Chính quyền Đài Loan hôm 28.4 đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành chiến tranh kinh tế chống lại lĩnh vực công nghệ của hòn đảo bằng cách đánh cắp công nghệ và lôi kéo các kỹ sư. Đài Loan đang xem xét tăng cường luật để ngăn chặn điều này.
Đài Loan là nơi có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh và hàng đầu thế giới, được sử dụng trong mọi thứ, từ máy bay chiến đấu đến ô tô. Chính quyền bà Thái Anh Văn từ lâu đã lo lắng về những nỗ lực sao chép của Trung Quốc, bao gồm cả bằng gián điệp công nghiệp và các phương pháp bí mật khác.
4 nhà lập pháp Đài Loan thuộc đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền đang dẫn đầu đề xuất sửa đổi luật bí mật thương mại để mở rộng phạm vi của những gì được coi là bí mật và tăng cường các hình phạt.
Trong một báo cáo trước Cơ quan lập pháp về các đề xuất sửa đổi, Cục An ninh Đài Loan đã đổ lỗi cho Trung Quốc về hầu hết các trường hợp gián điệp công nghiệp từ các lực lượng nước ngoài mà họ phát hiện những năm gần đây.
"Việc Trung Quốc dàn dựng đánh cắp công nghệ từ các quốc gia khác gây ra mối đe dọa lớn với các nền dân chủ. Mục đích của việc Trung Quốc thâm nhập vào công nghệ của chúng tôi không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn có ý đồ chính trị là làm cho Đài Loan ngày càng nghèo hơn và yếu hơn", Cục An ninh Đài Loan cho hay.
Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Trong báo cáo của mình, Cơ quan Kinh tế Đài Loan cho biết Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của mình bằng cách “săn trộm tài năng Đài Loan cũng như lấy bí mật thương mại của ngành công nghiệp chúng ta, để làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của hòn đảo".
Cơ quan Kinh tế Đài Loan cho biết thêm cơ quan hành pháp đã họp nhiều lần để tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Ho Hsin-chun, một trong những nhà lập pháp đã đề xuất các sửa đổi, cho biết nhu cầu này là cấp thiết.
"Sự xâm nhập của chuỗi cung ứng đỏ của Trung Quốc ở khắp mọi nơi", bà nói trong một cuộc họp.
Chưa rõ khi nào hoặc liệu các sửa đổi có thể được thông qua thành luật hay không. Cơ quan Tư pháp trong báo cáo của mình đề nghị cần thảo luận thêm về từ ngữ.
Hu Mu-yuan, Phó Cục trưởng Cục An ninh Đài Loan, bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi với biện pháp này.
"Miễn là nó hữu ích cho an ninh và lợi ích của chúng tôi, chúng tôi ủng hộ nó", ông Hu Mu-yuan nói.
Không riêng Đài Loan mà Nhật Bản, Mỹ cũng lo ngại bị Trung Quốc đánh cắp công nghệ.
Nhật Bản chuẩn bị áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt với các trường đại học để bảo vệ các công trình khoa học công nghệ khỏi nạn nước ngoài đánh cắp.
Theo trang Nikkei, Chính phủ Nhật Bản hôm 27.4 công bố kế hoạch yêu cầu các nhà nghiên cứu nước này phải công khai bất kỳ khoản đóng góp tài chính nào từ nước ngoài. Các nhà nghiên cứu sẽ phải đối mặt với những hạn chế nhất định nếu bị phát hiện là đã báo cáo sai.
Các hướng dẫn của kế hoạch dự kiến được hoàn thiện vào cuối năm nay. Động thái này phù hợp với tinh thần của thỏa thuận giữa Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ - Joe Biden về hợp tác song phương trong nghiên cứu tiên tiến hồi giữa tháng này.
Các lĩnh vực như công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đã nổi lên như những điểm nóng chính trong cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Do những công nghệ này thường có cả ứng dụng dân sự và quân sự, Mỹ muốn đảm bảo thông tin có thể đe dọa an ninh quốc gia sẽ không bị rò rỉ bên ngoài Nhật Bản.
Nhật đang quan tâm đặc biệt với những nỗ lực tích cực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học thông qua chương trình “Ngàn nhân tài”.
Chương trình này được Chính phủ Trung Quốc khởi động vào năm 2008 nhằm thu hút công dân Trung Quốc, Hoa kiều và người nước ngoài phát triển sự nghiệp tại nước này, đặc biệt là giáo sư và chuyên gia tại các đại học, viện nghiên cứu và các tập đoàn quốc tế.
Những nhân tài còn được trả lương bằng với mức cao nhất họ có thể được hưởng tại các nước phương Tây, thậm chí còn được cấp thị thực thường trú theo loại chỉ dành cho doanh nhân nước ngoài.
Tuy nhiên, Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng chương trình này như một phương thức để đánh cắp công nghệ quan trọng.