Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 1.7 đặt câu hỏi khi bị Mỹ hủy lời mời tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2018), thì liệu Trung Quốc có “quậy sóng” Biển Đông?

Trung Quốc sẽ ‘quậy sóng’ Biển Đông vì bị loại khỏi cuộc tập trận RIMPAC?

01/07/2018, 19:07

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 1.7 đặt câu hỏi khi bị Mỹ hủy lời mời tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2018), thì liệu Trung Quốc có “quậy sóng” Biển Đông?

Chiến đấu cơ tham gia diễn tập RIMPAC sau khi cất cánh từ tàu sân bay - Ảnh: Reuters

Tờ báo Hồng Kông nêu hai quần đảo giàu tài nguyên Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông vẫn là điểm nóng chính, trong việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp Bắc Kinh cách vùng biển này hàng ngàn cây số.

Lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố không để mất một tấc đất của tổ tiên

Tuần qua, khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc yêu chuộng hòa bình nhưng không chấp nhận “nhường một tấc đất nào của tổ tiên truyền đời cho con cháu”.

Vẫn theo SCMP, sau chuyến thăm của ông Mattis, Trung Quốc dù “vẫn bám chặt vào súng” về chuyện tranh chấp chủ quyền, đã hoàn toàn không đề cập đến việc không được mời dự RIMPAC trong những bài báo mang giọng điệu tích cực, đề cao vấn đề hai lực lượng quân sự Trung - Mỹ sẵn sàng duy trì đối thoại cởi mở chân thành, cùng sự chín chắn trong quan hệ quân sự hai bên “vốn cần thiết cho quan hệ song phương và để kiểm soát các nguy cơ”.

RIMPAC 2018 có chủ đề “Khả năng, thích ứng, đối tác”, diễn ra từ ngày 27.6 đến 2.8, tức kéo dài 5 tuần ở vùng biển quanh quần đảo Hawaii và phía nam bang California của Mỹ. Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, do Mỹ dẫn đầu và tổ chức hai năm/lần.

Năm nay RIMPAC có hơn 47 tàu nổi và 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay cùng 25.000 binh lính của 26 quốc gia cùng tập luyện tuần tra.

Nhưng hải quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) không được mời đến. Đây là một cách phản ứng của Mỹ, trước việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Quyết định hủy lời mời Trung Quốc dự RIMPAC 2-18 của Mỹ được mô tả là “phản ứng ban đầu”, có nghĩa Mỹ sẽ còn những phản ứng khác, nếu Trung Quốc không thay đổi thái độ.

Mỹ phản đối việc Bắc Kinh xây sân bay, dàn hệ thống radar và cơ sở hải quân ở vùng biển chiến lược này gây đe dọa cho quyền tự do đi lại của tàu thuyền quốc tế.

Vài tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) hồi giữa tháng 5 đã tổ chức một sư đoàn máy bay ném bom hạng nặng có thể mang đầu đạn hạt nhân H-6K tập cất - hạ cánh trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố vụ diễn tập cất - hạ cánh chỉ là một phần cuộc tập trận giả lập tấn công các mục tiêu trên biển, “nhằm chuẩn bị chiến đấu vì biển Nam Hải”, cách Trung Quốc gọi Biển Đông.

Trung Quốc cũng dàn tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên quần đảo Trường Sa, tăng khả năng đánh chặn tàu chiến và máy bay Mỹ nếu cần thiết. Các loại vũ khí này cũng nhằm cảnh cáo các nước khác đòi chủ quyền Biển Đông.

Trong 5 năm qua, Trung Quốc cũng đã xây các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, gây ra tranh chấp với nhiều quốc gia và phớt lờ các luật quốc tế và phán quyết hồi tháng 7.2016 - của Tòa án trọng tài thường trực The Hague-vốn tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, đồng thời bác “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ.

Để thách thức việc quân sự hóa và tuyên bố chủ quyền quá vô lý của Bắc Kinh, từ năm 2015, hải quân Mỹ đã nhiều lần đưa tàu chiến, máy bay đến Biển Đông, mở các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) nhằm khẳng định quan điểm của Mỹ rằng Biển Đông thuộc hải phận quốc tế.

Theo chính quyền Mỹ, tuần tra FONOP nhằm bảo vệ quyền hoạt động ở không - hải phận quốc tế của Mỹ và của các nước khác, và không cho phép bất kỳ nước nào bành trướng bờ cõi trái phép hoặc tuyên bố đòi chủ quyền trái phép.

Trong trường hợp này, việc đưa tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép là để khẳng định Mỹ không công nhận tuyên bố “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc.

Nguy cơ quân binh quá khích muốn tự tay giải quyết vấn đề

Các nhà quan sát nói tình hình có thể nghiêm trọng hơn, khi Anh - Pháp chuẩn bị cùng Mỹ thực hiện tuần tra FONOP ở Biển Đông. Theo SCMP, chuyện căng thăng giữa Mỹ - Trung không khiến các nhà quan sát lão làng về tranh chấp Biển Đông bị bất ngờ. Nhưng họ cảnh giác với quan điểm cứng rắn của cả hai bên.

Nhà nghiên cứu hải quân Collin Koh ở Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (ở Singapore) nói: “Liên quan vấn đề Biển Đông, sự bất đồng giữa Mỹ - Trung đã ngày càng rộng. Cách duy nhất để hai thế lực có thể thực hiện là tránh đẩy sự căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát một cuộc phô trương sức mạnh quân sự”.

Ông Koh cùng các nhà quan sát phương Tây nhận định, rằng việc Mỹ hủy mời Trung Quốc tham gia RIMPAC có thể buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về vị thế của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhưng ông Koh cũng cảm thấy bất an, vì sự tăng cường hoạt động quân sự ở vùng biển tranh chấp này: “Tôi không muốn nghĩ tới cảnh sử dụng võ lực ngoài ý muốn, từ những tính toán sai về chiến thuật hoặc cấp độ hoạt động của các chỉ huy địa phương, hoặc đơn giản từ hành vi quá khích của những người lính muốn tự ý giải quyết các vấn đề”.

Nhà nghiên cứu Greg Poling, nói hành động của Mỹ có thể có ích cho việc “đẩy lùi hành vi xấu”, nhưng cũng cảnh báo “nó sẽ là một hành động suông nếu tiếp sau đó không có một chiến lược thật sự”.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc sẽ ‘quậy sóng’ Biển Đông vì bị loại khỏi cuộc tập trận RIMPAC?