Sau khi Bộ TT&TT công bố Kết luận thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi, báo này đã đăng 3 bài viết cho rằng đoàn thanh tra đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Ông Lưu Đình Phúc, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Trưởng đoàn thanh tra nói: "Đó là phát ngôn rất thiếu thận trọng, hoàn toàn sai sự thật; nội dung 3 bài viết có tính quy chụp, nhất là ở các tít bài đều có nội dung thể hiện sự phán xét, kết luận không thuộc thẩm quyền của báo Người cao tuổi".
Phó cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc. - Ảnh: Lê Anh Dũng
Không giải trình sai phạm, không dự công bố kết luận thanh tra * Báo Người cao tuổi cho rằng Bộ TT&TT tiến hành thanh tra đột xuất sai quy trình. Ông có thể cho biết trình tự, thủ tục mà đoàn thanh tra đã thực hiện? Không thể khoác danh nghĩa chống tham nhũng
"Báo chí luôn đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, báo chí phải đưa tin trung thực, khách quan. Nếu đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà báo chí lại lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để “tham nhũng”, tiêu cực thì việc khoác lên danh nghĩa đó đáng bị lên án, xử lý".
- Ngày 7/11/2014, chúng tôi công bố quyết định thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi. Đoàn đã gửi đề cương thanh tra cho báo và đã nhận được báo cáo số 385/BC-BNCT ngày 19/11/2014 của báo Người cao tuổi.
Ngày 18/11/2014, đoàn thanh tra đã gửi công văn số 02/ĐTT đề nghị "Người cao tuổi" cung cấp thông tin, tài liệu về đơn thư, khiếu nại trong thời kỳ thanh tra. Ngày 26/11/2014, đoàn và đại diện báo đã lập biên bản giao nhận thông tin, tài liệu số 05/ĐTT về việc giao nhận tài liệu theo yêu cầu tại công văn số 02/ĐTT của đoàn thanh tra.
Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng TT&TT gia hạn thời hạn thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi. Ngày 21/11/2014, Bộ trưởng TT&TT đã ban hành quyết định về việc gia hạn thời hạn thanh tra đột xuất, thời gian gia hạn là 30 ngày làm việc kể từ ngày 28/11/2014.
Như vậy, tổng số thời gian thanh tra tại báo Người cao tuổi theo hai quyết định nêu trên là 45 ngày làm việc, tính từ ngày 7/11/2014, không phải là 64 ngày làm việc như nội dung bài viết trên báo Người cao tuổi đã nêu.
Ngày 22/12/2014, đoàn thanh tra và đại diện "Người cao tuổi" đã lập biên bản giao nhận tài liệu số 06/ĐTT về việc cung cấp theo yêu cầu của đoàn thanh tra về giấy phép trú đóng cơ quan báo chí, quyết định về việc mở cơ quan đại diện báo.
Ngày 5/1/2015, đoàn thanh tra đã có thông báo số 08/CBC-ĐTTra về việc kết thúc thanh tra vào ngày 7/1. Văn bản thông báo nêu rõ: “Trong quá trình xây dựng kết luận thanh tra, nếu cần xác minh hoặc cung cấp thêm thông tin, tài liệu để làm rõ nội dung trước khi kết luận thanh tra, yêu cầu báo Người cao tuổi cung cấp đầy đủ, kịp thời”.
Cũng xin nói thêm là, trong quá trình thanh tra và báo cáo kết luận thanh tra, để bảo đảm “chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời”, đoàn thanh tra đã tổ chức xác minh các bài viết có dấu hiệu vi phạm pháp luật về báo chí và thông tin trên mạng, dấu hiệu vi phạm pháp luật khác, công việc này được tiến hành tại nhiều cơ quan, ban ngành. Các vụ việc báo Người cao tuổi đăng, chúng tôi đều có kết luận của các cơ quan chức năng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho báo thực hiện quyền và nghĩa vụ, cũng như bảo đảm tính chính xác, khách quan trong việc kết luận thanh tra, đoàn thanh tra đã có giấy mời số 145/CBC-ĐTT ngày 28/01/2015 về việc mời báo Người cao tuổi trao đổi, làm việc với đoàn thanh tra.
Trên cơ sở thống nhất thời gian, ngày 31/1/2015, đoàn thanh tra đã tổ chức buổi làm việc với ông Tổng biên tập báo Người cao tuổi và tập thể lãnh đạo báo để trao đổi một số vấn đề về nội dung thanh tra và yêu cầu báo báo cáo giải trình gửi đoàn thanh tra chậm nhất là ngày 3/2/2015.
Tuy nhiên, hết thời hạn, báo Người cao tuổi không gửi báo cáo giải trình theo yêu cầu. Báo cho rằng nội dung giải trình liên quan hồ sơ của phóng viên ở nhiều nơi, phải chỉ đạo họ báo cáo nên phải có nhiều thời gian.
Tôi cho rằng, khi đã cho đăng bài viết thì Tổng biên tập phải có đủ tài liệu, căn cứ, chứ không có tài liệu gì trong tay, phóng viên các tỉnh gửi bài về cho đăng ngay là không ổn. Cũng ở báo này, khi thanh tra chúng tôi còn phát hiện, báo nhận bài của bạn đọc qua email, cho đăng ghi là nhóm phóng viên điều tra. Khi bị khiếu nại, báo trả lời bằng văn bản là không phải của phóng viên viết, đó là của bạn đọc gửi tới. Làm báo như vậy thì không sai mới là lạ!
Những ngày sau đó, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc, trao đổi và tiếp tục đề nghị báo Người cao tuổi gửi giải trình nhưng vẫn không nhận được giải trình. Có thể thấy báo đã không hợp tác với đoàn thanh tra, cố tình kéo dài thời gian giải trình, mà theo quy định thì đến 9/2/2015, đoàn thanh tra phải công bố kết luận thanh tra, nếu không sẽ vi phạm về thời gian ra kết luận thanh tra theo quy định. Chờ hết ngày 5/2/2015, báo vẫn không gửi giải trình nên Bộ trưởng TT&TT đã ký Kết luận thanh tra số 01/KL-BTTTT.
Căn cứ điều 39 luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành, để tiến hành thủ tục công bố Kết luận thanh tra, ngày 5/2/2015, Bộ TT&TT đã gửi giấy mời tới báo Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam về việc dự buổi công bố Kết luận thanh tra vào hồi 9h00 ngày 9/2/2015 nhưng báo Người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam không cử đại diện tham dự. Do vậy, căn cứ luật Thanh tra, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo để công khai Kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.
Chống tham nhũng phải khách quan, trung thực
* Xin ông cho biết ý kiến về nội dung những bài viết mà kết luật thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi đã nêu là có nhiều vi phạm luật Báo chí và có dấu hiệu phạm tội?
- Tôi không muốn bình luận thêm, tất cả đã được thể hiện trong kết luận thanh tra rồi, vi phạm về hành chính thì bị xử hành chính, những hành vi có dấu hiệu tội phạm thì chúng tôi chuyển cơ quan an ninh điều tra tiếp tục làm rõ. Chúng tôi đã thực hiện việc thanh tra một cách khách quan, công tâm, đúng pháp luật. Báo có nhiều thành tích, ưu điểm thì chúng tôi đã ghi nhận, thể hiện trong kết luận thanh tra. Sai đến đâu thì kiến nghị xử lý đến đó.
Tôi cho rằng, báo chí luôn đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, báo chí phải đưa tin trung thực, khách quan. Nếu đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà báo chí lại lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để “tham nhũng”, tiêu cực thì việc khoác lên danh nghĩa đó đáng bị lên án, xử lý.
Báo chí đưa tin phải có trách nhiệm, thực hiện rất cẩn trọng quy trình biên tập, thẩm định nguồn tin, thường xuyên trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ và luôn nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp.
Xuân Linh/ VNN (tiêu đề của MTG)
\