Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta.

Trạng thái ‘bình thường mới’ sau dịch COVID-19 là vừa lo kinh tế, vừa chống dịch

06/05/2020, 16:39

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: L.T

Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang chủ trì cùng các bộ ngành xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19.

Cụ thể, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị 3 bước đối với điều hành nền kinh tế. Bước thứ nhất là lúc COVID-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch là chủ yếu, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch gây ra. Khi điều hành nền kinh tế trong trung và dài hạn thì việc giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho phục hồi sau này nhanh và tốt hơn.

Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của dịch COVID-19 giảm đi nhiều như hiện nay thì sẽ phục hồi dần dần các hoạt động kinh tế.

Đối với các mảng thị trường, trước tiên phục hồi trong nước trước; còn đối với thị trường nước ngoài thì hiện nay, mặc dù COVID-19 ở nước ta có khả năng kết thúc sớm nhưng các nước trên thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế. Ở đây, Bộ KH-ĐT xây dựng trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta.

“Chính vì vậy mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế”, ông Phương nói và nêu ví dụ, chính sách đặc biệt trong ngành vận tải hàng không, nếu như có chuyến bay quốc tế nào đó đến Việt Nam thì đây là vấn đề kinh tế, nhưng khi đến Việt Nam thì khách trên chuyến bay đó sẽ phải thực hiện cách ly cũng như kiểm soát dịch bệnh, đó là mục tiêu phòng chống dịch bệnh.

“Như vậy là an toàn cho chúng ta nhưng có hạn chế là không nhộn nhịp và đông khách như trước đây. Thứ hai là các giải pháp phòng chống ở trong nước, các quy định về giãn cách, cách ly cũng ảnh hưởng đến một số ngành, lĩnh vực mà có hoạt động tụ tập đông người hay phải tiếp xúc gần”, ông Phương nêu.

Theo ông Phương, sau này khi tình hình dịch bệnh có sự chuyển biến tốt thì sẽ có những quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm nới dần các quy định về phòng chống dịch, lúc đó các ngành sẽ mở lại hoạt động. Tuy nhiên có một điểm hết sức lưu ý là khâu thị trường, nhất là ngành dịch vụ, du lịch, nếu không có khách thì dẫu mở lại cũng chưa hoạt động được ngay, kéo theo đó là một số ngành khác như vận tải, lưu trú, ăn uống... phụ thuộc hoàn toàn vào khách.

Trạng thái tương lai trong kịch bản của Bộ KH-ĐT xây dựng là khi COVID-19 đã yên ổn trên thế giới. Đối với thế giới hiện nay thì nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất sẽ thành công. Do vậy trong định hướng xây dựng kịch bàn này Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, tất nhiên sẽ đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này.

Ông Phương cho rằng trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó.

Trả lời phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng giai đoạn bình thường mới tới đây sẽ rất khác. Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, mở và dễ bị tổn thương, phụ thuộc nhiều vào những quốc gia đối tác và môi trường quốc tế, đặc biệt là trong thương mại và đầu tư. Vì vậy, viễn cảnh kinh tế thời hậu dịch của Việt Nam cũng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phục hồi kinh tế của các quốc gia này và môi trường kinh doanh của thế giới.

“Thông thường sau những cuộc khủng hoảng, các công ty đa quốc gia hoạt động ở quy mô toàn cầu sẽ có xu hướng thu hẹp lại, co cụm, thậm chí là tiến hành tái cấu trúc nên dễ xảy ra hiện tượng thoái vốn. Nếu điều này diễn ra thì rõ ràng chúng ta không thể quay trở lại trạng thái như trước khi dịch bệnh diễn ra được nữa”, ông Bảo nói.

Theo chuyên gia này, bên cạnh các nguy cơ xảy ra sự đổ vỡ hàng loạt sau khủng hoảng thì đại dịch lần này cũng là một cú sốc tích cực, khi nó đặt chúng ta vào trạng thái buộc phải hoạt động chậm lại và trong một hoàn cảnh khắc nghiệt hơn. Khi đó, các tổ chức và cá nhân sẽ có điều kiện để lắng nghe, nhìn nhận và đánh giá lại các đặc điểm và giá trị truyền thống của tổ chức mình, dám chấp nhận từ bỏ các thói quen và hoạt động không cần thiết để tăng tính hiệu quả và nâng cao giá trị của công ty.

“Nếu điều này diễn ra trên bình diện rộng sẽ tạo ra một tác động lan tỏa và cộng hưởng làm thay đổi cấu trúc của cả nền kinh tế, chuyển chúng ta sang một trạng thái bình thường mới, tốt hơn trước đây. Đó là những điều chúng ta nên nghĩ tới lúc này để giữ được tinh thần lạc quan mà chiến thắng dịch bệnh và đẩy mạnh phục hồi kinh tế”, ông Bảo cho hay.

Hoài Lam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trạng thái ‘bình thường mới’ sau dịch COVID-19 là vừa lo kinh tế, vừa chống dịch