Việc ứng dụng khoa học trong việc minh bạch thông tin trên từng sản phẩm, cụ thể là trái vải đang giúp nông sản Việt Nam ghi điểm trên sân khách, tạo niềm yên tâm cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trái vải Việt Nam gặt hái niềm tin quốc tế ngay giữa dịch COVID-19 nhờ thông tin khoa học, minh bạch

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 16/06/2021, 14:56

Việc ứng dụng khoa học trong việc minh bạch thông tin trên từng sản phẩm, cụ thể là trái vải đang giúp nông sản Việt Nam ghi điểm trên sân khách, tạo niềm yên tâm cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đón đầu xu thế tiêu dùng mới tại Pháp

Thương vụ Việt Nam tại Pháp vừa cho biết, sau 3 ngày lên kệ hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris, lô vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) có gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 lần đầu nhập khẩu vào Pháp đã được tiêu thụ nhanh chóng. Theo đó, doanh nghiệp Pháp đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu so với trước đó để đáp ứng nhu cầu thị trường và sẽ nhập lô thứ 2 ngay trong tuần này. Như vậy, trong 7 ngày, có hai lô hàng gần 1 tấn vải thiều Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Việc ứng dụng khoa học trong việc minh bạch thông tin trên từng sản phẩm, cụ thể là trái vải đang giúp nông sản Việt Nam ghi điểm trên sân khách, tạo niềm yên tâm cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

198733151_1410767689308002_5097465421989418348_n(1).jpg
Trái vải Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Pháp 

Nhiều khách hàng tại hệ thống siêu thị Á Châu đã ngạc nhiên trước hương vị thơm ngon và ngọt dịu đặc trưng của trái vải Việt Nam. Một số khách hàng người Việt cho biết rất cảm động vì từ lâu mới được thấy trái vải thiều Việt Nam được bán chính thức trên kệ tại siêu thị ở Paris và sẵn sàng tiếp tục ủng hộ hàng nông sản Việt Nam. Mặc dù có giá chung của thị trường là 18 euro/hộp 1kg (khoảng 500.000 đồng/kg), nhiều khách hàng đã mua tới 5kg cho cả gia đình và làm quà cho bạn bè người Pháp.

Ngoài ra khách hàng Pháp rất quan tâm tới tem truy xuất nguồn gốc và bất ngờ khi có thể tiếp cận được với lượng thông tin đầy đủ về trái vải, từ quy trình nuôi trồng cho tới lịch sử thu hoạch, đóng gói và các chứng chỉ kiểm tra chất lượng.

Ông Vũ Anh Sơn phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết từ nhiều năm nay Pháp luôn đề cao việc nắm rõ nguồn gốc của thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao sự cam kết và trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối đối với người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó có các sản phẩm thịt đã có những quy định bắt buộc về truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn nhưng đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Pháp chưa có quy định bắt buộc.

"Như vậy, trái vải của Việt Nam đã đi trước, đón đầu xu thế tiêu dùng mới, đó là xu thế tiêu dùng có trách nhiệm. Điều này cũng đồng thời phản ánh hình ảnh về chính sách quản lý xuất khẩu có chiến lược, trách nhiệm và đặt người tiêu dùng làm trọng tâm của Chính phủ Việt Nam", ông Sơn nói.

199664156_1410767662641338_5792923279307300932_n.jpg
Trái vải Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Pháp 

Gần 1 tấn vải thiều đã tới sân bay quốc tế Charles de Gaulle ngày 12.6, là lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu có tem truy xuất nguồn gốc. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) nhận định "điều này có ý nghĩa khai thông thị trường đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định được chất lượng hàng Việt Nam mà còn đồng thời khẳng định nhu cầu của người tiêu dùng tại Pháp đối với những sản phẩm chất lượng của Việt Nam".

Để tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ trái vải Việt Nam tại Pháp, Cục Xúc tiến thương mại, và Thương vụ Việt Nam tại Pháp sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các đầu mối nhập khẩu mới của Pháp, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu vào EU để kết nối nhiều hơn nữa các đơn hàng xuất khẩu nông sản nói chung và trái vải nói riêng của Việt Nam vào Pháp, khai thác tối đa các lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại đối với nhóm ngành nông sản của Việt Nam.

195090762_1405154483202656_2373040843938591755_n.jpg
Trái vải Việt Nam sang thị trường EU thông qua Hiệp định EVFTA

Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng sẽ tổ chức gian hàng quảng bá trái vải Việt Nam tại Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021 được tổ chức ngày 19.6.2021 tới đây tại quảng trường Monge, trung tâm thủ đô Paris. Đây là sự kiện được tổ chức với mục tiêu quảng bá ẩm thực, văn hóa và hình ảnh Việt Nam tới đông đảo người dân địa phương. Sự kiện dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân địa phương khi được tổ chức trong bối cảnh chính phủ Pháp bắt đầu cho phép mở lại các sự kiện ngoài trời. Tại sự kiện này, nhiều người tiêu dùng Pháp sẽ lần đầu tiên được khám phá hương vị thơm ngon của trái vải thiều Thanh Hà (Hải Dương).

Được người tiêu dùng Nhật ưa chuộng

Vải thiều Việt Nam ngày càng được các đối tác nước ngoài biết đến, trong đó có Nhật Bản, nhờ sự nỗ lực từ các địa phương, doanh nghiệp, người trồng vải và sự hỗ trợ mạnh mẽ về công tác xúc tiến thương mại của các cơ quan chức năng.

Để hỗ trợ quả vải Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường Nhật Bản tiềm năng và khó tính, thời gian qua, các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều hình thức quảng bá sản phẩm này tới người tiêu dùng Nhật.

Đại sứ Vũ Hồng Nam tại Nhật Bản chia sẻ Đại sứ quán đã và đang nỗ lực tăng cường triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh và thúc đẩy tiêu thụ quả vải tươi Việt Nam tại thủ đô Tokyo cũng như nhiều địa phương của Nhật Bản. Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan phía Nhật Bản tổ chức các sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị AEON tại Saitama, Kagoshima… nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam, trong đó nổi bật là quả vải.

Bên cạnh đó, một trong những hình thức quảng bá hiệu quả sản phẩm vải Việt Nam là kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp xuất khẩu vải của Việt Nam với nhà thu mua, phân phối các nước, trong đó có Nhật Bản, thông qua một loạt hội nghị giao thương trực tuyến.

vai-aeon-15932232012192109766760.jpg
Vải thiều Việt Nam được bán tại siêu thị ở Nhật Bản

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, thông qua các sự kiện này, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam, các địa phương trồng vải Việt Nam đã giới thiệu tới các khách hàng tiềm năng Nhật Bản những đặc tính nổi trội của quả vải thiều Việt Nam, tính quy mô hàng hóa lớn của các vùng trồng vải, năng lực đáp ứng đa dạng đơn hàng vải thiều của doanh nghiệp Việt Nam.

Kết quả của phương thức tiếp cận này là một số hợp đồng hợp tác bao tiêu, xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản đã được ký kết. Ví dụ một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ đã chốt được đơn hàng xuất khẩu vải thiều cho hai đối tác mới và quan trọng tại Nhật Bản. Dự kiến các lô hàng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản ngay trong ngày 15.6 và vài ngày tới.

Ngoài các lô hàng này, Công ty Rồng Đỏ cũng đã và đang xuất khẩu trái vải thiều cho hệ thống AEON Nhật Bản. Sự kiện tuần hàng từ 25 - 27.6 tới sẽ diễn ra tại 300 điểm cửa hàng của AEON trên toàn nước Nhật cũng tập trung giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo người Việt Nam tại Nhật về trái vải thiều thơm ngon nức tiếng của Việt Nam.

Sự kiện giao thương trực tuyến ngày 2.6 do Cục Xúc tiến thương mại và thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đồng tổ chức đã chắp mối cho các đơn hàng xuất khẩu vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) sang Nhật Bản. Không chỉ thông qua những kênh thương mại trực tiếp, tại thị trường Nhật Bản, các cơ quan quản lý của Việt Nam còn nỗ lực tận dụng kênh ngoại giao để quả vải Việt được nhiều người Nhật biết đến.

Câu chuyện quả vải thiều tươi Việt Nam thường được nhắc tới trong các buổi tiếp xúc với các đối tác Nhật Bản. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trong mùa vải năm ngoái cũng đã mua vải để làm quà cho các đối tác cấp cao quan trọng. Mới đây, lô hàng vải mẫu có tem truy xuất nguồn gốc itrace247 sang Nhật Bản cũng được sử dụng để làm quà tặng của Đại sứ Việt Nam tới các lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các cơ quan xúc tiến liên quan của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến quả vải cũng được phổ biến, chia sẻ rộng rãi trên các trang tin của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, hoặc qua các bài trả lời phỏng vấn một số kênh truyền thông uy tín của Việt Nam và Nhật Bản…

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đánh giá việc tặng sản vật địa phương như quả vải tươi sẽ mang hiệu quả rất lớn đến việc quảng bá mặt hàng này. Nhiều người Nhật tỏ ra rất thích thú với hương vị thơm ngon của quả vải Việt Nam và cho biết sẽ giới thiệu tới bạn bè, đồng nghiệp, người thân để cùng thưởng thức. Hiện nay, quả vải của Việt Nam ngày càng có vị thế vững chắc tại thị trường Nhật Bản.

Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật đón nhận. Nhiều người Nhật đã dành lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam và họ cũng mua tặng gia đình, bạn bè. Số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây cũng giúp cho nhu cầu và hình ảnh của hàng thực phẩm Việt Nam ngày càng được nâng cao tại thị trường Nhật Bản, trong đó có quả vải thiều.

Lô vải thiều tươi 2 tấn của Việt Nam được chuyên chở bằng máy bay sang Nhật Bản mới đây đã được bán hết chỉ trong vòng vài tiếng đầu tiên mở bán. Giá bán khoảng 350.000 - 500.000 đồng/kg. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao, khen quả vải của Việt Nam đạt chất lượng tốt.

Trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết điểm đặc biệt trong việc xuất khẩu trái vải thiều của Việt Nam sang thị trường Pháp, Nhật Bản... năm nay là sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm được xem là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra quả vải thiều mà còn có cơ hội thưởng thức giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng Nhật Bản cũng sẽ hiểu rõ hơn về quá trình quả vải thiều Việt Nam được vun trồng, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển an toàn, đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.

"Hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại cũng đang có những bước đi chiến lược để giúp quả vải thiều Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường EU, Nhật Bản... Phương thức để nâng cao hình ảnh quả vải thiều Việt Nam tại thị trường nước ngoài chính là thông qua các biện pháp tăng cường nhận diện thương hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài", ông Vũ Bá Phú chia sẻ với PV.

Tỉnh Hải Dương hiện có hơn 9.000ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có hơn 3.300ha, Chí Linh có hơn 3.500ha với tổng sản lượng khoảng 55.000 tấn. Tỉnh hiện có 45 vùng vải với tổng diện tích 450ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Tỉnh Bắc Giang có diện tích vải thiều dự kiến đạt khoảng 28.100ha, sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến trên 15.200ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82ha. Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... có diện tích 218ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản là 219ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”
Bài liên quan
Lên kệ siêu thị Singapore, vải thiều có giá 120.000 đồng/kg
Mức giá bán của vài thiều Việt Nam tại Singapore năm nay đã cao hơn năm ngoái, trong tuần đầu đang khuyến mãi ở 105.000/kg và sẽ nâng lên mức khoảng 120.000/kg trong những tuần tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trái vải Việt Nam gặt hái niềm tin quốc tế ngay giữa dịch COVID-19 nhờ thông tin khoa học, minh bạch