Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải, cải cách hành chính là khâu đột phá nhưng cũng là điểm nghẽn, làm cản trở sự phát triển, giảm sút lòng tin nếu làm không tốt.
Theo dòng thời sự

Trình độ của cán bộ Hà Nội không thấp hơn các tỉnh khác, vì sao một số chỉ số tụt hạng?

Lam Thanh 03/07/2024 15:40

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải, cải cách hành chính là khâu đột phá nhưng cũng là điểm nghẽn, làm cản trở sự phát triển, giảm sút lòng tin nếu làm không tốt.

Ngày 3.7, HĐND TP.Hà Nội bắt đầu phiên chất vấn, trả lời chất vấn với nhóm nội dung thứ nhất: Thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (H.Mê Linh) cho hay một số chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của thành phố tụt hạng.

Theo đại biểu Đoàn, trình độ cán bộ của Hà Nội không thể thấp hơn các tỉnh thành khác trên cả nước, vậy thành phố có chương trình, kế hoạch thế nào trong đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức và có chỉ số đánh giá về cán bộ, công chức.

Chất vấn về việc qua giám sát của HĐND thành phố, một số chỉ số điểm thành phần CCHC bị tụt so với các năm trước, đại biểu Đoàn Việt Cường (H.Đông Anh) đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là nguyên nhân chủ quan để cải thiện vị trí xếp hạng của Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Chí Lực (Q.Ba Đình) cũng cho rằng vẫn còn tình trạng công chức có biểu hiện phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ. Sau khi Chỉ thị 24-CT/TU được ban hành, qua thanh tra, kiểm tra, thành phố đã phát hiện, phân loại vi phạm theo 25 biểu hiện vi phạm đã chỉ ra chưa và kết quả xử lý vi phạm thế nào?

hmh-2.jpg
Đại biểu HĐND thành phố Phạm Đình Đoàn (H.Mê Linh) phát biểu

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết những năm gần đây, kết quả công tác CCHC của Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, được trung ương đánh giá cao. Tuy nhiên, thứ hạng PAPI, một số chỉ số thành phần còn thấp, nguyên nhân chủ yếu thuộc về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì.

“Phần lớn chỉ số PAPI liên quan chặt chẽ với dân sinh, thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của xã, phường, thị trấn. Do đó, thời gian tới, đề nghị thành phố, các sở ban ngành tập trung quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở và gắn trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc của UBND cấp phường, xã để các địa phương chủ động hơn trong thực hiện nội dung này”, ông Cảnh lưu ý.

Ông Trần Đình Cảnh cũng cho biết việc chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính có nguyên nhân do khối lượng công việc nhiều, biên chế chưa tương xứng, tình trạng chậm muộn trong giải quyết công việc cũng như một phần do cơ chế chính sách...

canh.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh trả lời chất vấn của các đại biểu

Theo ông Cảnh, để tăng cường, đẩy lùi hạn chế, tiêu cực thì trách nhiệm trước hết thuộc cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là vai trò của người đứng đầu, trong đó, có trách nhiệm của Sở Nội vụ, đơn vị chủ trì việc thanh tra, công vụ.

“Thời gian qua, sở đã thanh tra chuyên ngành và kiểm tra công vụ theo luật, nghị định, có quy trình nghiêm túc, khoa học, không dựa vào biểu hiện mà kết luận sai phạm của cán bộ. Đặc biệt, sở tập trung kiểm tra các cá nhân, tập thể có dấu hiệu vi phạm”, ông Cảnh nói.

Cụ thể, từ khi có Chỉ thị 24-CT/TU đến nay, qua kiểm tra, các cấp đã kỷ luật 73 cán bộ, cho thôi việc 7 cán bộ, cảnh cáo 13 cán bộ và khiển trách 53 cán bộ.

Theo ông Cảnh, 3 nhóm nhiệm vụ, 25 biểu hiện Chỉ thị 24-CT/TU là cơ sở, căn cứ để tập thể cấp ủy, lãnh đạo xem xét, đánh giá cán bộ cơ quan mình; các cán bộ trong hệ thống chính trị tự soi, tự sửa.

Thừa nhận với khoảng 140.000 cán bộ, công chức, ông Cảnh cho hay hằng năm Sở Nội vụ chỉ có thể kiểm tra một số đơn vị điển hình, nên trách nhiệm chính thuộc về thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, do đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị tự kiểm tra, rà soát.

hmh-1.jpeg
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, quan điểm của thành phố là hướng tới không chỉ cuối năm mới đo lường, xác định chỉ số, mà từng chỉ số thành phần nếu đo đếm được sẽ thực hiện theo tuần, tháng, quý… để từng đơn vị, địa phương nhìn thấy mình đang ở đâu, so sánh với các đơn vị để phấn đấu.

Theo đó, thành phố đẩy mạnh rà soát lại toàn bộ thẩm quyền chức năng từng sở ngành, ban hành quy chế, quy trình hệ thống, nhất là quy trình liên thông, giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục...

Ngoài ra, Hà Nội cũng đang đẩy mạnh minh bạch thông qua chuyển đổi số và trách nhiệm giải trình. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Hà Nội trong thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.

“Đẩy mạnh nội dung này có thể ứng dụng CNTT, đẩy sớm hơn việc xây dựng chính quyền số, tạo thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát và cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ”, ông Hải nói.

Về vướng mắc tồn đọng, ông Hải cho rằng có nhiều nguyên nhân như: Cơ chế chính sách ở các thời kỳ khác nhau; sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì với các đơn vị, giữa các đơn vị với nhau, giữa cán bộ trong hệ thống ở cơ quan chủ trì; đặc biệt là kiến thức, năng lực, kỹ năng và ý thức trách nhiệm, thái độ của cán bộ thực hiện là nguyên nhân đóng vai trò quan trọng…

“Rất nhiều người dân cho rằng nếu có thể còn những điểm vướng nhưng tinh thần thái độ phục vụ tốt thì người dân sẵn sàng lắng nghe, ủng hộ”, ông Hải cho hay.

Về CCHC, ông Hải cho biết TP.Hà Nội xác định làm việc theo phương châm 3 nguyên tắc và 7 phấn đấu. Theo đó, 3 nguyên tắc, gồm: Thượng tôn pháp luật, nhưng phải luôn luôn lắng nghe, và thái độ phục vụ tốt.

“Nếu làm việc trên tinh thần và thái độ phục vụ bằng trái tim thì chắc chắn hiệu quả, chất lượng công việc và đặc biệt là niềm tin thì sự hài lòng của người dân với hệ thống sẽ rất tốt”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Bài liên quan
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Nhiều di tích ở Hà Nội mở cửa miễn phí
Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, hàng loạt di tích lịch sử ở Hà Nội thông báo mở cửa miễn phí đón tiếp du khách tới tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trình độ của cán bộ Hà Nội không thấp hơn các tỉnh khác, vì sao một số chỉ số tụt hạng?