Trong khi chính quyền trung ương yêu cầu các ngành sản xuất thép và xi măng cắt giảm sản xuất quy mô lớn để tránh ô nhiễm không khí vào mùa đông thì nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc lại dùng đến những dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế địa phương mình phát triển.

Trung Quốc loay hoay với bài toán cắt giảm lượng khí thải

15/11/2017, 05:48

Trong khi chính quyền trung ương yêu cầu các ngành sản xuất thép và xi măng cắt giảm sản xuất quy mô lớn để tránh ô nhiễm không khí vào mùa đông thì nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc lại dùng đến những dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế địa phương mình phát triển.

Trung Quốc tạo ra đến 30% lượng khí thải toàn cầu - Ảnh: National Geographic

Với mức tăng 2%, lượng CO2 toàn cầu đã đạt mức kỉ lục 37 tỉ tấn. Các hoạt động chuyển đổi sử dụng đất như phá rừng, sẽ tạo ra khoảng 4 tỉ tấn nữa. Như vậy, tổng lượng CO2 toàn cầu sẽ đạt khoảng 41 tỉ tấn, theo báo cáo. Báo cáo cũng cho biết trong khoảng thời gian 2014-2016, phát thải toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp chỉ tăng 0,25%.

Ông Robbie Andrew, nhà nghiên cứu cấp cao tham gia dự án Global Carbon Project, đánh giá: “Mức phát thải tăng nhẹ trong giai đoạn 2014-2016 là một sự cân bằng đạt được rất khó khăn, và mức tăng dự kiến 2% trong năm 2017 là điều chúng ta không thể xem thường”.

Các tác giả thực hiện báo cáo cho biết do sai số vẫn có thể xảy ra, nên mức tăng phát thải có thể nằm trong khoảng 1-3%.

Cũng theo báo cáo, Trung Quốc là nước có lượng phát thải lớn nhất thế giới. Ông Jan Ivar Korsbakken, một trong các tác giả, cho biết: “Trung Quốc tạo ra đến 30% lượng khí thải toàn cầu, và thăng trầm của nền kinh tế Trung Quốc sẽ để tại dấu ấn cho việc tăng khí thải”.

Tuy con số chính thức do phía Trung Quốc cung cấp không hoàn toàn toàn đáng tin, nhưng ông Korsbakken đánh giá phát thải CO2 của Bắc Kinh sẽ tăng 0,7- 5,4% trong năm 2017.

Bà Corinne Le Quéré, tác giả chính của báo cáo, cũng khẳng định Trung Quốc “là nhân tố khiến phát thải toàn cầu tăng lên”.

Theo các chuyên gia môi trường, chính sự hồi phục của các ngành công nghiệp tạo ra nhiều khí thải của Trung Quốc đã làm lượng CO2 toàn cầu tăng. Những ngành này tăng trưởng tranh hơn dự kiến.

Ông Lauri Myllyvirta, nhà hoạt động môi trường của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), cho hay: “Trong năm nay, nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc lại dùng đến những dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng để tạo cầu và thúc đẩy nền kinh tế địa phương mình phát triển. Ở nhiều vùng, quá trình tái cơ cấu kinh tế bị đảo ngược và các ngành công nghiệp tạo nhiều khí thải lại tăng sản lượng”.

Tình trạng dùng than tăng bất ngờ (do hạn hán mùa hè làm thủy điện khó vận hành, nhiệt điện than phải vận hành nhiều hơn) cũng góp phần làm tăng khí thải, theo bà Quéré.

Một nhà máy nhiệt điện than mới xây tại tỉnh Quý Châu - Ảnh: National Geographic

Về phía Trung Quốc, ông Dương Phú Cường, cố vấn cấp cao của Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC), khẳng định mức phát thải CO2 năm 2017 có thể thấp hơn dự báo, vì chính quyền Bắc Kinh đã có yêu cầu các ngành sản xuất thép và xi măng cắt giảm sản xuất quy mô lớn để tránh ô nhiễm không khí vào mùa đông. Ngoài ra, người dân phía bắc Trung Quốc cũng đang chuyển từ dùng khí ga cho hệ thống sưởi ấm thay vì than.

Cố vấn Dương và nhà nghiên cứu Korsbakken đều dự đoán tiêu thụ than trong năm 2018 sẽ giảm, kéo theo đó là mức phát thải sẽ tăng chậm lại hoặc không đổi.

Báo cáo của Global Carbon Project được công bố ngày 13.11, khi đoàn đàm phán của các nước tại thành phố Bonn (Đức) đang cùng làm việc để cho ra bản quy tắc nhằm thực hiện các điều khoản trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo ông Glen Peters, nhà nghiên cứu tham gia Global Carbon Project: “Các cam kết toàn cầu được đưa ra tại Paris vào năm 2015 vẫn chưa được hiện thực hóa bằng hành động. Còn rất sớm để chúng ta có thể tuyên bố đã đạt được bước ngoặt và không còn khí phát thải”.

Không chỉ do Trung Quốc

Báo cáo cũng chỉ ra, Mỹ và EU trong năm 2017 có mức giảm phát thải ít đi. Mỹ dự kiến sẽ chỉ giảm 0,4%, thấp hơn so với mức bình quân 1,2% hằng năm trong 10 năm qua. Nguyên nhân là do giá khí đốt tăng khiến tiêu thụ than và dầu mỏ tăng nhẹ.

Mức giảm trong năm 2017 của EU chỉ đạt ít hơn 0,25%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 2% hằng năm.

Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến tăng 2% khí phát thải, thấp hơn mức bình quân 6% trong những năm trước. Báo cáo đánh giá đây là kết quả của nhiều nỗ lực mà chính quyền nước này đã thực hiện.

Ngoài ra, mức phát thải ở Mexico và nhiều nước Mỹ Latinh khác dự kiến sẽ giảm, báo cáo cho biết.

Ấn Độ dự kiến tăng 2% khí phát thải - Ảnh: Wall Street Journal

Theo bà Quéré: “Rất khó biết được chuyện phát thải tăng trong năm 2017 chỉ là một trục trặc nhỏ, mức phát thải đã đạt đỉnh và sẽ đi xuống hay là dấu hiệu cho thấy mức phát thải sẽ trở lại xu hướng tăng”.

Tuy hy vọng tăng phát thải năm 2017 chỉ là tình trạng nhất thời, nhưng trong một nghiên cứu hợp tác với ông Robert Jackson, nhà khoa học môi trường của đại học Stanford, bà Quéré cho rằng tình trạng khí hậu tồi tệ sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Cẩm Bình (theo National Geographic, Financial Times, Climate Home News)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc loay hoay với bài toán cắt giảm lượng khí thải