Việc nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản đã tăng hơn 41% trong tháng 6 so với tháng 5. Lý do bởi các nhà sản xuất chip Trung Quốc đổ xô tích trữ sản phẩm trước khi lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có hiệu lực từ 23.7.

Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thiết bị sản xuất chip từ Nhật trước khi bị hạn chế

Sơn Vân | 27/07/2023, 22:15

Việc nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản đã tăng hơn 41% trong tháng 6 so với tháng 5. Lý do bởi các nhà sản xuất chip Trung Quốc đổ xô tích trữ sản phẩm trước khi lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có hiệu lực từ 23.7.

Vào tháng 6, nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản đạt 804 triệu USD, tăng 41,6% so với tháng 5, nhưng giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này được công bố bởi Ijiwei (cổng thông tin ngành công nghiệp chip Trung Quốc), trích dẫn dữ liệu hải quan nước này.

Trong số các thiết bị có giá trị cao nhất, nhập khẩu máy quang khắc để in thiết kế chip trên đĩa bán dẫn tăng 137,1% lên mức 62,4 triệu USD, còn nhập khẩu máy khắc và gỡ bỏ chất liệu không cần thiết trên đĩa bán dẫn tăng 370,1% lên mức 44,4 triệu USD.

Hoạt dộng trên diễn ra khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 23.7, yêu cầu các công ty trong nước phải xin giấy phép bán 23 loại thiết bị sản xuất chip cho nước ngoài. Danh sách này gồm các thiết bị để làm sạch, lắng đọng, in thạch bản và khắc.

Động thái trên của Nhật Bản diễn ra sau khi Hà Lan kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến từ ngày 30.6 theo lời kêu gọi từ Mỹ. Tháng 10.2022, Mỹ đã ban hành một bộ quy tắc xuất khẩu mới nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc phát triển chip tiên tiến và sau đó tạo áp lực để các đồng minh như Nhật Bản, Hà Lan làm theo.

Nhật Bản là nguồn cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn nhất cho Trung Quốc kể từ năm 2015, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu. Năm 2022, giá trị nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản đạt 10,7 tỉ USD, tăng 2,68 lần so với con số 3,98 tỉ USD năm 2015, theo báo cáo của Ijiewei. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị thiết bị sản xuất chip mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 13,2% xuống còn 4,83 tỉ USD. Điều này phù hợp với xu hướng giảm nhập khẩu chip trong cùng kỳ, phản ánh nỗ lực mở rộng của Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến và thiết bị liên quan.

Từ tháng 1 đến tháng 6, nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2022 về số lượng. Trong khoảng thời gian này, nhập khẩu chip của Trung Quốc từ Nhật Bản và Hàn Quốc giảm lần lượt 11,1% và 19,6%.

Vào quý 2/2023, thiết bị sản xuất chip mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản giảm 10,5% so với quý trước và 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ijiwei cho biết khối lượng nhập khẩu chip của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quý 3/2022 do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Để trả đũa phương Tây và Nhật Bản, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai kim loại đất hiếm cần thiết cho sản xuất chip, từ ngày 1.8.

nhat-bat-dau-kiem-soat-ban-23-loai-thiet-bi-san-xuat-chip-voi-trung-quoc.jpg
Việc nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc từ Nhật Bản đã tăng hơn 41% trong tháng 6 so với tháng 5 - Ảnh: Internet

Các quan chức lo lắng khi Nhật bắt đầu kiểm soát bán 23 loại thiết bị sản xuất chip với Trung Quốc

Việc Nhật Bản kiểm soát xuất khẩu 23 thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc để phù hợp với chính sách của Mỹ khiến một số quan chức trong nước lo lắng.

Trong khi Mỹ nhắc đến Trung Quốc 20 lần trong thông báo nhắm đến các công ty quốc gia châu Á này hồi tháng 10.2022, Nhật Bản đã chọn các biện pháp kiểm soát thiết bị rộng rãi mà không nhắm cụ thể vào nước láng giềng.

"Chúng tôi cảm thấy không thoải mái với cách Mỹ làm điều này. Không cần phải nêu tên quốc gia cụ thể, tất cả những gì bạn cần làm là kiểm soát xuất khẩu mặt hàng đó", Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp nói với hãng tin Reuters. Nguồn tin này cho biết Nhật Bản không thể trừng phạt các quốc gia trừ khi họ tham gia vào một cuộc xung đột.

Khi công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chip vào tháng 3, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói với các phóng viên rằng Trung Quốc chỉ là một trong 160 quốc gia và khu vực sẽ chịu sự kiểm soát, và các quy tắc của Nhật Bản không nhằm tuân theo Mỹ. Dù vậy, Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản nên rút lại các biện pháp này.

Nhật Bản và Mỹ đã chia sẻ những lo ngại về việc Trung Quốc thúc đẩy các công nghệ tiên tiến. Vào tháng 5, cả hai nước đã đồng ý với các quốc gia G7 khác về việc giảm thiểu rủi ro trước sức ép kinh tế tiềm ẩn của Trung Quốc. Tuy nhiên khác biệt trong kiểm soát thiết bị sản xuất chip có thể thử thách sự đoàn kết đó. Chẳng hạn, nếu Mỹ hoặc Nhật Bản có thể cho phép xuất khẩu các sản phẩm mà nước còn lại đã cấm.

Emily Benson, Giám đốc dự án thương mại và công nghệ tại tổ chức phi lợi nhuận lưỡng đảng Center for Strategic and International Studies ở Washington (Mỹ), cho biết: “Mỗi quốc gia chịu trách nhiệm về các chính sách cấp phép của riêng mình và trên hết, việc thực thi các quyết định là tùy thuộc vào từng nước”.

Nhật Bản không áp dụng tiêu chuẩn "giả định từ chối" của Mỹ và sẽ cho phép xuất khẩu bất cứ khi nào có thể, một quan chức chính phủ Nhật Bản nói với Reuters. Các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Giả định từ chối là nguyên tắc mà Mỹ thường áp dụng khi xem xét yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao hoặc quan trọng từ Mỹ đến các nước khác. Theo nguyên tắc này, các yêu cầu xuất khẩu sẽ được xem như từ chối ban đầu, nên phải cung cấp đủ bằng chứng và đảm bảo an ninh, an toàn trước khi được cấp phép xuất khẩu.

Cũng có thể xuất hiện những căng thẳng tiềm ẩn vì khác Nhật Bản và Hà Lan, Mỹ không áp đặt các hạn chế với một số công cụ cụ thể.

Hãng tin Reuters đã liên hệ với 6 nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip ở Nhật Bản. Hai trong số đó là Kokusai Electric và Tokyo Electron hy vọng các biện pháp kiểm soát của Nhật Bản sẽ có tác động hạn chế với hoạt động kinh doanh.

Advantest Corp (công ty kiểm tra chip) nói không có sản phẩm nào của họ bị ảnh hưởng. Screen Holdings (nhà sản xuất máy làm sạch đĩa bán dẫn), Nikon Corp và Canon (hai nhà sản xuất máy in thạch bản) không phản hồi.

Theo các chuyên gia, Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ trong biện pháp kiểm soát xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip.

Jim Lewis, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Center for Strategic and International Studies, nói: "Vấn đề trong tất cả những điều này là bạn có thể bỏ qua thiết bị nào một cách an toàn và cần ngăn chặn gì. Mỗi nước vạch ra ranh giới hơi khác nhau một chút". Ông đã gặp các quan chức thương mại Nhật Bản và tin rằng nước này cam kết kiềm chế xuất khẩu một số mặt hàng nhất định.

Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đều cho biết muốn thêm các thiết bị sản xuất chip vào danh sách vũ khí, hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng do 42 quốc gia tham gia Thỏa thuận Wassenaar (được thành lập sau Chiến tranh Lạnh) kiểm soát. Thế nhưng, ba nước này khó có thể giành được sự ủng hộ nhất trí mà họ cần từ các thành viên tham gia Thỏa thuận Wassenaar, với Nga là 1 trong số đó.

Quan chức Bộ Công nghiệp Nhật Bản khác cho biết phương án khác là hình thành một nhóm gần gũi với Mỹ và Hà Lan để giám sát các công cụ sản xuất chip, mà dần dần có thể gồm cả các quốc gia khác.

Trong thời gian chờ đợi, chính quyền Joe Biden đã cập nhật các quy tắc từng đưa vào tháng 10.2022, một phần để phù hợp với danh sách các thiết bị sản xuất chip rộng hơn của Nhật Bản.

Mỹ cũng có thể đi xa hơn Hà Lan trong việc hạn chế những gì ASML có thể cung cấp cho một số nhà máy Trung Quốc cụ thể, Reuters đưa tin vào tháng 6. Chính quyền Biden có thể kiểm soát trực tiếp ASML vì thiết bị của công ty Hà Lan này chứa các linh kiện Mỹ.

ASML là công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới và là hãng công nghệ có giá trị thị trường lớn nhất châu Âu.

Nhật Bản vẫn lo lắng rằng việc nhắm mục tiêu vào Trung Quốc sẽ dẫn đến sự trả đũa, chẳng hạn lệnh cấm ô tô điện của Nhật Bản, một quan chức ngành công nghiệp nước này nói.

"Việc làm mất mặt ai đó chẳng có lợi ích gì, trừ khi đó là mục tiêu của bạn", quan chức đó nói.

Bài liên quan
Nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm 18,5% trong nửa đầu 2023 do bị Mỹ trừng phạt
Nhập khẩu mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc đã giảm 18,5% trong sáu tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022 tính theo số lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thiết bị sản xuất chip từ Nhật trước khi bị hạn chế