Phía sau việc Trung Quốc phô trương quân sự, như thể muốn chơi trò đọ sức ở biển Đông, là cả một âm mưu vây hãm chiến lược (chiến thuật cờ vây) nguy hiểm hơn rất nhiều.

Trung Quốc đang dụng “chiến thuật cờ vây” trên biển Đông

Một Thế Giới | 14/12/2014, 10:30

Phía sau việc Trung Quốc phô trương quân sự, như thể muốn chơi trò đọ sức ở biển Đông, là cả một âm mưu vây hãm chiến lược (chiến thuật cờ vây) nguy hiểm hơn rất nhiều.

Hình ảnh mới nhất từ tạp chí quốc phòng hàng đầu của Mỹ IHS Jane công bố ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc (TQ) đang khai khẩn bãi đá Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây dựng một khu vực diện tích khoảng 3.000 m2 có bóng dáng của một sân bay và một cảng biển đủ lớn để tàu chở dầu và tàu chiến loại lớn ra vào hoạt động.
Trong bài viết mới nhất trên tạp chí National Interest (Mỹ), PGS-TS Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, nhận định Bắc Kinh đang chơi chiến thuật cờ vây - nhằm mở rộng đất đai theo kiểu bá quyền một cách rất khó lường.
Ai giữ nhiều đất sẽ thắng?!
Theo PGS-TS Alexander Vuving, việc sử dụng các lăng kính thông thường để “soi xét” chiến lược của TQ trên biển Đông hiện nay vẫn “chưa đủ đô”. Bởi lẽ giới quan sát thường quy chiếu biển Đông thành một bàn cờ vua hoặc là cờ tướng. Theo đó, bàn cờ là một “thế trận quân sự”, nơi các chiến binh “tướng - sĩ - tượng - xe - pháo - mã - tốt” sử dụng “nắm đấm” để tiêu hao sức mạnh, hủy diệt quân số (vật lực), đưa đối phương vào bước đường cùng “hết binh, hết tốt” phải chấp nhận đầu hàng khi “gươm đao kề cổ”.
Tuy nhiên, thực tế những gì đã và đang diễn ra trên biển Đông thời gian qua, nhất là gần đây khi Bắc Kinh tiến hành chiến lược dân sự hóa (núp bóng quân sự) trái phép, cho thấy chính quyền Tập Cận Bình đang chơi một trò “cao tay” hơn, khó chơi hơn và khó lường hơn cờ tướng hay cờ vua. 
“Các lăng kính hiện nay thường đặt các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông lên bàn cờ tướng hay cờ vua. Nhưng thực tế TQ lại đang chơi cờ vây (Weiqi) - một trò chơi đậm chất tư duy người TQ: Ai kiểm soát hết đất sẽ thắng” - PG.TS Alexander Vuving nhận định.
Một sự trùng hợp rất thú vị là khác với cờ tướng hay cờ vua, cờ vây không dùng binh lính “xe - pháo - mã…” mà chỉ có những “phiến đá” giống hệt nhau - như thể Bắc Kinh đang sử dụng để “lấp biển, xây đảo, tạo sân bay” tại biển Đông về mặt thực địa. Trên bàn cờ vây “biển Đông”, việc TQ tìm mọi cách để có “dấu chân Bắc Kinh” tại nhiều vùng biển, bất chấp các nước phản ứng cho thấy chính quyền TQ đang vận dụng “thuật bao vây”. Nghĩa là các “tảng đá” tưởng chừng như vô tri đang được Bắc Kinh sử dụng như những vũ khí “không thể ngờ” hòng chiếm đoạt và củng cố các vị trí chiến lược.

Ưu tiên “vây hãm” hơn “động binh”

Chiến lược “cờ vây” của TQ, theo PGS-TS Alexander Vuving, được Bắc Kinh thực hiện thông qua ba sách lược lớn theo thứ tự ưu tiên. Một là TQ né tránh tối đa việc xung đột quân sự. Nước này chỉ gây xung đột khi muốn tạo “kẽ hở” để lợi dụng một tình thế thuận lợi.Điều này có thể giải thích dựa trên các động thái của TQ - không ưa chuộng kiểu “đánh nhau” như trên bàn cờ vua.

Theo đó, Bắc Kinh hầu hết chỉ tung ra các “kẻ xung trận” tiên phong tại biển Đông là các “quân tốt”, trong khi “xe - pháo - mã” hay các quân cờ uy lực hơn đều được Bắc Kinh giấu kỹ hoặc chỉ “khoe” chứ chưa cho lâm trận. Quân đội ít khi can dự (hoặc chỉ can dự dưới hình thức núp bóng dân sự) vào việc tranh chấp. TQ chủ yếu đưa tàu cá, tàu vũ trang hạng nhẹ của chính phủ vào kiểm soát các vùng biển. Đối tượng tranh giành mà Bắc Kinh tập trung chủ yếu lại là những bãi đá nhỏ, cằn cọc và thường chìm dưới mặt nước. 
“Quân cờ uy lực nhất mà Bắc Kinh tung ra có lẽ là căn cứ tàu ngầm hạt nhân Yulin, tọa lạc tại phía nam đảo Hải Nam. Tuy nhiên, Yulin lại không nằm trong khu vực tranh chấp” - PGS-TS Alexander Vuving cho biết.

Hay ngay cả khi có xung đột diễn ra, TQ dùng “nắm đấm” - quân sự để “nói chuyện”. PGS-TS Alexander Vuving nhận định thêm rằng Bắc Kinh thường tránh sử dụng các trận chiến vũ trang quy mô lớn để mở rộng vùng kiểm soát của mình. Một cách khác mà Bắc Kinh cũng “ưa chuộng” chọn thời điểm “động tay động chân” khi thấy xuất hiện khoảng trống quyền lực ở khu vực để ít gây ra các hệ quả về ngoại giao.

Chiếm giữ trái phép vùng đắc địa 

Triết lý thứ hai của Bắc Kinh là tập trung kiểm soát hầu hết vị trí chiến lược ở khu vực, nếu chưa chiếm giữ được thì phải nắm lấy kể cả bằng cách lén lút. PGS-TS Alexander Vuving đưa ra dẫn chứng khi TQ tấn công Việt Nam hòng tranh giành quyền hiện diện ở quần đảo Trường Sa năm 1988, Bắc Kinh đã chọn “chất lượng” hơn là “số lượng” địa điểm cát cứ. Theo đó, 5 trong số 6 bãi đá do TQ chiếm giữ có vị trí chiến lược quan trọng nhất trên quần đảo Trường Sa.

Đá Chữ Thập có diện tích khoảng 10 km2, một trong những thực thể lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Thực thể này nằm ở một địa điểm lý tưởng bởi nó tiếp xúc với các tuyến đường vận tải chính xuyên đại dương đi qua biển Đông. Vị trí chiến lược này không quá xa nhưng cũng không quá gần các nhóm đảo khác, làm giảm nguy cơ bị tấn công, đồng thời dễ mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Bốn bãi đá còn lại bao gồm đá Su Bi (Subi Reef), đá Ga Ven (Gaven Reef), đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và đá Châu Viên (Cuarteron Reef)), nằm ở rìa của bốn nhóm đảo khác nhau. Chiếm giữ các bãi đá này, Bắc Kinh có thể kiểm soát một vùng biển rộng lớn, cùng các tuyến đường biển quan trọng đi vào các nhóm đảo.

Duy trì hiện diện bất chấp luật quốc tế

Triết lý thứ ba trên bàn cờ vây là phát triển những vị trí chiến lược được Bắc Kinh chiếm giữ trái phép thành các điểm trọng yếu. Song song đó là biến các địa điểm này thành những trung tâm chuyên trách lĩnh vực hậu cần, hay các căn cứ có khả năng triển khai sức mạnh Bắc Kinh một cách hiệu quả.

Điều này lý giải tại sao thời gian qua TQ cố gắng triển khai nhiều loại tàu bè, cả quân sự và phi quân sự, cả trên mặt biển và dưới đáy đại dương và cả máy bay có người lái lẫn không người lái đến các khu vực đắc địa để duy trì sự chiếm giữ. Những căn cứ này trong hiện tại, tương lai gần lẫn dài hạn sẽ là nơi hỗ trợ hậu cần cho tàu bè và máy bay mà TQ triển khai.

Song song đó, Bắc Kinh còn chú trọng đẩy mạnh việc “khai hoang” và xây dựng nhiều công trình trái phép ở Trường Sa thời gian gần đây. “Lựa chọn đầu tiên của TQ là đá Chữ Thập - nơi có vị trí lý tưởng vì nó án ngữ cửa ngõ phía tây của quần đảo Trường Sa và là một trong số ít các đá ở Trường Sa gần với tuyến hàng hải chính” - PGS-TS Alexander Vuving nhấn mạnh.

Sau hoạt động mà Bắc Kinh gọi là khai hoang hay cải tạo, dự kiến bãi đá Chữ Thập sẽ có đủ sức chứa sân bay; hải cảng cho tàu trọng tải 5.000 tấn; trạm radar; tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa; hàng trăm tàu cá, tàu tuần tra, tàu chiến và chiến đấu cơ. Tương tự, từ một bãi cát không người ở cách đây 60 năm, đến nay đảo Phú Lâm đã có tới hơn 1.000 cư dân và quân đội; chứa một sân bay 2.700 m2, cho phép tám máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư cất, hạ cánh cùng lúc; một cảng nước sâu dài 1.000m cho tàu 5.000 tấn neo đậu.

“Bằng các đảo được “hóa phép” đá, TQ sẽ có tiềm năng hơn bất kỳ nước nào trong việc giành được lợi thế về hải quân ở biển Đông” - PGS.TS Alexander Vuving kết luận.

Chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough và một số thực thể có vị trí chiến lược ở quần đảo Trường Sa, như đảo Phú Lâm (Woody island), đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và bãi cạn Scarborough - các điểm chiến lược hợp thành tứ giác có bán kính 250 hải lý, giúp Bắc Kinh giám sát toàn bộ khu vực biển Đông.
Thiên Bình (Pháp luật TP.HCM)
Nguồn: nationalinterest.org
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đang dụng “chiến thuật cờ vây” trên biển Đông