Sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ vào tháng 7 năm ngoái trên thực tế lại không có nhiều tác động tới nền kinh tế nước này. Quả bom thực sự với nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại chính là bong bóng bất động sản và trái phiếu.

Trung Quốc: 'Quả bom' bất động sản và trái phiếu đe dọa nền kinh tế

06/08/2016, 18:20

Sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ vào tháng 7 năm ngoái trên thực tế lại không có nhiều tác động tới nền kinh tế nước này. Quả bom thực sự với nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại chính là bong bóng bất động sản và trái phiếu.

Một trong những đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế Trung Quốc trong vài năm trở lại đây là sự xuất hiện liên tục và khá dày đặc của các bong bóng kinh tế trong một loạt các lĩnh vực chủ chốt, từ thị trường chứng khoán (TTCK) cho đến thị trường nguyên liệu, bất động sản hay tín dụng. Đặc điểm này xuất phát từ thực tế nhu cầu đầu tư trong nền kinh tế Trung Quốc quá lớn, dẫn đến nguồn vốn đổ vào các lĩnh vực dễ sinh lời vượt quá mức kiểm soát và phát sinh bong bóng. Việc TTCK Trung Quốc tăng trưởng quá nóng và sụp đổ trong tháng 7.2015 được xem là một vụ vỡ bong bóng điển hình, với tổng thiệt hại khoảng 3.200 tỉ USD, là một trong những sự cố kinh tế lớn nhất ở Trung Quốc kể từ khi nước này mở cửa vào năm 1978. Tuy nhiên, xét về quy mô và tầm ảnh hưởng tới nền kinh tế, thì đó vẫn chưa phải là quả bom thực sự. Quả bom thực sự với nền kinh tế Trung Quốc thời điểm hiện tại là bong bóng bất động sản và trái phiếu.

Dù là một trong những sự cố kinh tế lớn nhất suốt ba thập niên qua ở Trung Quốc, nhưng sự kiện TTCK Trung Quốc sụp đổ vào tháng 7 năm ngoái trên thực tế lại không có nhiều tác động tới kinh tế nước này. TTCK chỉ là nơi huy động vốn thứ yếu của các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo thống kê, số vốn mà các doanh nghiệp nước này huy động từ TTCK chỉ ở mức khoảng 20% (còn 80% còn lại đến từ các ngân hàng, các quỹ tín dụng…) mà thôi. Vì thế, dù vụ vỡ bong bóng trên TTCK đó đã thổi bay khoảng 3.200 tỉ USD thì nó vẫn không ảnh hưởng quá nhiều đến các doanh nghiệp và nền kinh tế mà chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận các nhà đầu tư chứng khoán – phần lớn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ chơi cổ phiếu bằng tiền tiết kiệm cá nhân.

So về mức độ tác động tới nền kinh tế, thì bong bóng đang được hình thành trong 2 lĩnh vực bất động sản và trái phiếu có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với bong bóng trên TTCK. Nếu bong bóng trên TTCK vỡ chỉ tác động tới túi tiền của một bộ phận người dân với tư cách là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, thì việc vỡ bong bóng trên thị trường bất động sản và trái phiếu sẽ tác động trực tiếp tới hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc. Nói cách khác, nếu bong bóng trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu Trung Quốc bị vỡ, nó sẽ tác động trực tiếp tới 2 bộ phận quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế nước này là hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp.

Trên thực tế, tốc độ hình thành bong bóng trên cả hai thị trường là bất động sản và trái phiếu ở Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Vụ vỡ bong bóng chứng khoán năm ngoái khiến dòng vốn đầu tư đổ vào các thị trường được đánh giá là sinh lời nhất còn lại: bất động sản và trái phiếu. Giá bất động sản tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đã tăng phi mã sau vụ sụp đổ của TTCK nước này. Tính đến thời điểm hiện tại giá nhà ở tại các thành phố lớn như Thâm Quyến đã tăng tổng cộng khoảng 64% trong 9 tháng qua, còn tại Thượng Hải hay Bắc Kinh cũng đã tăng gần 20%. Nguyên nhân chủ yếu không phải là nhu cầu nhà ở thực sự tăng cao, mà do giới đầu cơ sử dụng đòn bẩy đổ xô đi mua nhà với hy vọng sẽ kích hoạt tình trạng tăng giá một cách liên tục. Tình trạng này cũng tương tự những gì diễn ra tại nền kinh tế Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007, khi giới đầu cơ Mỹ cũng đổ xô vào thị trường bất động sản để tìm cách nâng giá, đến khi bong bóng bất động sản bị vỡ thì cả hệ thống ngân hàng và bảo hiểm ở Mỹ cũng sụp đổ theo, tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính, nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009.

Điều tương tự cũng diễn ra ở các thị trường khác như thị trường trái phiếu hay thị trường hàng hóa. Sau sự đổ vỡ của TTCK, dòng vốn đầu tư trong nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu đổ vào các thị trường dễ sinh lời còn lại, trong đó có thị trường hàng hóa và trái phiếu. Các mặt hàng nguyên liệu thô đã tăng giá chóng mặt do hậu quả tình trạng đầu cơ, điển hình là thép tăng 80%, than và xi măng cũng có mức tăng giá tương tự. Việc Trung Quốc vừa công bố ngành thép nước này trong 6 tháng đầu năm 2016 có mức lãi cao gấp 4 lần cùng kỳ 2015 có thể sẽ lại khiến cho thị trường hàng hóa nước này dậy sóng thêm một phen nữa.

Tuy nhiên, nguy hiểm nhất lại là bong bóng trên thị trường trái phiếu. Sự sụp đổ của TTCK khiến cho các nhà đầu tư đổ dồn vào các loại trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành. Tính đến cuối năm 2015, lượng trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mức phát hành thêm 21% so với cùng kỳ 2014, và chiếm tổng cộng 21,6% GDP so với mức 18,4% của một năm trước đó. Nguồn cung trái phiếu chính phủ cũng tăng mạnh từ mức trên 900 tỉ nhân dân tệ trong cả năm 2015 lên mức 1.400 tỉ nhân dân tệ trong vòng 3 tháng đầu năm 2016. Đó là chưa kể đến việc chính quyền các địa phương cũng bắt đầu chuẩn bị phát hành trái phiếu của riêng mình, theo kế hoạch sẽ có khoảng 6.000 tỉ nhân dân tệ trái phiếu được các địa phương Trung Quốc phát hành trong năm nay.

Tác hại của bong bóng trên thị trường trái phiếu Trung Quốc được đánh giá là nguy hiểm không kém bong bóng trên thị trường bất động sản. Do nhu cầu đầu tư trái phiếu trong xã hội tăng cao, các doanh nghiệp Trung Quốc cùng chính phủ và các địa phương nước này đã tăng mức phát hành trái phiếu của mình cao hơn mức cần thiết để hút nguồn vốn, và khiến giá trái phiếu cao hơn mức giá trị thực. Nếu bong bóng trên thị trường trái phiếu bị vỡ, nó sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc lao đao, còn chính phủ và các địa phương của nước này sẽ ôm những món nợ khổng lồ. Các doanh nghiệp Trung Quốc không chết sau sự kiện vỡ bong bóng tại TTCK vào năm ngoái, nhưng có thể sẽ chết nếu bong bóng trên thị trường trái phiếu nổ tung.

Nói cách khác, sự sụp đổ của TTCK có thể không đủ tác động khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng nhưng sự sụp đổ của thị trường bất động sản và trái phiếu kéo theo sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và một phần lớn các doanh nghiệp, thì hoàn toàn có thể khiến kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, tương tự như những gì đã diễn ra ở Mỹ cách đây 9 năm.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc: 'Quả bom' bất động sản và trái phiếu đe dọa nền kinh tế