Từ việc Bưu điện Trung Quốc phát hành bộ tem Năm Hợi âm lịch 2019 có 3 chú heo con, cùng một dự thảo luật Dân sự mới, có thông tin Trung Quốc sẽ có chính sách mới mỗi gia đình được phép có nhiều con.

Trung Quốc sẽ có chính sách đẻ 3 con trong năm Hợi?

30/08/2018, 07:10

Từ việc Bưu điện Trung Quốc phát hành bộ tem Năm Hợi âm lịch 2019 có 3 chú heo con, cùng một dự thảo luật Dân sự mới, có thông tin Trung Quốc sẽ có chính sách mới mỗi gia đình được phép có nhiều con.

Phụ nữ Trung Quốc chưa vội có chồng, con - Ảnh: Getty Images

Sự đồn đoán thay đổi chính sách “mỗi gia đình có hai con” (hiện hành) lên nhiều con càng tăng, khi Bắc Kinh phải “tháo bom hẹn giờ” về việc thiếu nguồn lực lao động trầm trọng, cùng ngày càng có nhiều người già.

Ngành y tế Trung Quốc cũng đang nghiên cứu khả năng thưởng tiền, để tăng dân số, theo báo giới nhà nước đưa tin hồi tháng 7. Đó là một dấu hiệu rằng chính sách có thể chuyển qua khuyến khích sinh nhiều con.

Theo Nhân dân nhật báo hôm 28.8, dự thảo Luật Dân sự mới đã được trình Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc hôm 27.8, nêu đề xuất hủy bỏ “tất cả các nội dung liên quan kế hoạch hóa gia đình”, mang ý chính sách “mỗi gia đình có hai con” sẽ không còn hiệu lực, một khi Luật này đi vào cuộc sống.

Các thay đổi chính sách luôn cần có sự thông qua của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), và có thể sẽ có quyết định ở kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng trong quý 4.2018. Bản nháp cuối cùng của dự thảo Luật Dân sự sẽ được trình Quốc hội Trung Quốc thông qua trong quý 1.2020.

Ông He Yafu, một nhà dân số học ở Quảng Đông, nói: “Kế hoạch hóa gia đình luôn là một chính sách trước đã, rồi mới chuyển thành luật. Tôi cho rằng CPC sẽ dỡ bỏ chính sách, rồi tiến trình pháp lý sẽ đi sau để loại bỏ chính sách trong các luật liên quan”.

Lãnh đạo CPC nỗ lực “tháo bom hẹn giờ” về dân số...

Theo Guardian, CPC từng ban hành chính sách một con (có hiệu lực từ năm 1979) nhằm giảm tốc độ sinh đẻ quá nhanh. Chính sách này cho phép phạt tiền người vi phạm, nhưng cũng dẫn đến xảy ra nhiều vụ ép phá thai hoặc chịu các thủ thuật triệt sản.

Sau hơn 40 năm áp dụng nghiêm ngặt chính sách một con, đất nước đông dân nhất thế giới (1,4 tỉ dân) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt người trẻ để chăm lo cho một xã hội đầy người già, và thiếu nguồn nhân lực lao động.

Cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Trung Quốc đổi chính sách, chuyển qua cho phép các cặp vợ chồng có hai con. Nhưng sau đó, số trẻ chào đời không tăng như dự báo.

Theo Cục thống kê nhà nước Trung Quốc, chỉ có 17,86 triệu trẻ sơ sinh trong năm 2016, chỉ tăng hơn 1,3 triệu ca sinh so với năm 2015, và năm 2017 đạt 17,23 triệu ca sinh.

Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng dự báo tỷ lệ sinh của phụ nữ sẽ giảm 40% trong 10 năm tới. Lý do chính là chi phí nuôi con hiện nay khá tốn kém và thói quen không sinh đẻ nhiều đã hình thành ở người dân qua nhiều năm “sống chung” với chính sách 1 con.

Một cuộc khảo sát do Ủy ban quốc gia về sức khỏe và Kế hoạch hóa gia đình thực hiện năm 2015, kết luận 60% các gia đình ngại có con thứ hai vì các mối lo tài chính.

Các lo ngại đang tăng, rằng dân số lão hóa và thiếu nguồn lực lao động sẽ làm chậm và đè nặng lên nỗ lực phát triển kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, vì yếu tố nhiều người già khiến hệ thống phúc lợi xã hội quá tải vì phải tăng trợ cấp và tăng chi chăm sóc y tế.

Nó còn dẫn đến nền kinh tế mất tính cạnh tranh, rủi ro giá thành lao động tăng, khiến các công ty nước ngoài phải tìm nguồn lao động ở các nước khác.

Trong khi đó, sự mất cân bằng giới tính cũng có thể dẫn đến các vấn nạn xã hội. Năm 2017, chính phủ Trung Quốc dự báo vào năm 2030, khoảng 1/4 dân số sẽ vào tuổi 60, tăng 13% so với năm 2010. Và số nam giới ít hơn phụ nữ những 30 triệu người.

Giáo sư Mary Gallagher ở khoa chính trị Đại học Michigan (Mỹ) nói: “Chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về dân số, khi nguồn lực lao động giảm, dân số lão hóa nhanh chóng. Trung Quốc còn thiếu một chương trình bảo hiểm xã hội có thể hỗ trợ số người cao tuổi một cách thích đáng”.

...Nhưng phụ nữ Trung Quốc không chấp nhận là máy đẻ

Hồi tháng 5, hãng tin Bloomberg từng đưa tin: ngay trong năm 2018, Trung Quốc dự tính hủy chính sách 2 con.

Hồi đầu tháng 8, một nhà nghiên cứu thuộc chính phủ dự báo sẽ chấm dứt sự hạn chế số con mà mỗi gia đình có thể có. Ông Zhang Juwei, chủ nhiệm Viện Dân số - Lao động kinh tế (thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc) nói với Newsweek: “Sẽ có một trào lưu không thể chống lại, cho phép người dân tự quyết chuyện sinh con, và nó sẽ là đường hướng để chỉnh sửa chính sách dân số trong tương lai.

Nhưng một số phụ nữ Trung Quốc đã có ý kiến, rằng họ không phải máy đẻ và họ phải có quyền tự do nên đẻ thêm con hay không, dù đất nước có chuyển qua chính sách đẻ 3 con hay không.

Haining Liu là một đại diện cho số phụ nữ này, nói: là một phụ nữ độc thân 30 tuổi sống ở Bắc Kinh, cô chưa thể nghĩ chuyện có con, vì còn phải vượt qua vài “chướng ngại vật”: lấy chồng, duy trì một nguồn thu nhập đã trừ thuế đủ cao để trang trải cuộc sống, mua được một căn hộ đủ to để nuôi đứa con tương lai.

Nhưng Liu phát nản, khi đọc tin ngày 14.8 của báo nhà nước Xinhua Daily ở tỉnh Giang Tô, gợi ý lập “quỹ sinh đẻ”, mà mỗi nam - nữ công dân dưới 40 tuổi đều phải đóng góp hàng năm, nhằm tăng trợ cấp cho các gia đình có từ 2 con trở lên.

Đề xuất lập quỹ là của hai học giả thuộc Đại học Nam Kinh, nêu rõ công dân nào không có 2 con thì đến tuổi hưu mới được hoàn lại số tiền họ đã nộp vào “quỹ sinh đẻ”.

Liu nói đề xuất này “quá vớ vẩn” và không công bằng. Cô là con một, hậu quả của chính sách 1 con, và nếu đề xuất được thực hiện, việc đóng tiền cho “quỹ sinh đẻ” giống như một khoản bồi thường từ việc cha mẹ cô không (hoặc không thể) đẻ con thứ hai, chứ không là một giải pháp khuyến khích đẻ thêm con.

Liu cũng nhận ra logic phía sau việc bắt đẻ 2 con không khác chính sách 1 con “mà lịch sử để lại”, vì quy định của chính phủ nêu gia đình nào có số con vượt mức cho phép thì phải đóng một khoản phí cao hơn mức thu nhập trung bình của tỉnh Giang Tô những 3 lần.

Liu dẫn vài chuyên gia Trung Quốc đã nói: chính phủ sửa chính sách quá ít, quá muộn, nên nay phải tìm các giải pháp triệt để hơn khi đối mặt với thách thức dân số, ví dụ phải khuyến khích giới trẻ có nhiều con hơn, với các khoản thưởng như giảm thuế, lập dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh miễn phí, cho nghỉ hậu sản lâu hơn, lập các chính sách việc làm thân thiện gia đình nhằm giúp phụ nữ quay lại việc làm sau khi sinh con.

Liu gợi ý các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải cẩn trọng xem xét các đề xuất như “quỹ sinh đẻ”, xem chúng có đi ngược các quyền lợi cơ bản của công dân hay không, và đánh giá tác động lâu dài của những đề xuất đó, chứ không nên hành động theo kiểu “sai đâu sửa đó” vì đã có kinh nghiệm kinh hoàng từ chính sách 1 con.

Liu đồng ý phần nào với bài báo mang tựa “Có con là chuyện gia đình, cũng là chuyện quốc gia” đăng trên Nhân dân nhật báo. Nhưng cô cho rằng thay đổi chính sách dân số cần có cả ý chí chính trị, và quan trọng hơn hết là sự tín nhiệm của nhân dân.

Liu nhấn mạnh, là một người phụ nữ Trung Quốc, cô cực lực phản đối việc xem phụ nữ chỉ là một cái máy đẻ: “Việc quyết định có con hay không có lẽ là một việc quan trọng nhất trong cuộc đời một người phụ nữ. Trong xã hội văn minh hiện đại, đấy phải là một lựa chọn của mỗi cá nhân. Chúng tôi không phải lợn nái. Và về chuyện có con, chúng tôi phải được quyền tự do lựa chọn, chứ không bị tác động bởi các chính sách”.

Bích Ngọc (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc sẽ có chính sách đẻ 3 con trong năm Hợi?