Dưới sự bảo trợ của vua Chiêm, các toán quân nhỏ người Chiêm Thành bắt đầu thực hiện các vụ cướp bóc, bắt cóc người vùng biên giới. Những sự việc này bị triều đình Đại Việt phát giác, khiến vua Jaya Sinhavarman IV bị xem như kẻ phản trắc trong mắt vua tôi nhà Trần.

Trần Anh Tông chinh phạt phương nam, vua Chiêm Thành đầu hàng

21/05/2018, 06:56

Dưới sự bảo trợ của vua Chiêm, các toán quân nhỏ người Chiêm Thành bắt đầu thực hiện các vụ cướp bóc, bắt cóc người vùng biên giới. Những sự việc này bị triều đình Đại Việt phát giác, khiến vua Jaya Sinhavarman IV bị xem như kẻ phản trắc trong mắt vua tôi nhà Trần.

Quân Trần điểm binh

Thời trị vì của vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) là giai đoạn vàng son trong lịch sử Chiêm Thành và cũng là quãng thời gian mà Đại Việt và Chiêm Thành có quan hệ rất thân thiết. Từ đó trở về sau, Việt-Chiêm hiếm có giai đoạn nào thân thiện với nhau được như thế. Năm 1307, vua Jaya Sinhavarman III khi mới kết hôn với công chúa Huyền Trân chừng một năm. Đến năm 1308, Thượng hoàng Trần Nhân Tông nước Đại Việt mất ở Yên Tử. Thời kỳ của những nhà cai trị Việt-Chiêm cùng nhau sát cánh chống Nguyên Mông, những người dày công gây dựng hòa bình đã khép lại.

Khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông còn tại thế, đường lối đối ngoại hòa bình của ngài đã góp phần áp chế những tư tưởng hiếu chiến trong triều đình Đại Việt. Tuy vậy, trong hàng ngũ quan lại Đại Việt và kể cả nhà vua Trần Anh Tông vẫn luôn mong muốn Đại Việt có được vị thế bề trên và tìm cách áp đặt tư tưởng lên nước Chiêm Thành. Đại biểu cho phái “diều hâu” trong triều đình Đại Việt trước tiên phải kể đến là Tri khu mật viện sự Đoàn Nhữ Hài. Ông là người chủ trương có thái độ cứng rắn với Chiêm Thành. Năm 1303, Đoàn Nhữ Hài được giao nhiệm vụ đi sứ nước Chiêm. Trong chuyến đi này, ông đã cố gắng khẳng định vị thế nước bảo hộ của Đại Việt trên phương diện ngoại giao. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép lại về chuyến đi sứ này như sau :

“Trước đây, sứ nước ta tới Chiêm Thành, đều lạy chúa Chiêm trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Đến khi Nhữ Hài tới, liền bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với chúa Chiêm: “Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau”.

Rồi lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Lúc ấy, chúa Chiêm đứng bên cạnh, lạy thế không khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ mà lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà sứ tiết cũng không phải khuất. Hôm sau, Nhữ Hài treo bảng cấm buôn bán ở Tỳ Ni (bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn), tuyên đọc xong, treo bảng lên, lại gọi viên coi cảng đến bảo: “Chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là bến tàu xung yếu, khó giữ gìn. Sứ thần về rồi, cất ngay bảng đi, đừng để mất”.

Ý ông cho rằng Chiêm Thành tuy đã thần phục, nhưng thực ra chưa chịu nội phụ, bảng cấm rốt cục cũng bị bỏ đi, cho nên nói trước như vậy, không để tự họ làm như thế. Sau này, đi sứ Chiêm Thành, không lạy chúa Chiêm là bắt đầu từ Nhữ Hài.”

Sau chuyến đi sứ này, vua Trần Anh Tông càng thêm tin dùng Đoàn Nhữ Hài, phong cho ông chức Tham tri chính sự. Điều này cho thấy rằng vị vua Đại Việt cũng muốn theo đuổi chính sách dùng uy nước lớn để áp chế Chiêm Thành. Hơn nữa, sự kể cả của Đại Việt cũng bắt nguồn từ việc trước đó nhà Trần đã từng cử quân giúp Chiêm Thành chống Nguyên Mông, cũng như từ chối cho Nguyên Mông mượn đường đánh Chiêm. Bấy giờ vua Jaya Sinhavarman III vẫn còn tại thế, dù Chiêm Thành chịu nhún nhường về ngoại giao, nhưng về nội trị họ vẫn giữ được độc lập. Là một nước có dân số ít hơn nhiều lần và phần nào chịu ơn Đại Việt, triều đình Chiêm quốc lúc này chấp nhận vị thế nước nhỏ để duy trì môi trường hòa bình, làm tiền đề cho thương mại phát triển.

Sau khi vua Jaya Sinhavarman III mất, vua kế nhiệm là Jaya Sinhavarman IV tuy vẫn duy trì triều cống nhưng trong lòng lại không phục. Ông nuôi chí đòi lại phần đất hai châu Ô, Lý mà cha mình đã cắt nhượng cho Đại Việt. Vua Chiêm cho người trà trộn vào nhân dân hai châu này để kích động nổi loạn. Dưới sự bảo trợ của vua Chiêm, các toán quân nhỏ người Chiêm Thành bắt đầu thực hiện các vụ cướp bóc, bắt cóc người vùng biên giới. Những sự việc này bị triều đình Đại Việt phát giác, khiến vua Jaya Sinhavarman IV bị xem như kẻ phản trắc trong mắt vua tôi nhà Trần. Nhận thấy rằng khả năng bùng phát xung đột sắp xảy ra, Đoàn Nhữ Hài đã ngầm bày mưu trước để giành sẵn lợi thế. Khi trại chủ Câu Chiêm nước Chiêm Thành đi sứ sang Đại Việt, Đoàn Nhữ Hài bấy giờ giữ chức Tri khu mật viện sự đã tranh thủ bắt liên lạc và mua chuộc người này làm nội ứng cho Đại Việt.

Rốt cuộc đến đầu năm 1312, vua Trần Anh Tông ngự giá thân chinh đi đánh Chiêm Thành sau nhiều toan tính và chuẩn bị. Hoàng thái tử Trần Mạnh được giao chức Giám quốc, cùng với Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật chỉ huy quân tả hữu Thánh Dực ở lại trấn giữ kinh thành, trông coi việc nước. Khi quân đoàn quân viễn chinh đến châu Lâm Bình, vua chia quân làm ba đạo. Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn dẫn quân theo đường núi. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chỉ huy thủy quân đi đường biển. Vua Trần Anh Tông dẫn trung quân theo đường ven biển hành quân bộ vào đất Chiêm Thành, có Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão đi cùng với vua. Đoàn Nhữ Hài được giao chức Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước để lo việc địch vận. Cánh quân của vua Trần Anh Tông tiến nhanh, đến trại Câu Chiêm thì dừng quân lập ngự doanh. Ở trong quân, Minh Hiến vương Trần Uất khi trò chuyện với binh sĩ thì bày trò biện bác, làm ảnh hưởng đến lòng quân. Vua Trần Anh Tông biết chuyện, sai đuổi khỏi doanh trại và lệnh các quân không được thu nhận. Minh Hiến vương phải ngủ ngoài đồng cùng vài gia nô. Phạm Ngũ Lão biết được, bèn mời vào doanh của mình và nói với mọi người: “Thánh thượng vừa quở trách ân chúa và đuổi ra ngoài, lỡ ra bị giặc bắt được, thì chúng nói là bắt được hoàng tử, chứ biết đâu là bị vua quở trách ! Ngũ Lão thà chịu tội trái lệnh, chứ không nỡ làm lợi cho giặc”.

Do đã có giao ước từ trước, trại chủ Câu Chiêm đã không chống trả. Đoàn Nhữ Hài cho người đến truyền tin, yêu cầu người trại chủ ấy dụ hàng vua Chiêm. Người trại chủ vào kinh thành Vijaya báo lại với vua Jaya Sinhavarman IV về việc đó. Lúc này thế lực quân Đại Việt quá vượt trội. Vua Jaya Sinhavarman IV biết khó chống nổi, bèn thuận theo lời dụ và đem gia thuộc đi đường biển đến doanh của vua Trần Anh Tông để đầu hàng. Bấy giờ thủy quân của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư tiến nhanh nên đã gần đến trung châu nước Chiêm Thành. Khi hay tin vua Chiêm đi thuyền ngược lên phía bắc đầu hàng, Khánh Dư bán tín bán nghi nên dẫn quân đuổi theo phía sau. Đoàn Nhữ Hài biết tin liền tức tốc chạy trạm báo tin cho vua Trần Anh Tông rằng: “Khánh Dư có ý chực cướp thiên công [tức cướp công vua] ”. Vua Trần Anh Tông cho rằng Trần Khánh Dư cố tình đuổi đánh kẻ đã đầu hàng nên rất tức giận, sai sứ bắt giám quân của Khánh Dư là Nguyễn Ngỗi đem chặt chân. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư rất sợ hãi, tự mình đến ngự doanh tâu với vua: “Tôi sợ ở biển, chúa Chiêm lại có ý nghĩ gì thay đổi chăng, nên phải theo sát đằng sau.” Vua nghe lời tâu mới nguôi giận.

Trong cuộc hành binh đánh Chiêm Thành lần này, hai cánh quân đi đường ven biển và đường biển luôn tiến nhanh hơn cánh quân đi đường núi do địa hình thuận lợi. Khi vua Chiêm Thành đầu hàng rồi, Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn vẫn đang dẫn quân tìm đến ngự doanh. Vua Trần Anh Tông muốn nhanh chóng xong việc, nên đã không chờ đợi Trần Quốc Chẩn đến hội quân mà sai chia quân đi tuần các xứ để chiêu dụ người Chiêm. Lực lượng quân Đại Việt do đó mà dàn mỏng ra. Lúc ấy mặc dù vua Jaya Sinhavarman IV đã ra hàng, những một bộ phận quân dân Chiêm Thành vẫn muốn tiếp tục chiến đấu. Họ đã tập họp lại, lập kế hoạch đánh úp cánh quân của vua Trần Anh Tông. Một hôm, quân Chiêm Thành với sự yểm hộ của tượng binh tiến đánh thẳng vào ngự doanh của vua Đại Việt. Khi nghe tiếng voi đến gần, quân của nhà vua có phần lo sợ, nao núng. Lúc ấy thì quân của Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn kịp kéo đến hộ giá. Đoàn quân này có nòng cốt là gia binh từ Vạn Kiếp, kế thừa danh tiếng lừng lẫy và binh pháp của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khi xưa. Quân Chiêm nhác thấy cờ hiệu của Huệ Vũ vương đã rất khiếp sợ, bỏ chạy tan tác cả.

Sau trận này, quân Đại Việt coi như đã toàn thắng. Nhưng với tiềm lực đương thời, Đại Việt vẫn chưa đủ sức áp đặt nền đô hộ trực trị lên Chiêm Thành mà không chịu nhiều rủi ro lớn. Vả lại, danh nghĩa xuất quân ban đầu là trừng phạt vua Jaya Sinhavarman IV đã “phản trắc” (chỉ việc nuôi chí đòi đất và cho quân đánh phá biên giới). Vua Đại Việt không thể bất chấp uy tín mà chiếm đóng Chiêm Thành, trong bối cảnh hai nước vừa mới kết thông gia ít lâu. Rốt cuộc, vua Trần Anh Tông quyết định phong cho Chế Đà A Bà Niêm, người em cùng cha khác mẹ của Jaya Sinhavarman IV chức Á hầu. Việc phong tước này mang ý nghĩa khẳng định lại muốn quan hệ nước lớn - chư hầu giữa Đại Việt với Chiêm Thành, trong đó Chiêm quốc đã phải chịu lùi thêm một bước khi mà giờ đây vua của họ chỉ còn mang tước hầu. Nhưng điều tốt lành là vua Việt vẫn để cho vẫn cho Chế Đà A Bà Niêm tự cai quản lấy đất nước. Vị “Á hầu” này dù phải nhận tước của Đại Việt, nhưng thực tế vẫn duy trì được quyền tự chủ về đối nội cho Chiêm Thành. Còn vua Jaya Sinhavarman IV thì bị bắt phải sang sống lưu vong ở Đại Việt. Sau khi về nước, vua Trần Anh Tông phong cho ông là Hiệu Trung vương, rồi đổi thành Hiệu Thuận vương, bị giam lỏng ở cung Gia Lâm đến cuối đời.

Cuộc viễn chinh kết thúc với phần thắng giành cho quân Đại Việt. Nhưng khi đoàn quân chiến thắng của vua Trần Anh Tông trở về bằng đường thủy đã gặp việc không ngờ. Tháng 6.1312 (Âm lịch), khi đoàn chiến thuyền về đến sông Thâm Thị (đoạn sông Hồng gần Hà Nội ngày nay) thì thình lình gặp phải gió lốc mù trời. Thuyền ngự của vua Trần Anh Tông bị đứt quai chèo, dây buộc và chìm giữa dòng nước. Nhà vua cố trèo lên phía mũi thuyền, đưa chân cho các cung nữ, nữ quan bám lấy rồi tất cả cùng trèo lên mui thuyền. Nhờ vậy mà vua Trần Anh Tông thoát nạn và còn cứu được các nữ nhân kề cận. Những thuyền khác thì đều dạt sang bãi cát. Sau khi gió lốc qua đi, vua truyền sửa sang lại nghi trượng mà về. Đến kinh thành, giáp trụ và khí giới của nhà vua đều ướt sũng.

Lần thân chinh đánh Chiêm Thành này của vua Trần Anh Tông tính từ lúc xuất quân đến khi xa giá về kinh mất chừng nửa năm. Tính ra quân Đại Việt chỉ hành quân, chiêu dụ và thị uy mà khiến quân Chiêm Thành tan tác, từ đầu chí cuối không mất một mũi tên. Công đầu thuộc về Đoàn Nhữ Hài, với những kế sách ly gián, mua chuộc nội bộ đối thủ quá cao tay. Kể từ cuộc chiến này trở đi, nước Đại Việt tiến thêm một bước trong việc giữ vững những phần đất mới sáp nhập và có thêm tiền đề cho những đợt “tàm thực” (tằm ăn dâu) tiếp theo để mở mang bờ cõi.

(còn nữa)

Quốc Huy

Bài viết cùng chủ đề:

3 nền văn minh trải dài trên 3 miền nước ta là điều rất đặc biệt

Chuyện một đế quốc ở Nam Bộ biến mất trước khi người Việt đặt chân tới

Người Chăm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Hán

Chuyện nước Lâm Ấp cổ và cuộc chiến chống Hán, Ngô, Tấn...

Quốc gia cổ Hoàn Vương ở miền Trung và quá trình nam chinh, bắc chiến​

Người Việt vừa thoát nạn Bắc thuộc đã phải lo mối họa từ phía nam​

Vua Lý Thái Tông dùng vũ lực, bình định phương nam​

Vua Lý Thánh Tông bắt Chiêm Thành phải trả giá vì tìm cách liên Tống chống Việt

Nhà Tống đi đêm với Chiêm Thành, Chân Lạp hòng thôn tính Đại Việt

Đại Việt ra uy, Tống bại, Chiêm Thành - Chân Lạp quay mũi giáo đánh nhau

Quân Đại Việt thời Lý 5 lần đánh bại Chân Lạp

Chiêm Thành cầu hòa Đại Việt để đại chiến với Chân Lạp

Cầu cứu Đại Việt bất thành, Chiêm Thành bị Chân Lạp thôn tính

Vua Trần Thái Tông và chính sách cứng rắn với Chiêm Thành

Được Đại Việt cổ vũ, Chiêm Thành cứng rắn với Nguyên Mông​

Vua Trần phái 2 vạn quân viện Chiêm kháng Mông

Nhờ Đại Việt đánh bại quân Nguyên, Chiêm Thành hưởng lợi

Vì bờ cõi, công chúa Huyền Trân phải kết hôn với vua Chiêm đã gần 50

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trần Anh Tông chinh phạt phương nam, vua Chiêm Thành đầu hàng