Như báo điện tử Một Thế Giới đưa tin hôm qua, Trung Quốc đã bị 22 nước liên danh chỉ trích về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã phản ứng

Trung Quốc phản ứng sau khi bị 22 nước liên danh chỉ trích

Anh Tú | 12/07/2019, 08:31

Như báo điện tử Một Thế Giới đưa tin hôm qua, Trung Quốc đã bị 22 nước liên danh chỉ trích về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã phản ứng

Trong một lá thư gửi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhóm 22 quốc gia đòi hỏi Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp và nghĩa vụ của họ với quốc tế và ngăn chặn việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ cũng như người thuộc cộng đồng Hồi giáo, dân tộc thiểu số khác và tạo điều kiện tự do tôn giáo. Bức thư đã được gửi vào thứ hai 8.7 và được công khai vào thứ tư, 10.7.

Câu chuyện thêm nóng khi có tin Tổng thống Caputova của Slovakia chỉ trích vấn đề nhân quyền của Trung Quốc trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình nhân quyền "xấu đi" ở Trung Quốc.

Cổng một trung tâm đào tạo ở Tân Cương do Reuters chụp

Hình ảnh bên trong do đài Trung Quốc phát

Trước việc Trung Quốcbị 22 quốc gia chỉ trích, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc đã lập tức có phản ứng bằng câu trả lời dài như một bài diễn văn phản bác các chỉ trích. Ông cho biết:

“Trong bức thư này, một số quốc gia nhất định đã chỉ trích và bôi nhọ Trung Quốc là hoàn toàn coi thường sự thật. Bằng việc chính trị hóa một cách trắng trợn vấn đề nhân quyền, họ đã can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi phản đối và kiên quyết phản đối điều đó. Chúng tôi đã có những thông điệp nghiêm khắc cho các quốc gia đó. Chúng tôi đề nghị họ tôn trọng sự thật, phải thật vô tư, cam kết tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và ngừng chính trị hóa vấn đề nhân quyền và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc dưới cái cớ liên quan đến Tân Cương”.

Sau đó, ông tiếp tục giải thích vì sao các nước không nên bàn tán về Tân Cương: “Vấn đề Tân Cương là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng là một vấn đề thuộc về chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Về các vấn đề liên quan đến Tân Cương, không ai ở vị trí tốt hơn để đánh giá bằng chính phủ và người dân Trung Quốc.Họ không cần sự can thiệp từ nước ngoài. Đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, Khu tự trị Tân Cương đã thực hiện một loạt các biện pháp chống khủng bố và triệt để theo luật pháp, bao gồm thành lập các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề. Những biện pháp đó đã xoay chuyển tình hình.Trong hơn hai năm qua, không có một vụ bạo lực và khủng bố nào xảy ra ở Tân Cương. Khu vực hiện có sự ổn định xã hội và sự thống nhất giữa tất cả các nhóm dân tộc. Mọi người đang sống một cuộc sống hạnh phúc với ý thức hoàn thành và an toàn mạnh mẽ hơn. Họ hết lòng ủng hộ các chính sách và biện pháp của chính phủ”.

Ông Cảnh Sảnh cũng không quên khoe: “Chúng tôi cũng đã mời nhiều nhóm các nhà ngoại giao, nhà báo, chuyên gia và học giả nước ngoài đến thăm Tân Cương và tận mắt chứng kiến ​​nơi này. Tất cả đều nói rằng Tân Cương mà họ nhìn thấy hoàn toàn khác với những gì đã được truyền thông phương Tây mô tả.

Chúng tôi cũng đã gửi thư mời tới Văn phòng Nhân quyền của Cao ủy LHQ. Chúng tôi chào đón những người có thái độ thực sự khách quan và công bằng đến thăm Tân Cương. Nhưng đồng thời, chúng tôi phản đối bất kỳ lực lượng nước ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc dưới cái cớ các vấn đề liên quan đến Tân Cương”.

Trung Quốc khoe đã mời quan sát viên quốc tế vào trong xem trung tâm đào tạo

Nhiều nhà báo phương Tây lại nói họ chỉ có thể chụp ảnh trung tâm đào tạo kín cổng cao tườngtừ xa

Đi thẳng vào vấn đề liên quan đến trao đổi của tổng thống Slovakia với Ngoại trưởng Vương Nghị vừa đến thăm Slovakia, ông Cảnh nói: “Ông (Vương Nghị) và nhà lãnh đạo Slovakia đã trao đổiquan điểm thẳng thắn và sâu sắcvề các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm cả quan hệ song phương Trung Quốc-Slovakia”.

Theo Reuters, bà Caputova - ngườivừa mới đắc cử tổng thống Slovakia đã ra tuyên bố rằng: “Theo chính sách chung của EU, tôi bày tỏ quan ngại và lo lắng về tình hình xấu đi trong vấn đề bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc, về việc bắt giữ luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền, và về vị thế của các dân tộc thiểu số và tôn giáo”.

Còn ông Cảnh Sảng thì mô tả rằng: “Tổng thống Caputova khen ngợi sự tiến bộ lớn của Trung Quốc trong công cuộc phát triển. Bà nói rằng Slovakia rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Bà nhấn mạnh rằng Slovakia tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và sẽ cam kết tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc. Lấy kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao làm cơ hội, cả hai bên đã nhất trí tăng cường sự tin tưởng chính trị, giao tiếp và hợp tác lẫn nhau để có mối quan hệ song phương vững chắc và ổn định trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nói về nhân quyền, dân tộc thiểu số và các chính sách tôn giáo của Trung Quốc. Ông đã chia sẻ những thành tựu to lớn của Trung Quốc trong các lĩnh vực này cũng như các sự kiện có liên quan. Hai bên đã nhất trí tiến hành đối thoại bình đẳng và xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Chuyến thăm đã hiện thực hóa mục đích dự tính ban đầu là vun đắp tình hữu nghị, tái lập sự tin tưởng lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác”.

Cũng hơi khó hiểu cho việc kỷ niệm70 năm quan hệ ngoại giao 2 nước vì thời điểm 1949thì không có nước Slovakia mà chỉ có Slovakia nằm trong Tiệp Khắc.

Về tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Reuters cho biết hôm thứ 4, ông Jeremy Hunt trong Hội nghị toàn cầu về tự do truyền thông ở London đã tuyên bố rằng các quốc gia hạn chế tự do thông tin phải bị trả giá ngoại giao khi ông cảnh báo về tình hình xấu đi ở Trung Quốc và các nơi khác. Ông Hunt nói rằng Trung Quốc đã thuê hàng triệu dư luận viên để kiểm duyệt nội dung, đăng các bài ảo trên mạng và thao túng mạng xã hội.

Trước chuyện này, ông Cảnh Sảng khẳng định: “Thành thật mà nói, tôi chưa thấy phát biểu của ông Hunt. Nhưng tôi đã lưu ý rằng hiện tại ở Anh, sự cạnh tranh cho vị trí lãnh đạo trong đảng Bảo thủ đang diễn ra. Nhiều người đang hoạt động tích cực trong chiến dịch của họ để ngó đến chiếc ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ và sau đó có lẽ là chức vụThủ tướng mới. Đây là vấn đề đối nội của Anh. Nhưng tôi hy vọng một số người ở Anh, bao gồm cả ông Hunt, sẽ không làm cho Trung Quốc trở thành một vấn đề trong các chiến dịch của họ để giành được cử tri. Tính toán như vậy sẽ là vô ích”.

Anh, Slovakia, Pháp, Thụy Sĩ và Đức nằm trong danh sách 18 quốc gia châu Âu, cùng với Nhật Bản, Úc, Canada và New Zealand đã ký tên trong lá thư trên. Họ cũng yêu cầu bà Michelle Bachelet (cựu tổng thống Chile, hiện đang là Chủ tịch cao ủy nhân quyền LHQ) duy trì cập nhật thường xuyên về các diễn biến cho Hội đồng Nhân quyền.

Các chuyên gia về vấn đề này đã dựa trên các tài liệu chính thức của Trung Quốc, hình ảnh vệ tinh và lời khai của nhân chứng, ước tính rằng "Trung Quốc đã giam giữ trên 1 triệu người trong các trung tâm cải tạo và đã áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ". Trung Quốc luôn bác bỏ thông tin này.

Anh Tú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc phản ứng sau khi bị 22 nước liên danh chỉ trích