Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.
Huy động nhiều nguồn lực
Ngoài nguồn đầu tư chủ lực từ ngân sách, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã quan tâm tài trợ cho tỉnh việc đầu tư phát triển rừng phòng ngập mặn. Trà Vinh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh trồng rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ môi trường.
Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc khu vực ĐBSCL có tổng diện tích tự nhiên 2.390km2. Tỉnh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp biển Đông với chiều dài bờ biển hơn 65km.
Đến nay, toàn tỉnh có 9.620,48ha rừng ngập mặn ven biển, đứng thứ 6 khu vực ĐBSCL, tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,07%, tăng hơn năm 2016 là 0,77%, trong đó Công ty SK Innovation và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư cho tỉnh trồng được hơn 145ha rừng ngập mặn trên địa bàn các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải…
Địa hình vùng ven biển của tỉnh được hình thành và phát triển bởi dãy rừng ngập mặn rất đa dạng và phong phú, có ý nghĩa rất lớn về môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa - lịch sử, an ninh - quốc phòng. Ngoài ra, rừng ngập mặn của tỉnh còn là nơi cư trú, sinh sản của các loại thủy sản trong tự nhiên.
Ông Nguyễn Vũ Phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết: "Chỉ tiêu kế hoạch trọng tâm được giao trong năm 2024 trồng mới 150ha rừng, bao gồm: rừng phòng hộ 145ha, rừng sản xuất 5ha, chăm sóc rừng 101ha, bảo vệ rừng 9.620,58ha, giao khoán 3.589ha".
Khó khăn trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn
Nhìn chung, vào những tháng đầu năm 2024 triều cường nước biển dâng cao, sóng to, gió lớn làm ảnh hưởng diện tích rừng phòng hộ ven sông và ven biển. Ngoài ra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng đường, phát triển du lịch và các công trình xây dựng khác… cũng làm giảm diện tích rừng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã bị sạt lở 38,35ha rừng ngập mặn. Tình hình sạt lở rừng ngập mặn dự báo sẽ còn tiếp tục do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Địa bàn rộng, diện tích rừng lớn, công tác tổ chức, quản lý, kiểm tra, xử phạt và tổ chức trồng và bảo vệ rừng phức tạp, tuy nhiên, lực lượng chi cục cũng không nhiều chỉ có 37 người. Đây cũng là điều khó về nhân sự và quản lý rừng.
Từ đầu năm, tỉnh xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2024 và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống cháy rừng, cụ thể như khảo sát toàn bộ diện tích rừng phi lao ven biển, xác định diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao. Đầu mùa khô năm 2024, chi cục đã thực hiện tốt trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 trên diện tích 396ha rừng phi lao ven biển, đảm bảo thực hiện chữa cháy rừng kịp thời khi xảy ra cháy; đồng thời phối hợp với các ban ngành liên quan kiểm tra phòng cháy chữa cháy rừng trên diện tích rừng phi lao địa bàn toàn tỉnh.
Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp vẫn còn tiếp diễn, sự vi phạm chủ yếu tập trung vào tình trạng săn bắt và mua bán động vật hoang dã trái pháp luật dưới hình thức nhỏ lẻ. Nguyên nhân là một số người dân hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, không có việc làm ổn định, thiếu hiểu biết về pháp luật đã vi phạm. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và chim yến nói riêng. Tỉnh đã hoàn thành khâu chuẩn bị cây giống cho dự án đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2025 và trồng rừng thay thế của dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) và dự án xây dựng công viên xã Trường Long Hòa.
Mô hình hợp tác trồng rừng
Các tổ chức phi chính phủ cũng có dự án hợp tác với UBND tỉnh Trà Vinh, thông qua Sở NN-PTNT Trà Vinh để tham gia trồng rừng ngập mặn. Tiêu tiểu cho sự hợp tác này là Công ty MangLub Việt Nam.
Ngày 1.7.2023, 21 sinh viên Đại học Nữ sinh Ewha đến từ Hàn Quốc đã trồng 500 cây đước đôi tại nông hộ Nguyễn Văn Ý ở ấp Giồng Ổi, xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đây là lần thứ 2 các sinh viên Trường đại học Nữ sinh Ewha tham gia trồng rừng ở Trà Vinh, kể từ năm 2020. Dù là trường đại học dành cho nữ giới, nhưng Ewha luôn luôn rất năng động trong các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường.
Chuyến trồng rừng trải nghiệm lần này là một phần của chương trình thực địa quốc tế của các bạn sinh viên dài 5 ngày tại Việt Nam. Việc trải nghiệm trồng 500 cây đước đôi này mang lại những cảm nhận thực tế nhất cho các em, từ đó các em có thể hiểu được tại những nơi như tỉnh Trà Vinh, hoạt động môi trường thực sự cần thiết như thế nào.
Giáo sư Min Bae Hyun đã phát biểu trước lúc trồng cây: “Chúng tôi chọn Trà Vinh là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, và như tôi biết, ở Trà Vinh các bạn có nhiều vườn ươm cây rừng ngập mặn, nhiều hoạt động trồng rừng ngập mặn. Chúng tôi đến để hiểu thêm về các bạn”.
Theo ông Nguyễn Vũ Phương, Chi trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT Trà Vinh, năm 2024 Công ty MangLub Việt Nam có kế hoạch trồng 2ha rừng ngập mặn ở duyên hải Trà Vinh.
Ông Hang Sok Kim, Tổng giám đốc Công ty MangLub Việt Nam cho rằng rừng ngập mặn ĐBSCL là lá phổi của thế giới, tuy nhiên thời gian qua vì nhiều nguyên nhân nên diện tích rừng này giảm mạnh. Vì vậy phục hồi rừng ngập mặn vùng ĐBSCL là việc làm khẩn cấp.
Từ suy nghĩ ấy, MangLub Việt Nam đã hợp tác với các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng… để phục hồi rừng ngập mặn ven biển. MangLub Việt Nam mong muốn hợp tác với các tỉnh, ngành nông nghiệp và người dân vùng ĐBSCL để thực hiện có hiệu quả việc khôi phục rừng ngập mặn. Hy vọng trong thời gian tới các tỉnh hợp tác nhiều hơn để khôi phục lá phổi cho ĐBSCL và thế giới.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh Lê Quang Răng cho biết: "Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Bằng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ và sự hợp tác của người dân ven biển nhiều năm qua, hàng ngàn hecta rừng phòng hộ đã được trồng ở Trà Vinh. Đây cũng là điểm sáng trong việc bảo vệ môi trường của Trà Vinh hiện nay và tương lai".