Khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra ở mức độ đáng để Bắc Kinh lo ngại thì chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc lập tức được kích hoạt. Nhưng "toàn dân hưởng ứng" liệu còn là chiến thuật đảm bảo cho Trung Quốc thắng thế trước hay không?

Trung Quốc không thể chơi ‘chiến tranh toàn dân’ với Mỹ

03/08/2019, 15:52

Khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra ở mức độ đáng để Bắc Kinh lo ngại thì chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc lập tức được kích hoạt. Nhưng "toàn dân hưởng ứng" liệu còn là chiến thuật đảm bảo cho Trung Quốc thắng thế trước hay không?

Cuộc biểu tình chống Nhật năm 2012 tại Trung Quốc

Úc chơi lớn vì e ngại chiến lược quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương

Nga chơi dao hai lưỡi khi bán vũ khí tối tân cho Trung Quốc

Tranh thủ sự ủng hộ của người dân Trung Quốc và sức mua của họ vẫn luôn là một lựa chọn trong kho công cụ trả đũa của Bắc Kinh trên ván cờ ngoại giao. Trên các mạng xã hội Trung Quốc lúc này, nhiều “blogger yêu nước” đã kêu gọi người tiêu dùng thay thế Nike bằng Adidas của Đức, thay Converse bằng đồ hiệu Trung Quốc như Feiyue hay Warrior và thay Apple bằng các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc như Huawei...

Trong số 1.000 người tiêu dùng Trung Quốc trả lời cuộc khảo sát hồi tháng 6 của công ty nghiên cứu thị trường Brunswick Group, hơn một nửa cho biết họ tránh mua sản phẩm của Mỹ để thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ trong tranh chấp đang diễn ra.

Toàn dân hưởng ứng việc tẩy chay hàng hóa một nước nào đó cũng không phải là vấn đề mới ở Trung Quốc. Cách đây 7 năm, khi Nhật và Trung Quốc căng thẳng ngoại giao xung quanh tranh chấp tại biển Hoa Đông thì chính quyền Trung Quốc đã bật đèn xanh cho dân chúng rầm rộ xuống đường biểu tình chống Nhật. Thậm chí, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc khi ấy còn dọa sử dụng các vũ khí thương mại với Nhật, ám chỉ việc người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng Nhật. Chính vì thế, làn sóng bài Nhật tại Trung Quốc dâng cao đến mức dân chúng không chỉ tẩy chay hàng Nhật mà còn phá các cửa hàng hay cơ sở kinh doanh hàng Nhật.

Cuộc biểu tình chống Nhật năm 2012 tại Trung Quốc

Năm 2017, khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng không đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối (THAAD), Trung Quốc cho rằng Seoul đã tiếp tay cho Mỹ đe doạ an ninh quốc gia. Ngoài việc phản đối chính thức thì truyền thông Trung Quốc đã ngầm khuyến khích, cổ vũ trào lưu tẩy chay hàng hóa Hàn, nhạc Hàn, không du lịch Hàn; hàng loạt nhà máy, siêu thị Hàn Quốc phải đóng cửa. Kết quả, hãng Lotte đã phải đóng cửa hơn 80 cửa hàng siêu thị ở Trung Quốc, ngành du lịch Hàn Quốc bị thiệt hại 6,8 tỉ USD.

Trong đợt thương chiến với Mỹ lần này, chúng ta chưa thấy có cuộc biểu tình chống Mỹ nào rầm rộ như khi chống Nhật năm 2012 và cũng chưa thấy báo chí chính thống Trung Quốc ra mặt cổ vũ việc tẩy chay hàng hoá Mỹ. Thay vào đó chỉ là những lời kêu gọi toàn dân kiểu du kích trên mạng xã hội Trung Quốc mà thôi. Trung Quốc thừa hiểu nếu phát động chiến tranh công khai kiểu toàn dân sẽ khó lòng làm gì được Mỹ mà chỉ ôm hận thêm.

Nhật và Hàn Quốc có thể xuống nước khi Trung Quốc làm mình làm mẩy và dùng đến công cụ sức mua toàn dân. Theo số liệu mới nhất từ OEC, Trung Quốc hiện nhập 150 tỉ USD hàng Hàn Quốc (chiếm 9,7% lượng nhập khẩu của Trung Quốc, 25% lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc) và 136 tỉ USD hàng Nhật (chiếm 8,8% lượng nhập khẩu của Trung Quốc, chiếm 20% lượng xuất khẩu của Nhật). Đồng thời, Trung Quốc xuất 157 tỉ USD hàng hoá sang Nhật (chiếm 6,5% lượng hàng xuất của Trung Quốc, chiếm 25% lượng hàng nhập khẩu của Nhật) và 98 tỉ USD hàng hoá sang Hàn Quốc (chiếm 4,4% lượng hàng xuất của Trung Quốc, chiếm 21% hàng nhập khẩu của Hàn Quốc). Cán cân chênh lệch không nhiều nhưng Nhật và đặc biệt là Hàn Quốc đều cần thị trường đông dân của láng giềng Trung Quốc và cần nguồn cung vật liệu, nhân công từ Trung Quốc.

Nhật và Hàn gần như không có phương án thay thế nếu nghỉ chơi với Trung Quốc còn Mỹ thì khác. Theo số liệu mới nhất của OEC, 20% hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc với tổng trị giá gần 500 tỉ USD là sang Mỹ. Phần nhiều hàng hoá này Mỹ có thể tìm được nguồn cung từ nơi khác nên họ không ngần ngại đánh thuế mạnh. Trong khi đó, hàng Mỹ được nhập vào Trung Quốc chỉ là 133 tỉ USD, chiếm 8,7% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Nhiều mặt hàng này, nếu Mỹ không bán sang Trung Quốc thì họ cũng tìm cách đẩy được sang các thị trường khác dù trong ngắn hạn thì Mỹ cũng chịu thiệt hại nhưng không nhiều.

Nói tóm lại, sức mua của người dân Trung Quốc không ảnh hưởng quá nhiều với nền kinh tế sản xuất của Mỹ. Do vậy, dù có phát động phong trào tẩy chay hàng Mỹ trong toàn dân thì Trung Quốc cũng không làm khó Mỹ. Ngược lại, nền sản xuất của Trung Quốc không thể hóa giải nổi hàng rào thuế quan từ Mỹ, đó là chưa kể Mỹ còn dùng các biện pháp khác để cô lập nền sản xuất của Trung Quốc. Điêu đứng là viễn cảnh mà Bắc Kinh có thể tự dự báo trước nếu chơi tất tay với Mỹ.

Ông Isaac Larian, giám đốc điều hành của MGA Entertainment, một công ty đồ chơi có trụ sở tại Chatsworth, Calif nhận định. “Người tiêu dùng Trung Quốc không còn mua iPhone, họ muốn mua Huawei. Thật không may một khi điều đó xảy ra, tôi nghĩ rằng nó có ảnh hưởng rất lâu dài. Mọi người sẽ không quay lại đâu", Larian nói mà không giải thích “mọi người” là người tiêu dùng Trung Quốc hay các công ty Mỹ.

Lời đe dọa về thuế mới của Mỹ được đưa ra một tháng sau khi ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý đình chiến thuế quan để mở đường các cuộc đàm phán được nối lại. Một vòng đàm phán thương mại mới được tổ chức tại Thượng Hải hồi giữa tuần đã kết thúc mà không có tiến triển rõ ràng nào ngoại trừ một thỏa thuận sẽ gặp lại vào tháng 9. Trong lúc chờ vòng đối thoại mới, Tổng thống Mỹ đã tố Trung Quốc chơi trò câu giờ để chờ đàm phán với chủ Nhà trắng nhiệm kỳ sau và tung lời đe doạ nâng thuế luôn. Trên twitter hôm 1.8, ông Trump viết:

"Đại diện của chúng tôi vừa trở về từ Trung Quốc, nơi họ có các cuộc đàm phán mang tính xây dựng phải thực hiện vì một thỏa thuận thương mại trong tương lai. Chúng tôi vốn nghĩ rằng chúng tôi đã có thỏa thuận với Trung Quốc từ ba tháng trước, nhưng thật đáng buồn, Trung Quốc đã quyết định đàm phán lại thỏa thuận trước khi ký kết. Gần đây, Trung Quốc đã đồng ý mua nông sản Mỹ với số lượng lớn, nhưng họ lại không làm như vậy. Ngoài ra, Chủ tịch Tập bạn tôi nói rằng ông sẽ ngừng việc đẩy Fentanyl sang Mỹ - mà điều này không bao giờ xảy ra, và nhiều người Mỹ tiếp tục chết! Các cuộc đàm phán thương mại đang tiếp tục, và trong quá trình đàm phán, Mỹ sẽ bắt đầu, kể từ ngày 1.9, áp thêm một chút biểu thuế 10% cho 300 tỉ USD hàng hóa và sản phẩm còn lại đến từ Trung Quốc vào Mỹ. Khối lượng này không tính trong khối lượng 250 tỉ USD đã được đánh thuế ở mức 25%. Chúng tôi mong muốn tiếp tục đối thoại tích cực với Trung Quốc về một hiệp định thương mại toàn diện và cảm thấy rằng tương lai giữa hai nước chúng ta sẽ rất tươi sáng!”

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2.8 cho biết "Mỹ công bố mức thuế 10% mới đối với 300 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1.9. Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng với sự đồng thuận của Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ tại Osaka và đi ngược lẽ phải. Nó sẽ không có lợi cho việc giải quyết các vấn đề đang tồn tại. Trung Quốc phản đối và kiên quyết phản đối điều đó. Nếu Mỹ thực sự áp đặt thuế quan mới, Trung Quốc sẽ phải thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết để duy trì lợi ích cốt lõi và lợi ích cơ bản của người dân Trung Quốc. Mỹ sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả các hậu quả liên quan.

Sự leo thang của cuộc xung đột thương mại và việc áp thuế quan mới của Mỹ không phục vụ lợi ích của người dân Trung Quốc, người dân Mỹ và toàn thế giới. Nó sẽ dẫn đến suy thoái cho nền kinh tế thế giới. Trung Quốc tin rằng không có người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại. Chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng chúng tôi không sợ giao tranh. Trung Quốc cực lực không chấp nhận bất kỳ áp lực, đe dọa hoặc tống tiền. Về các vấn đề chính liên quan đến các nguyên tắc của chúng tôi, chúng tôi sẽ không lùi lại dù chỉ một chút. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ nắm bắt tình hình, từ bỏ mọi ảo tưởng, sửa chữa sai lầm của mình và trở lại đúng hướng giải quyết sự khác biệt thông qua tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Về tuyên bố của Mỹ cho rằng Trung Quốc không xúc tiến kịp thời. Quan điểm của Trung Quốc về các cuộc đàm phán thương mại Trung Quốc-Mỹ luôn nhất quán, vì vậy nỗ lực và niềm tin của chúng tôi cũng vậy. Tuy nhiên, tất cả các cuộc đàm phán và tham vấn phải dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, và tất cả các kết quả của chúng phải giúp các bên cùng có lợi. Bây giờ bóng ở phần sân Mỹ. Mỹ cần thể hiện sự chân thành và thiện chí với thế giới. Mỹ cần phải chứng minh rằng họ vẫn là một đối tác đáng tin cậy trong các cuộc đàm phán".

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc không thể chơi ‘chiến tranh toàn dân’ với Mỹ