Điều đặc biệt là nó giúp cho họ không còn gò bó trong những khuôn khổ nhất định. Việt Nam Idol  và Giọng hát Việt thu hút những gương mặt trẻ cá tính, tách hẳn khỏi dòng nhạc có dòng học thuật của Sao mai điểm hẹn hay Tiếng hát truyền hình. Từ đó tạo nên một thế hệ ca sĩ đa nhiệm, văn minh, hiện đại và gu âm nhạc có phần cập nhật xu hướng thế giới hơn. Gương mặt thân quen lại có Hoài Lâm hóa thân thành nghệ nhân Hà Thị Cầu giúp khán giả tìm thấy sự giao lưu và gần gũi giữa hai thế hệ. Và cũng chỉ ở những chương trình như Giọng hát Việt nhí (The Voice Kid), Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent), người ta mới thấy trẻ em Việt đa tài và trưởng thành đến mức độ nào: Một đứa trẻ làm sống lại tình yêu với nhạc dân ca (Phương Mỹ Chi), một đứa trẻ thiên tài tự học cách diễn xuất (Đức Vĩnh)… tất cả không bị gò bó trong một khuôn khổ và sân chơi nhất định nữa có thể khám phá và thoải mái thể hiện tài năng của mình.

Truyền hình thực tế đã và đang mở ra những bữa tiệc truyền hình đa dạng và hấp dẫn, phục vụ đủ mọi tầng lớp và lứa tuổi. Tất cả đã làm nên thành công của thương hiệu truyền hình thực tế.

2.      Sự lao dốc không phanh

Tưởng như đang ở thời kỳ rực rỡ và phát triển đỉnh cao, các chương trình truyền hình thực tế lại liên tục dính những sai phạm và sự cố đáng tiếc: scandal liên tiếp diễn ra (những kết quả bị đồn đoán dàn xếp, thí sinh tố BTC, thí sinh bỏ thi, những phát ngôn gây sốc…), những sai phạm về kỹ thuật và biên tập (đưa Hà Nội về Trung Quốc), những tai nạn không đáng có (thí sinh uống nhầm axit)… kết hợp với sự đồn thổi của showbiz Việt lắm thị phi càng khiến người xem thêm phần chán nản với mặt tối của truyền hình thực tế. Đồng thời khiến họ dần có ác cảm, cứ mặc định hễ có truyền hình thực tế là có thị phi.

truyenhinhthucte,scandal
Ảo thuật gia Tấn Phát uống nhầm axit trong Vietnam s Got Talent
Mỗi một năm mới đến, các chương trình lại nối tiếp nhau ra đời, lại rầm rộ tuyển sinh, lại thay nhau lên sóng và thi nhau khai tử. Ở Mỹ, X-FactorIdol đã dừng hẳn, phần vì đã cũ và chẳng còn thu hút nữa, phần vì phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của những chương trình mới. Còn ở Việt Nam thì chẳng có mấy chương trình thừa nhận sự tụt hậu của mình. Phần vì nhà sản xuất “sĩ diện”, không muốn thương hiệu của mình chấm hết, phần vì hy vọng biết đâu chương trình sẽ sốt trở lại, phần khác chưa tìm được format mới hấp dẫn hơn.

Đa dạng quá mà không có sự quản lý và khác biệt thì thành rối loạn. Quá nhiều màn ăn theo khiến khán giả khó phân định được sự khác nhau của chương trình nào với chương trình nào. Ví như tập trung vào mảng hài mà nào là Ơn giời, cậu đây rồi, Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài cho đến Thâm cung nội chiến… ca hát thì có Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc, Học viện âm nhạc, Chinh phục ước mơ….

Tất cả khiến cho mọi người có một suy nghĩ rằng, thời của truyền hình thực tế ở Việt Nam đã hết.

3.      Chờ đợi những hướng đi mới

Dường như truyền hình thực tế đã đạt đến đỉnh của đồ thị hình sin và sự quan tâm của khán giả cũng đã dần hạ nhiệt. Những chương trình mới ra đời, dù là mua bản quyền từ nước ngoài hay format “tự sản xuất” dần cũng trôi vào quên lãng. Vậy thì điều gì đang chờ đợi nó ở phía trước? Phải chăng đã đến hồi kết của truyền hình thực tế tại Việt Nam?

Truyền hình thực tế ở Việt Nam vẫn sẽ sống nếu tìm được cho mình những hướng đi mới, những tiến bộ mới cùng sự nghiêm khắc và kỷ luật nhất định. Nhưng nếu không chú trọng những vấn đề sau để tiến bộ, truyền hình thực tế khó mà tìm lại được vinh quang thuở trước.

-          Đầu tiên, đó là sự nghiêm khắc và chuyên nghiệp trong sản xuất truyền hình. Những sai phạm và lỗi xảy đến một lần có thể bỏ qua, nhưng nhiều lần sẽ trở thành một sự xem thường khán giả. Những án phạt đề ra chỉ để nhà Đài đóng tiền rồi lần sau lại…đóng tiếp sao?

-          Học tập cách sản xuất và xây dựng chương trình của nước ngoài. Nhiều chương trình Việt rất có ý tưởng nhưng cách thể hiện vẫn còn nhàm chán, kém hấp dẫn.

-          Khuyến khích những chương trình với format thuần Việt, giới thiệu được văn hóa, con người Việt. Người Hàn làm điều này rất thành công. Các chương trình với format từ nước ngoài hầu như không được chú ý ở Hàn mà chỉ có những chương trình thuần Hàn như Running Man, We Got Married, Family Outing…mới thành công. Hiện tại các chương trình đa phần vẫn chú trọng việc mua bản quyền để Việt hóa tại Việt Nam hơn là chú trọng sự phát triển cho nguồn lực trong nước. Hãy chú trọng đến cái mà khán giả cần vì chất riêng sẽ làm nên bản sắc và dẫn đến thành công.

truyenhinhthucte,scandal
Điều ước thứ 7 là một chương trình truyền hình thực tế "thuần Việt" rất thành công

Không ai phủ nhận những đóng góp mà truyền hình thực tế đã tạo dựng cho truyền hình Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thành công cũng đang đi kèm với một thứ “rác văn hóa” mà nhà Đài đang vô tình mang đến cho người xem. Truyền hình thực tế vẫn sẽ sống nếu đổi mới chính mình. Khán giả Việt không quay lưng với truyền hình thực tế, chỉ có truyền hình thực tế có quan tâm đến thị hiếu người xem hay không. 

HƯƠNG TRẦN 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyền hình thực tế Việt Nam đã hết thời?