Một khu trục hạm của hải quân Mỹ đã áp sát Bãi cạn Scarborough trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, theo Reuters hôm 21.1.

Trung Quốc phản ứng tàu chiến Mỹ 'xâm phạm lãnh thổ' trên Biển Đông

21/01/2018, 14:40

Một khu trục hạm của hải quân Mỹ đã áp sát Bãi cạn Scarborough trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, theo Reuters hôm 21.1.

Khu trục hạm Hooper - Ảnh: Naval Today

Hai quan chức Mỹ giấu tên xác nhận khu trục hạm mang tên lửa hành trình Hooper (thuộc lớp Arleigh Burke) đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough, tuân thủ luật lệ quốc tế và đó là một cuộc “đi qua vô hại”. Thuật ngữ này để chỉ một tàu chiến nhanh chóng đi qua vùng biển quốc tế mà không dừng lại.

Bắc Kinh thề sẽ “có những biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20.1 nói chiếc Hooper đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh “đảo Huangyan” (Hoàng nham) của Trung Quốc.

Đây là bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc kiểm soát bãi này sau cuộc đối đầu giữa tàu chiến hai nước năm 2012.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 20.1 cho biết: chiếc Hooper xâm phạm chủ quyền và quyền lợi an ninh của Trung Quốc, đe dọa sự an toàn của tàu bè và người Trung Quốc. Ông nói hải quân Trung Quốc đã yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực, sau khi xác nhận được danh tính chiếc Hooper.

Ông Lục Khảng còn nói Trung Quốc “kiên quyết phản đối” việc sử dụng quyền tự do hàng hải làm cớ để gây hại chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc, và đòi Mỹ phải “khắc phục những sai lầm”.

Trong một tuyên bố khác cùng ngày 20.1, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích Lầu Năm Góc liên tục đưa tàu chiến đến Biển Đông, cáo buộc đây là hành vi làm “xói mòn hòa bình và ổn định khu vực”, đồng thời có thể làm tổn hại quan hệ song phương.

Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, nói chúng được dùng để hạn chế di chuyển tự do trên một tuyến thương mại đường biển tất bật của thế giới.

Ngày 19.1, Lầu Năm Góc đã lập chiến lược phòng thủ quốc gia mới, chú trọng đối phó với Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh chỉ trích chiến lược này, nói Trung Quốc chỉ muốn có quan hệ đối tác toàn cầu chứ không toan tính làm bá chủ thế giới.

Hoạt động của chiếc Hooper là diễn biến mới nhất của hải quân Mỹ, để thách thức việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, dù chính phủ Tổng thống Donald Trump muốn có sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc xử lý chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Lãnh đạo Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải trên toàn thế giới, gồm các vùng biển mà các đồng minh của Mỹ tuyên bố chủ quyền, và hoạt động của quân đội Mỹ tách khỏi những toan tính chính trị.

Lầu Năm Góc không bình luận trực tiếp về hoạt động tuần tra mới nhất của chiếc Hopper, nhưng nói đấy là những hoạt động thường xuyên.

Người phát ngôn Christopher Logan nói: “Tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật quốc tế, và thể hiện Mỹ sẽ bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nói xem ra Lầu Năm Góc quyết tâm duy trì hoạt động tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải, theo nhịp cứ 6 tuần/lần, mặc sự phản đối của Trung Quốc.

Bích Ngọc (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc phản ứng tàu chiến Mỹ 'xâm phạm lãnh thổ' trên Biển Đông