Đối với hơn 90 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Nam Hồ đã trở thành một địa chỉ "về thăm căn cứ cách mạng" để bồi dưỡng chính trị, và hồ nước thiên nhiên này cũng là nơi người dân Trung Quốc thề “yêu Đảng, yêu Bác Tập”, một cách gọi trìu mến mà họ dành cho Tổng Bí thư CPC Tập Cận Bình.

Trung Quốc: Về ‘hồ thiêng’ Nam Hồ thề yêu đảng, yêu bác Tập

Mỹ Trinh | 10/01/2020, 08:20

Đối với hơn 90 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Nam Hồ đã trở thành một địa chỉ "về thăm căn cứ cách mạng" để bồi dưỡng chính trị, và hồ nước thiên nhiên này cũng là nơi người dân Trung Quốc thề “yêu Đảng, yêu Bác Tập”, một cách gọi trìu mến mà họ dành cho Tổng Bí thư CPC Tập Cận Bình.

Báo New York Times ngày 8.1 còn nói Nam Hồ được nhiều người dân Trung Quốc đề cao là “hồ thiêng”, một phần vì đây là cái nôi của CPC ở miền đông Trung Quốc: năm 1921, Mao Trạch Đông cùng một nhóm đồng chí tổ chức đại hội Đảng lần đầu tiên, trên một chiếc ghe đã di chuyển ra giữa hồ nước, sau khi họ bị cảnh sát truy đuổi ở Thượng Hải. Từ đó, cái tên “Ghe Đỏ” nổi tiếng toàn Trung Quốc.

Đảng viên CPC về “địa chỉ đỏ” để bồi dưỡng chính trị

Vào lúc Trung Quốc phải đối phó cuộc chiến thương mại với Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc bị lao dốc, nhiều người dân tìm về “hồ thiêng” Nam Hồ để bồi dưỡng tinh thần. Họ hát những ca khúc yêu nước, hô vang những khẩu hiệu trong chương trình “Trung Hoa mộng” của ông Tập và tưởng nhớ các anh hùng cách mạng.

Ông Liu Yuanrong, một đảng viên CPC kỳ cựu, cho biết khi lo lắng chuyện thương chiến Trung - Mỹ hoặc chuyện người Hồng Kông biểu tình đòi dân chủ, ông đều nghe theo lời khuyên của bạn là đến Nam Hồ: “Vì chúng tôi muốn bày tỏ sự biết ơn Đảng, và để nhớ rằng Đảng có vững mạnh thì Trung Quốc mới mạnh giàu”.

Một ngày gần đây, nhà buôn đồ dùng điện tử Liu (59 tuổi, người miền nam Trung Quốc) lại đến Nam Hồở thành phố Gia Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang.Ở đó, ông đứng nghiêm, vung nắm tay cao và đọc lời thề trung thành với CPC: “Tôi thề dâng hết cả đời mình để bảo vệ chủ nghĩa Cộng sản. Tôi thề hy sinh tất cả vì Đảng”.

Khi ông Tập là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, Bảo tàng Cách mạng Nam Hồ được khởi công xây dựng. Và khi ông Tập trở thành Tổng bí thư CPC, “địa chỉ đỏ” này lại thu hút sự chú ý với hàng ngàn người đến thăm Bảo tàng mỗi ngày, theo Tân Hoa Xã, như chứng minh chủ nghĩa dân tộc đang sôi trào ở Trung Quốc thời ông Tập, người từng đến thăm hồ nước hồi năm 2017, từ đó ông mở ra làn sóng du lịch yêu nước. Mỗi năm, hồ đón tiếp khoảng 1 triệu lượt du khách.

Trong Bảo tàng, một bức tường dài treo cờ đỏ búa liềm, du khách lại vung nắm tay thề trung thành với CPC, rồi họ chụp ảnh lưu niệm trước mô hình “Ghe Đỏ”. Bảo tàng cũng tuyển chọn trưng bày những giai đoạn lịch sử của CPC, giai đoạn “100 năm quốc gia bị làm nhục” bởi các thế lực nước ngoài, công cuộc truyền bá chủ nghĩa Marx và thành quả của Mao Trạch Đông lập nên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949.

Ở một tầng cao của Bảo tàng có hẳn một gian chuyên đề về ông Tập, người được ca ngợi là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc kể từ sau Mao Trạch Đông. Các bài phát biểu, khẩu hiệu của ông được treo trên tường, gồm một biểu ngữ viết “Lãnh đạo công cuộc phục hưng tổ quốc Trung Hoa vĩ đại”.

Gian triển lãm ca ngợi thành tựu của ông Tập Cận Bình - Ảnh : NYT

“Bác Tập giúp Trung Quốc có những thay đổi kinh thiên động địa”

Ông Tập từ khi nắm quyền lực năm 2012 đã khôi phục sự quan tâm mới đến lịch sử CPC, làm sống lại những truyền thống - như phục hồi lời thề trung thành với đảng - khi ông nỗ lực mở rộng sự thống trị của CPC vào cuộc sống đời thường ở Trung Quốc. Theo Times, người chỉ trích đã nói ông Tập đưa Trung Quốc quay trở lại chế độ vua cầm quyền cùng sự tôn sùng cá nhân.

Trong Bảo tàng có quầy lưu niệm bán huy hiệu CPC, các đồng xu lưu niệm, thẻ đảng. Nhưng vật lưu niệm có giá trị nhất, chính là ảnh chụp Tường thề trung thành.

Đoàn viên Trung Quốc tuyên thệtrước Tường thế trung thành- Ảnh: NYT

Trong chuyến “về thăm căn cứ cách mạng” hồi năm 2017, ông Tập cùng 6 ủy viên Bộ Chính trị CPC thăm một bảo tàng ở Thượng Hải, và ông Tập dẫn dắt một cuộc tuyên thệ trung thành với CPC dưới một lá cờ đỏ thật lớn. Các ủy viên đứng nghiêm, đồng loạt giơ nắm tay đọc lời thề.

Rồi nhóm lãnh đạo đến Bảo tàng Cách mạng Nam Hồ, thăm mô hình “Ghe Đỏ”. Sau chuyến thăm, ông Tập mô tả hồ nước là một trong những địa điểm mà “giấc mơ của Đảng ta ra khơi. Đảng ta ra đời ở đây, cuộc hành trình của đảng bắt đầu từ đây, và chế độ ta đều bắt đầu từ đây”.

Ông Tập Cận Bình cùng 6 ủy viên Bộ Chính trị CPC trước mô hình "Ghe Đỏ" - Ảnh: China Daily

Lễ tuyên thệ trung thành với CPC hiện là một hoạt động phổ biến đối với toàn bộ đảng viên CPC trên toàn Trung Quốc. Nghi thức này được cử hành ở các nghĩa trang anh hùng cách mạng, trên các ngọn núi mà Hồng Vệ Binh từng hành quân, và tại các trường đảng. Đa số cán bộ đọc lời thề đã được quyđịnh, dù cũng có phiên bản đặc biệt dành cho các quân lính hoặc cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.

Du khách đến Nam Hồ nói động tác giơ cao nắm đấm (từ lâu gắn liền với các lý tưởng cánh tả) truyền đạt cảm giác kiên cường và dũng cảm, rất tương hợp với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường. Họ mô tả nghi thức này như một nguồn hy vọng vào lúc Trung Quốc đang đối mặt với một loạt các thách thức.,

Li Donghao, một công nhân đường sắt 22 tuổi, nói: “Việc tuyên thệ truyền cho nhân dân sức mạnh”. Công ty đường sắt nhà nước đã tổ chức tour du lịch yêu nước cho các công nhân, Li cùng các đồng nghiệp đều mặc áo trắng, đeo huy hiệu đảng khi đi diễu hành, rồi trải cờ đỏ trước Tường thề trung thành trước khi họ tuyên thệ.

Sau đó, Li viết báo cáo 1.400 chữ về chuyến về thăm cái nôi của cách mạng để trình thủ trưởng. Li cho biết chuyến đi đã giúp anh học được ý nghĩa đích thực của “Tinh thần Ghe Đỏ”, một thuật ngữ mà ông Tập cùng các lãnh đạo CPC dùng để khuyến khích đồng bào Trung Quốc noi gương các nhà lập đảng.

Nhiều du khách đến Nam Hồ đã “ôm lấy” chủ nghĩa dân tộc quyết không nhượng bộ mà ông Tập quảng bá. Họ xem chuyện người Hồng Kông biểu tình đòi dân chủ là “bọn phản loạn”. Họ cuồng nhiệt ủng hộ Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông, và họ tin rằng Mỹ đang kềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tại Nam Hồ, du khách yêu nước Trung Quốc đầy lạc quan, tin tưởng Trung Quốc sẽ thắng cuộc chiến thương mại: “Chúng ta sẽ vượt qua Mỹ”, là tuyên bố của ông Jin Tianshao, một giáo viên về hưu 62 tuổi. Và với nhiều du khách, ông Tập chính là người dẫn dắt quê hương đến thành quả này.

Liu Yunlai, một sinh viên 20 tuổi, cho biết trong chỉ vài tuần qua, anh đã đến thăm Bảo tàng và mô hình “Ghe Đỏ” 2 lần, vì anh muốn đi theo các bước chân của ông Tập: “Từ khi Bác Tập nắm quyền lực, Trung Quốc đã chứng kiến những thay đổi kinh thiên động địa. Tôi bị tinh thần của chủ nghĩa Cộng sản hút hồn. Đấy giống như một đức tin. Người khác tin đạo Phật hoặc Lão tử, còn chúng tôi tin tưởng chủ nghĩa Cộng sản”.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc: Về ‘hồ thiêng’ Nam Hồ thề yêu đảng, yêu bác Tập