Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có sự sụt giảm mạnh sau quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Nếu Mỹ phản ứng lại căng thẳng thì nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ là có thực. Có thể Mỹ sẽ điều chỉnh tỷ giá sớm hơn dự kiến.

TQ phá giá đồng NDT, nguy cơ của một cuộc chiến tranh tiền tệ?

Một Thế Giới | 13/08/2015, 15:34

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có sự sụt giảm mạnh sau quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Nếu Mỹ phản ứng lại căng thẳng thì nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ là có thực. Có thể Mỹ sẽ điều chỉnh tỷ giá sớm hơn dự kiến.

Vì sao Trung Quốc phải phá giá đồng Nhân dân tệ?
Sự kiện Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ 1,9%, 1,6% và 1,1% trong ba ngày 11-12-13.8 đã khiến thị trường tiền tệ thế giới thực sự rúng động. Theo các chuyên gia kinh tế của Việt Nam, hành động "táo bạo" này của Trung Quốc đều có nguyên nhân sâu xa của nó.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thông thường, một ngân hàng trung ương khi chủ trương phá giá đồng tiền một cách tương đối mạnh đều nhằm mục tiêu quan trọng nhất là lập lại cân bằng kinh tế vĩ mô, trước hết là cân bằng về ngân sách. 
"Khi phá giá đồng tiền thì thường có lợi cho ngân sách, tức có sự chênh lệch nhất định giữa khoản thu ngân sách tính ra đồng nội tệ và tính ra đồng ngoại tệ và chi ngân sách tính ra đồng ngoại tệ", ông Nghĩa phân tích.
Nguyên nhân thứ hai được ông Nghĩa đưa ra là, phá giá đồng tiền cũng làm cho lương thực tế của những người làm công ăn lương giảm đi, như vậy cũng có lợi cho các doanh nghiệp. Đặc biệt những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 
"Thứ ba, họ muốn lập lại cân bằng của cán cân vãng lai dài hạn. Họ dự đoán Trung Quốc có những thay đổi căn bản về mặt cấu trúc nên họ phải tính toán trước. Ngoài ra, họ dự định tái cấu trúc nền kinh tế dựa vào thị trường nội địa, nhưng hướng đó có vẻ thất bại vì thị trường nội địa của họ chưa đủ lớn để hấp thụ được toàn bộ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện nay. Vì thế họ quay lại hướng cũ là dựa vào xuất khẩu, đương nhiên họ phải phá giá NDT để có lợi cho xuất khẩu của họ", ông Nghĩa nói.
Còn theo ông Trương Văn Phước – Phó Chủ Tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT đang nói lên một câu chuyện dài và tương đối rộng lớn của Trung Quốc, đó là Trung Quốc muốn xử lý một lúc nhiều yêu cầu của họ. 
"Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là Trung Quốc muốn đồng NDT trở thành một đồng tiền tự do chuyển đổi, quốc tế hóa đồng NDT và trước mắt Trung Quốc cùng với quỹ tiền tệ IMF hiện đang đàm phán việc đồng NDT có thể tham gia vào quyền rút vốn đặc biệt và là một trong những ngoại tệ cùng đồng đô la Mỹ, đồng bảng Anh, đồng Euro, đồng Yên Nhật trở thanh đồng tiền dự trữ quốc tế", ông Phước phân tích.
Ông Phước cho rằng, Trung Quốc giải thích việc phá giá đồng NDT là để nhằm hỗ trợ xuất khẩu cũng như hỗ trợ tăng trưởng nhưng cá nhân ông Phước nhận thấy, có vẻ như Trung Quốc không đơn thuần chỉ vì mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu xuất khẩu mà họ đang xử lý những vấn đề liên quan vị thế của đồng NDT trong một lộ trình quốc tế hóa đồng tiền cuả mình.
Nguy cơ của một cuộc chiến tranh tiền tệ?
Không thể phủ nhận sự tác động to lớn của việc Trung Quốc phá giá đồng NDT đến thị trường tiền tệ thế giới và nền kinh tế của nhiều nước. Thực tế, ngay sau động thái này của Trung Quốc, các Ngân hàng Trung ương ở châu Á cũng đã phá giá đồng nội tệ nhằm ổn định thị trường và những lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ đã bắt đầu xuất hiện.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có sự sụt giảm mạnh sau quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. 
"Nếu Mỹ phản ứng lại căng thẳng thì nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ là có thực. Có thể Mỹ sẽ điều chỉnh tỷ giá sớm hơn dự kiến", ông Nghĩa nói.
Riêng đối với Việt Nam, ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố phá giá đồng NDT, NHNN Việt Nam cũng tăng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%. Theo lý giải của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Trung Quốc và các nước châu Á là nhóm đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, hơn nữa Việt Nam lại đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc nên việc giảm giá đồng tiền của các nước châu Á sẽ có tác động bất lợi tới tỷ giá và xuất nhập khẩu của Việt Nam. 
"Do vậy, NHNN quyết định nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1%  lên +/-2% để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá, cho hoạt động xuất nhập khẩu trước các tác động bất lợi trên thị trường", bà Hồng nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, nếu như Việt Nam không có động thái liên quan đến tỷ giá thì rõ ràng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất là thiệt, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ thương mại rất lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tổng lượng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15% tổng lượng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Duyên Duyên
Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TQ phá giá đồng NDT, nguy cơ của một cuộc chiến tranh tiền tệ?