Mang trong mình bản án tử hình, liên tiếp chịu nỗi đau mất đi những người thân yêu nhất, suốt 10 năm qua, cô giáo trẻ dạy văn Nguyễn Thị Hoàn, sinh năm 1978 (trường THPT Mỏ Trạng, Yên Thế, Bắc Giang) vẫn nuốt nước mắt vào trong, vượt lên số phận nghiệt ngã để sống bằng tâm trạng lạc quan và mạnh mẽ, truyền nghị lực cho những người xung quanh.

Trải lòng về cuộc hôn nhân đẫm nước mắt của cô giáo nhiễm HIV

Một Thế Giới | 17/06/2015, 08:58

Mang trong mình bản án tử hình, liên tiếp chịu nỗi đau mất đi những người thân yêu nhất, suốt 10 năm qua, cô giáo trẻ dạy văn Nguyễn Thị Hoàn, sinh năm 1978 (trường THPT Mỏ Trạng, Yên Thế, Bắc Giang) vẫn nuốt nước mắt vào trong, vượt lên số phận nghiệt ngã để sống bằng tâm trạng lạc quan và mạnh mẽ, truyền nghị lực cho những người xung quanh.

Mất 3 người thân vì căn bệnh thế kỷ
"Ai cũng chỉ một hạnh phúc trên dòng đường đời..." đó là câu hát trong một bài nhạc trẻ nào đó. Như thế nào là hạnh phúc? Chẳng có đáp án hoàn thiện cho câu hỏi khó nhất của nhân loại đó. Chỉ biết rằng để đến với hạnh phúc, chúng ta cần được sống, khỏe mạnh và được yêu. Một nửa đáp án vậy thôi đã đủ là tảng đá đè nặng lên cuộc đời những người nhiễm phải căn bệnh HIV. Vậy mà ở một ngôi trường cấp III của tỉnh Bắc Giang, có người phụ nữ trẻ đã dùng nụ cười và nhan sắc rạng ngời để sống cùng với "căn bệnh thế kỷ "này.
Sinh ra và lớn lên ở Cao Thượng (Tần Yên, Bắc Giang), từ nhỏ Hoàn đã tỏ ra rất có năng khiếu với bộ môn Ngữ văn. Niềm đam mê với văn học và giảng đường trong cô cứ ngày một lớn dần. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp cấp III, cô thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội II.
Năm 2000, Hoàn tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu. Không lâu sau đó, cô được phân công giảng dạy tại Trường THPT Mỏ Trạng. Vừa tốt nghiệp đại học, chân ướt chân ráo đặt chân lên vùng núi công tác, cô gặp phải không ít khó khăn. Dù thế, bằng nghị lực kiên cường, nhiệt huyết của tuổi trẻ và cái duyên với bảng đen phấn trắng đã giúp cô vượt qua gian khó ban đầu.
Xinh đẹp, thông minh, duyên dáng, từng ấy điều kiện đủ để cô gái trẻ kiếm tìm cho mình một chỗ dựa vững chắc. Cuối cùng, cái khí chất "vất vả từ bé nên chẳng ngại việc gì, quen tự tay lao động" lại đưa Hoàn đến với quyết định hôn nhân táo bạo. Đó là lấy một người chồng có tiền sử nghiện ma túy. "Nhà cũng không may có em trai mắc nghiện nên tôi đồng cảm. Bố mẹ cho tấm bằng đại học vậy là đủ gây dựng tương lai rồi" Hoàn chia sẻ.
Đã có không ít những tấm gương, từ bỏ lỗi lầm làm lại cuộc đời thành công. Có điều chồng của Hoàn lại không nằm trong số đó. Quá khứ và việc tái nghiện đã khiến anh nhiễm HIV lúc nào không biết. Đau đớn hơn, căn bệnh ấy đã truyền sang cả người vợ và bào thai bé nhỏ. Vừa chào đời, bé được chẩn đoán "hỏng một bên phổi, chỉ cần rút bình oxy là sẽ ra đi" -cô giáo Hoàn kể.
Mất con gái, cô vô cùng đau khổ nhưng vẫn không hề nản chí. Cô tiếp tục khuyên chồng nên đi cai nghiện và dồn toàn tâm toàn ý chăm sóc chồng."Anh ấy đã rất cố gắng, đã nhiều lần tự cai, tự mua dây trói, xích chân để quyết tâm thoát nghiện nhưng rồi không thành. Lúc ấy mình mới biết ma túy kinh khủng như thế nào" cô giáo Hoàn tâm sự. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi em trai cô cũng mang HIV. Để rồi trong quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời người phụ nữ trẻ lần lượt mất đi chồng, con và em trai vì căn bệnh thế kỷ. Cánh cửa hạnh phúc với "bông hoa" đất Bắc Giang tưởng chừng đóng lại từ ngày tháng đó.
Vậy mà cô giáo trẻ ấy vẫn ngày ngày đến trường giảng dạy với nụ cười thường trực trên môi. Nếu không được giới thiệu, chẳng ai biết cô giáo Hoàn đang sống chung vớ HIV. Như các cô cậu học trò của cô giáo chia sẻ: "Cô Hoàn khóc cũng xinh" Cô giáo Hoàn tâm sự Tôi chẳng thể chìm trong đau khổ mãi, nếu vậy không chỉ hại mình mà còn khiến người xung quanh cảm thấy lo lắng, sợ hãi... Tôi không cảm thấy oán trách chồng, chỉ tiếc và thương một kiếp người mà thôi"
"Nước mắt là ngọc, đừng để rơi lãng phí..."
Trải qua nhiều nỗi đau và trở thành góa phụ ở tuổi 25 nhưng cô giáo Hoàn vẫn mạnh mẽ, kiên trì để sống tiếp, làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo. "Thân đàn bà mười hai bến nước, biết bến nào đục, bến nào trong" - chỉ một câu nói thôi mà ám ảnh cả cuộc đời người phụ nữ. Rồi cũng chỉ một nụ cười mà mọi buồn, vui, sướng, khổ chợt như lẽ vô thường. Đó là cách mà cô giáo trẻ (người đã từng lên chương trình Điều ước thứ 7 của VTV) đã lựa chọn để sống cùng HIV trong suốt phần đời còn lại. PV đã có cuộc trò chuyện với cô giáo trẻ đầy nghị lực này.
- So với thời điểm xuất hiện trên chương trình Điều ước thứ 7, ngoài đời, chi trông gầy nhưng trẻ, đẹp và rạng ngời hơn?
Cảm ơn bạn. Người quen của tôi hay đùa:"Sao lúc nào mày cũng cười tươi được thế". Thậm chí, nếu chỉ nhìn qua, mọi người có thể hoài nghi rằng những biến cố cuộc đời của tôi là không có thật. Tôi thì nghĩ đơn giản lắm. Cứ ra khỏi nhà là tôi trang điểm, chú ý tới ăn mặc và giữ cho bản thân phong thái tươi tắn. Nỗi đau của một người nhiễm HIV có thể lớn, nhưng cuộc sống của chúng tôi thì không có gì khác biệt. Như bản thân tôi, vẫn được vui niềm vui của người đứng trên bục giảng, vẫn được cống hiến và yêu thương đó thôi. Vậy nên, tôi an hòa với cuộc sống, để bất cứ ai nhìn vào đều có thể hiểu HIV không phải là căn bệnh đáng kì thị, cần thương hại.Tâm sinh tướng mà bạn.
- Nhưng là phụ nữ, ai cũng mong có một tình yêu trọn vẹn, một gia đình hòa hợp?
Đúng, chính tôi cũng như thế. Khi biết chồng mình bị nhiễm HIV, tôi sốc. Hồi ấy mới đôi mươi, tràn đầy khí thế của một người trẻ. Nhưng khi biết chồng như vậy, tôi cũng đau lắm, tiếc lắm chứ. Nhưng tôi không hận. Có một câu nói mà bản thân tôi rất tâm đắc: "ở đời, sống vì nhau mới khó, chết vì nhau lại dễ vô cùng". Có thời gian, khi anh ấy tái nghiện, tôi đã nộp đơn ly hôn. Mắc cái chứng này, bị lại là nặng lắm.Tôi vừa buồn vừa giận. Bởi hơn ai hết, anh ấy là người chứng kiến nhiều bạn bè trong trại chẳng có ai thăm nuôi tới hàng năm trời. Trong khi anh ấy có gia đình, có tôi ở bên trong suốt những tháng ngày ấy. Suy cho cùng, cũng là dọa anh ấy thôi. Chứ tôi thương và mang ơn người đó rất nhiều. Chữ ơn nghĩa đời này, lấy gì đo đếm, trả vay được.
- Một chữ ơn mà hy sinh cả đời, chị có nghĩ mình dại không?
Chắc cũng có người nghĩ tôi dại khờ đấy. Còn tôi thì không. Từ hồi còn chưa cưới, bố mẹ chồng đã yêu thương tôi như con cái trong nhà. Mà là tình cảm hoàn toàn tự tâm, không toan tính gì đâu. Vì lúc đó tôi còn trẻ lắm, chưa ai nghĩ gì xa xôi cả, tôi và chồng cũng chỉ coi nhau là bạn. Thế mà, đến lúc về làm dâu, từng ấy năm, hiếm có khoảnh khắc tôi cảm giác đang ở nhà người lạ. Chồng tôi cũng chăm sóc, quan tâm đến tôi. Thực ra, để lấy chồng, vậy là đã được ân tình lớn lắm.Tôi tin vào duyên số. Giữa bao nhiêu con người và rất nhiều mối quan hệ xã hội đan xen, tôi và anh ấy lại gặp nhau, lấy nhau. Đã là cái duyên cái số mà dễ dàng buông bỏ thì bạc quá. Mà liệu bạc rồi, có chắc ông trời cho hạnh phúc khác vẹn tròn hơn?
- Chị có nghĩ rằng nhiễm HIV, đồng nghĩa với chữ "Yêu" của một đời người phụ nữ đã khép lại?
Tôi không nghĩ vậy. Chữ"Yêu"nó rộng lớn vô cùng và tôi vẫn luôn được yêu đó chứ. Thời điểm sinh con cũng là lúc tôi biết bản thân chắc chắn bị nhiễm HIV. Rồi con mất, vừa thương con tôi, vừa buồn khi hiểu bản thân sẽ không có ngày được làm mẹ chồng, bà ngoại, bà nội. Nhưng rồi nỗi buồn thu lại, ẩn đi giữa sự quan tâm, chăm sóc của mọi người. Gia đình, bạn bè, làng xóm chưa bao giờ kì thị tôi. Học trò thì đứa cõng, đứa gọi xe lúc cô đau mệt.Trời mùa đông, mấy cậu học trò vốn vô lo vô nghĩ, thế mà biết ngồi co ro chăm cô bên giường bệnh, bảo về mà nhất định không về. Những thứ đó, tiền bạc nào bù lại được.
Còn tình yêu đôi lứa, tôi chưa và không bao giờ nghĩ nó đã khép lại với bản thân. Yêu một mình, nhớ thương người xưa trong im lặng cũng là cái duyên, cái nghĩa mà phụ nữ may mắn có được. Có gì đâu mà phải buồn.Tôi chỉ đến với tình yêu riêng nếu cả hai có đủ sự chín chắn, nghị lực để cùng làm cho nhau tốt lên, hạnh phúc. Còn để trở thành người cuối cùng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng với người ta, tôi không muốn thế bao giờ. Mà đã không là cuối cùng, thì sao mà khép lại, mà kết thúc được.
 - Phải chăng chị đang cố tỏ ra mạnh mẽ để nén tiếng khóc của mình ?
Tôi còn nhớ nhà báo Thu Uyên nói một câu:"Còn được khóc, còn khóc được là còn hạnh phúc". Khi xem chương trình Điều ước thứ 7, tôi thấy học trò và người thân khóc vì mình. Những giọt nước mắt đó quý giá vô cùng. Rồi bản thân tôi cũng cởi được gánh nặng trong lòng lâu nay, đó là lúc bố nuôi của tôi biết hết về cuộc đời của cô con gái mà ông thương yêu hết mực
Tôi giấu ông vì lo ông suỵ nghĩ thành bệnh, ông khóc vì tôi rất nhiều. Nước mắt đàn ông đâu có dễ rơi giữa đời. Vậy nên, với tôi, nước mắt là ngọc, đừng để rơi lãng phí, chỉ rơi khi cuộc đời cần phải thế, rơi để biết cuộc đời này còn đó những xúc cảm, yêu thương. Với khổ đau của người thì nên khóc, nhưng trước khổ đau của mình thì nén đi. Vì khổ có thể khiến bản thân mệt mỏi, đầu gối chùng xuống rồi, sao đỡ được phận mình. Khó khăn, sóng gió là điều tất yếu của đời người.
Không có nước mắt, tôi sợ cuộc sống này nhạt lắm.
Theo Lam An (Người giữ lửa)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trải lòng về cuộc hôn nhân đẫm nước mắt của cô giáo nhiễm HIV