Gần như có thể khẳng định, nếu Ấn Độ và Trung Quốc không thể tháo gỡ những vướng mắc trong các quy định về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này thì RCEP có thể sẽ không thể được hoàn tất phần đàm phán trong năm 2017.

Trung Quốc nỗ lực hoàn tất RCEP trong năm 2017: Kẻ phá bĩnh Ấn Độ

Nhàn Đàm | 04/04/2017, 16:17

Gần như có thể khẳng định, nếu Ấn Độ và Trung Quốc không thể tháo gỡ những vướng mắc trong các quy định về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này thì RCEP có thể sẽ không thể được hoàn tất phần đàm phán trong năm 2017.

Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để có thể hoàn thành sơ bộ trong năm 2017 đang bị trì hoãn nghiêm trọng khi vấp phải vật cản mang tên Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và cũng lớn thứ 3 trong số các nền kinh tế đàm phán RCEP. Khác với hầu hết các quốc gia khác trong RCEP có quy mô kinh tế và thị trường nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, Ấn Độ lại gần như tương đương với nền kinh tế số hai thế giới trong phần lớn các yếu tố quan trọng kể trên, và New Delhi có nhiều lý do để tỏ ra lo ngại về một thỏa thuận thương mại có xu thế hướng tâm về phía Trung Quốc. Gần như có thể khẳng định, nếu Ấn Độ và Trung Quốc không thể tháo gỡ những vướng mắc trong các quy định về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này, thì RCEP gần như sẽ không thể được hoàn tất phần đàm phán trong năm 2017.

Kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự chú ý của khu vực đã quay sang RCEP bao gồm16 quốc gia châu Á có tổng dân số lên tới 3,5 tỉ người và tổng quy mô GDP lên tới 22.500 tỉ USD như một sự thay thế. Về nhiều mặt, TPP được xem như một thỏa thuận thương mại hiện đại có quy mô rộng lớn với những quy định tiên tiến, thì RCEP lại được xem như một thỏa thuận thương mại có thể thúc đẩy tăng trưởng và điểm đặc biệt là sự tương thích với nhiều loại hình và quy mô có sự khác biệt lớn giữa các nền kinh tế ở châu Á, từ những nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc và Nhật Bản cho đến những nền kinh tế nhỏ và đang phát triển như Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, điều này có vẻ như không thực sự đúng trong trường hợp của Ấn Độ. Nỗi lo sợ bị áp đảo và tràn ngập bởi hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đang khiến cho Ấn Độ trở thành vật cản trong quá trình thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán RCEP được dẫn dắt bởi Trung Quốc.

Ông Richard Rossow, Chủ tịch tổ chức Wadhwani chuyên nghiên cứu chính sách Mỹ-Ấn tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở ở Washington, cho biết: “Tôi không thực sự nghĩ Ấn Độ có nhu cầu thúc đẩy trao đổi thương mại đối với RCEP. Với chính phủ Ấn Độ vấn đề quan trọng nhất là không được để mất thị trường nội địa, nếu có bất cứ mối đe dọa nào như vậy từ RCEP thì họ sẽ không ký nó; nhưng nếu sự an toàn của thị trường nội địa được đảm bảo thì họ sẽ ký, kể cả khi chỉ thu được lợi ích rất nhỏ đi nữa”.

Thực tế đã chứng minh điều đó: khúc mắc lớn nhất đang cản trở quá trình đẩy nhanh đàm phán RCEP hiện nay là mức giảm thuế quan của Ấn Độ cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như khuynh hướng thận trọng của New Delhi với các quy định của thỏa thuận thương mại này.

Trong mắt chính phủ Ấn Độ, có vẻ như RCEP đang là một thỏa thuận cho phép Trung Quốc mở toang cánh cửa vào thị trường hơn 1 tỉ dân của nước này hơn là thúc đẩy trao đổi thương mại giữa 16 quốc gia châu Á. Điều này đến từ một thực tế rằng Ấn Độ đang phải chịu một khoản thâm hụt thương mại hàng năm khá lớn với Trung Quốc, lên tới khoảng 52 tỉ USD vào năm 2016. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang chịu thâm hụt thương mại với khá nhiều các quốc gia thành viên khác của RCEP như Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Australia và Malaysia. Dù bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã tuyên bố chính phủ nước này cam kết sẽ gắn bó với RCEP, nhưng có vẻ như New Delhi đang lo sợ rằng nếu thỏa thuận được thông qua và hạ mức thuế quan, Ấn Độ sẽ phải chịu đựng một mức thâm hụt thương mại gấp nhiều lần hiện nay với các đối tác trong RCEP.

Đó là lý do mà ngoài căng thẳng với Trung Quốc trong các quy định của thỏa thuận, Ấn Độ cũng đang nhận được sự không hài lòng của các nước Đông Nam Á. Trong cuộc đàm phán RCEP gần nhất tại Nhật Bản, Ấn Độ đã đề xuất một công thức để cắt giảm thuế quan sâu hơn cho hàng hóa xuất khẩu của mình sang thị trường các nước ASEAN và châu Đại Dương như Úcvà New Zealand. Đề xuất này đã bị các nước ASEAN phản đối, khi mức giảm thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ mà nước này đưa ra là tối đa. Một số nhà phân tích thậm chí đã nghĩ tới kịch bản các nước thành viên RCEP sẽ ký thông qua thỏa thuận và đi vào thực hiện mà không cần đến Ấn Độ.

Xu hướng bảo thủ về các vấn đề thương mại này của chính phủ Ấn Độ cũng đang khiến cho thỏa thuận thương mại giữa nước này với liên minh châu Âu đang bị đình trệ dù đã được khởi động được khoảng 1 thập kỷ. Ngoài ra, các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ với Canada, Úcvà New Zealand về các hiệp định thương mại song phương với các nước này cũng đang có dấu hiệu không thể đẩy nhanh tiến độ. Theo He Ning, nhà nghiên cứu ở trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa có trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết: “Mặc dù Ấn Độ luôn nói rằng họ tự do và dân chủ, họ ủng hộ tự do thương mại, nhưng trong hầu hết các trường hợp, họ đều nói không với các thỏa thuận thương mại tự do. Khi bạn cố gắng thúc đẩy một thỏa thuận thương mại nào đó theo hướng tích cực, Ấn Độ sẽ tìm cách để ngăn bạn lại thông qua trì hoãn ở các cuộc đàm phán”.

Tuy nhiên, có những lý do khiến Ấn Độ đang giữ vai trò một kẻ phá bĩnh khó ưa trong quá trình đàm phán RCEP hiện nay. Theo cựu ngoại trưởng Ấn Độ, Lalit Mansingh, mức thuế quan thấp hơn trong các thỏa thuận thương mại trước đây đã mang lại hệ quả là các công ty nước ngoài chiếm lĩnh một phần lớn thị trường nội địa của Ấn Độ, trong khi đó trình độ sản xuất và công nghệ của các công ty Ấn Độ lại chưa đủ mạnh để có thể tận dụng các ưu đãi về thuế tại các thị trường khác. Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, việc cắt giảm thuế quan với hàng hóa của Trung Quốc có thể đem đến những rủi ro lớn với thị trường trong nước và ảnh hưởng xấu đến vị thế của Ấn Độ, nhất là khi thủ tướng Modi đang muốn gia tăng ảnh hưởng và cạnh tranh với Trung Quốc tại các nước Nam Á khác.

Theo James Laurenceson, Phó giám đốc Học viện quan hệ Úc-Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydneythì lối thoát duy nhất cho Ấn Độ trong tình huống này là tiến hành một thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc. Khi các vấn đề thuế quan giữa hai nước được giải quyết ổn thỏa,Ấn Độ mới có thể ký kết RCEP mà không lo ngại sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Tuy nhiên, điều này có thể khiến quá trình đàm phán RCEP chậm hẳn lại do để hoàn tất một thỏa thuận song phương sẽ mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là giữa hai nền kinh tế quá lớn và phức tạp như Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc nỗ lực hoàn tất RCEP trong năm 2017: Kẻ phá bĩnh Ấn Độ