Một số học giả Trung Quốc thừa nhận hoạt động nghiên cứu về Mỹ của nước này yếu hơn rất nhiều so với hoạt động nghiên cứu Trung Quốc của Mỹ.

Trung Quốc yếu kém trong nghiên cứu về Mỹ

Cẩm Bình | 24/05/2021, 08:30

Một số học giả Trung Quốc thừa nhận hoạt động nghiên cứu về Mỹ của nước này yếu hơn rất nhiều so với hoạt động nghiên cứu Trung Quốc của Mỹ.

Vấn đề trên được Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Đại học Bắc Kinh) Vương Tập Tư nêu trong bài phát biểu mừng Trường đại học Nghiên cứu quốc tế Chiết Giang thành lập đơn vị phụ trách nghiên cứu Mỹ vào giữa tháng qua.

Viện trưởng Vương cho biết: “Tôi thấy có chút xấu hổ và khó chịu khi những nghiên cứu về Mỹ của chúng ta quá yếu kém. Chúng ta luôn nói Trung Quốc nghiên cứu Mỹ sâu rộng hơn Mỹ nghiên cứu Trung Quốc, nhưng điều này không chính xác”.

Mỹ - Trung sẽ tiếp tục cạnh tranh quyền lực trong tương lai gần bất chấp Washington thay đổi lãnh đạo dường như là điều không còn phải bàn cãi. Tuy giới ngoại giao Trung Quốc không ngừng kêu gọi Tổng thống Joe Biden “sửa chữa” chính sách cứng rắn mà người tiền nhiềm để lại, giới học giả Trung Quốc rất nhanh chóng chấp nhận hiện thực: quan hệ song phương đã thay đổi về bản chất. Viện trưởng Vương vào tháng 1 từng nhận xét đối đầu giữa hai nước nay vượt xa cạnh tranh nước lớn và khác biệt ý thức hệ.

Trong bài phát biểu mừng Trường đại học Nghiên cứu quốc tế Chiết Giang thành lập đơn vị phụ trách nghiên cứu Mỹ, Viện trưởng Vương lưu ý đến hiện tượng: “Thật đáng buồn khi nhiều người Trung Quốc sang Mỹ học khoa học xã hội lại chọn chuyên ngành nghiên cứu Trung Quốc. Học viên cao học từ Mỹ sang Trung Quốc lại cũng nghiên cứu Trung Quốc. Vậy làm sao chúng ta có được hiểu biết sâu về Mỹ?”.

Lời than phiền từng xuất hiện vào năm 2005 từ nhà sử học Trung Quốc Nhậm Đông Lai. Nước này bắt đầu đưa nhiều sinh viên xuất sắc nhất về nghiên cứu Mỹ sang Mỹ vào những năm 1980, vậy mà phần lớn người học lên tiến sĩ lại chọn viết luận án về Trung Quốc.

unnamed.jpg
Trung Quốc đối đầu Mỹ mà không có đủ hiểu biết về đối thủ - Ảnh: China Daily

Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh Chu Phong nhận định: “Chúng ta có một khoảng cách rõ ràng với phía Mỹ về hiểu biết tổng thể cũng như năng lực giải thích lịch sử, dự báo tương lai bằng phương thức học thuật và chiến lược”. Ông cũng chỉ ra tình trạng chảy máu chất xám trầm trọng: Nhiều nhà nghiên cứu sang Mỹ và hiểu rõ về Mỹ cuối cùng lại không về nước.

Theo học giả Chu, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém mảng nghiên cứu Mỹ là tự do học thuật bị hạn chế. “Cần có sáng tạo và không gian cho học thuật, nhưng ở Trung Quốc thì vấn đề ngoại giao trước hết là vấn đề chính trị. Khi đối tượng là Mỹ thì càng khó mà tiến hành thảo luận học thuật thẳng thắn và hoàn toàn tự do”, giáo sư Chu lý giải.

Giáo sư quan hệ quốc tế Giả Kiến Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh - thành viên một đơn vị cố vấn chính trị cho chính phủ - từng “cả gan” trình đề xuất yêu cầu giảm bớt hạn chế trong giao lưu học thuật với nước ngoài.

Trong số hạn chế có quy định muốn gặp học giả nước ngoài phải được 2 quan chức giám sát chấp thuận, sau cuộc gặp phải viết báo cáo, không thể gặp cùng một người quá 2 lần/năm. Giáo sư Giả nhận xét loạt hạn chế ảnh hưởng đến công tác cố vấn chính sách.

Giáo sư Bàng Trung Anh thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc đánh giá cạnh tranh chiến lược với Mỹ mà chẳng hiểu biết đủ về họ là vấn đề nghiêm trọng. Lời khuyên từ học giả có hiểu biết sẽ cực kỳ quý giá.

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc yếu kém trong nghiên cứu về Mỹ