Năm 2013, với bộ sưu tập ảnh chụp hơn 1.000 nhà thờ công giáo, nhà báo Bùi Văn Nghiệp (công tác tại Báo Công an TP.HCM), đã phá kỷ lục của chính mình, tiếp tục được hội đồng kỷ lục Việt Nam xác nhận là người chụp ảnh nhiều nhà thờ Công giáo nhất Việt Nam.

Trải nghiệm của 'kỷ lục gia' chụp ảnh nhà thờ Công giáo

DDVN | 23/12/2016, 06:46

Năm 2013, với bộ sưu tập ảnh chụp hơn 1.000 nhà thờ công giáo, nhà báo Bùi Văn Nghiệp (công tác tại Báo Công an TP.HCM), đã phá kỷ lục của chính mình, tiếp tục được hội đồng kỷ lục Việt Nam xác nhận là người chụp ảnh nhiều nhà thờ Công giáo nhất Việt Nam.

Nhân lễ Giáng sinh, DDVN gửi đến bạn đọc đôi dòng “tự sự” của kỷlục gia Bùi Văn Nghiệp xung quanh việc anh đi chụp ảnh nhà thờ Công giáo.

Những khó khăn khi tác nghiệp

“Do yêu cầu công việc và cũng vì thích “lêu lổng” nên tôi đi nhiều, lên rừng, xuống biển, với hành trang không thể thiếu là cái máy ảnh. Mấy năm trước, sau khi “chinh phục” Bắc Cạn, tôi đã chính thức đặt chân đến đủ 63/63 tỉnh, thành phố của cả nước, có nơi đến nhiều lần, nhưng cũng có nơi chỉ một lần. Trong những chuyến đi đó, có đến 3/4 là tôi di chuyển bằng xe máy, chủ yếu là đi một mình, nhưng nhiều lần có sự tham gia của cô con gái nhỏ, cũng thích đi du lịch. Năm 2015, đi Singapore, tôi cũng chụp thêm được ảnh một số nhà thờ. Khoảng một nửa số ảnh nhà thờ được tôi chụp ở dọc đường đi qua, theo kiểu nhìn thấy nhà thờ là ghé vào bấm máy; số còn lại thì chụp theo danh sách, địa chỉ chuẩn bị từ trước giống như một “chuyên đề” vậy.

Bùi Chu - Nam Định

Tuy nhiên, từ danh sách đến thực tại, nhiều khi lại là một khoảng cách không nhỏ, do yếu tố địa lý, hay sự thay đổi “quy hoạch” ở địa phương. Và cũng tùy từng vùng, miền mà tạo nên những nét văn hóa Công giáo rất khác biệt. Ví như ở Hố Nai, Gia Kiệm (Đồng Nai), Kim Sơn (Ninh Bình), hay các huyện ven biển của tỉnh Nam Định, Thái Bình… nhà thờ lại san sát nhau. Trong khi đó, lại có tỉnh nhà thờ rất thưa thớt, thậm chí không có như Sơn La, Điện Biên…

Cái khó nhất của việc chụp ảnh nhà thờ là không có không gian đủ rộng để có được tấm ảnh thật sự hài hòa, đầy đủ mà không bị lệch, bị méo do hiệu ứng ống kính, nhất là những nhà thờ trong đô thị. Đó là chưa kể đến chuyện “mạng nhện” (dây điện, dây cáp các loại) ở mặt tiền nhà thờ. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều khi tôi phải sử dụng ống kính góc siêu rộng, song lại khiến cho tấm ảnh không được chuẩn xác. Ngoài ralà chuyện hướng chiếu sáng bất tiện.

Có nhiều lần tôi phải chụp ảnh nhà thờ trong điều kiện ánh sáng ngược, biết là không hay lắm nhưng không còn cách nào khác. Ngoại trừ một số “vướng mắc” nho nhỏ như thế, việc chụp nhà thờ của tôi, nói chung là thuận tiện hơn khi chụp ảnh đền, chùa. Hình như người Công giáo không khắt khe lắm, coi việc có ai đó chụp ảnh ngôi Thánh đường của họ là bình thường. Thậm chí, có người còn lầm tưởng tôi là “cha xứ”, là “thầy” hay “giáo dân” ở đâu đó, ghé đến chụp nhà thờ của họ làm mẫu để xây dựng nhà thờ. Có gia đình ở Nam Định, thấy đã muộn, còn chủ động mời tôi ở lại nhà họ qua đêm để sáng mai đi chụp tiếp…

Vẻ đẹp độc đáo của các nhà thờ

Kiến trúc của nhà thờ ở Việt Nam thật đa dạng. Đạo Công giáo có gốc từ phương Tâynên nhà thờ xây theo kiểu Tây phương là chuyện bình thường. Song ở nước ta, có những nhà thờ mang đậm nét dáng dấp kiến trúc phương Đông, thậm chí có nhà thờ, với mái cong và họa tiết Rồng, nếu như không nhìn thấy cây Thánh giá, người ta dễ lầm tưởng là đình, chùa. Đó là nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), Du Sinh (Đà Lạt, Lâm Đồng), hay các nhà thờ Phú Xuân, Đa Minh, Thánh Gẫm, Tân Hòa ở TP.HCM… Lại có nhà thờ nhìn giống Thánh đường Hồi giáo, như nhà thờ Phú Lợi ở Bình Dương. Là nơi tập trung ngư dân, nhà thờ Bến Đá ở Vũng Tàu, Đức Bà ở Bình Thuận, có dáng con thuyền đang rẽ sóng ra khơi.

Cam Ly - Đà Lạt

Còn nhà thờ Bảo Lộc thì làm ta liên tưởng đến chiếc bánh chưng, bánh dầy tượng trưng cho quan niệm trời tròn, đất vuông. Trong khi đó, nhà thờ của đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên thường có mái rất dốc, như nhà thờ Tam Bố huyện Di Linh, Klong ở huyện Đức Trọng và đặc biệt là nhà thờ Cam Ly ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Mỗi nhà thờ mỗi vẻ đẹp và đều có giá trị riêng biệt nhưng với việc đã đến tận nơi để chụp ảnh, tôi thấy nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn là… số 1. Hình dáng rất đẹp và tọa lạc tại một vị trí đắc địa của trung tâm thành phố lớn nhất nước, có lượng khách du lịch đông nhất nước… Nhà thờ này chắc chắn được thăm viếng, chiêm ngưỡng và chụp ảnh nhiều nhất trong số hàng vạn nhà thờ Công giáo ở Việt Nam.

Tôi là người ngoại đạo và cũng không phải là nhà nghiên cứu về Công giáo nhưng với việc chụp ảnh nhà thờ Công giáo, tôi đã được ghi tên vào danh sách những kỷlục gia của Việt Nam. Dẫu rằng, mấy chữ “kỷlục gia” không đem lại lợi lộc gì về kinh tế, vật chất nhưng với tôi, đó cũng là sự tự hào, một sự khích lệ về tinh thần. Chỉ có điều, tôi rất muốn làm một cuốn sách ảnh về nhà thờ Công giáo với những bức ảnh do chính tay mình chụp, mà “lực bất tòng tâm”, chỉ vì câu chuyện “đầu tiên”…”.

Bùi Văn Nghiệp / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trải nghiệm của 'kỷ lục gia' chụp ảnh nhà thờ Công giáo