Dự kiến Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình sẽ vẫn duyệt tăng chi quân sự trong năm 2015, bất chấp nền kinh tế TQ giảm tốc, theo Reuters.
Đây là cách ông Tập quyết tâm củng cố khả năng chiến đấu của Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) khi Bắc Kinh cáu kỉnh về chuyện Mỹ tái tập trung sự chú ý về châu Á, với chủ trương “xoay trục về châu Á của chính phủ Tổng thống Barack Obama.
Việc ông Tập Cận Bình sẽ vẫn duyệt chi tăng quân sự sẽ được đề cập trong ngày 5.3 tới, khi quốc hội TQ bắt đầu kỳ họp.
Lãnh đạo TQ thường tìm cách bào chữa cho việc hiện đại hóa quân đội, bằng cách kết nối khoản chi quốc phòng với sức tăng trưởng GDP nhanh.
Nhưng tỷ lệ tăng trưởng 7,4 % năm 2014 là mức tăng chậm nhất trong 25 năm qua, và dự kiến năm 2015, mức tăng trưởng chỉ quanh quẩn 7 %.
Các chuyên gia quân sự nói: những yếu tố khác nay vẫn giữ mức chi quốc phòng cao, từ chủ trương “xoay trục về châu Á” về hai mảng quân sự và ngoại giao Mỹ, cho đến việc ông Tập bài trừ tham nhũng trong PLA, vốn làm hàng ngũ sĩ quan “rét run”.
Chuyên gia an ninh Zhang Baohui của đại học Lingnan (Hồng Kông) nói:
“Ông Tập đề cao giấc mộng về một lực lượng vũ trang mạnh trong chiến lược tổng thể để TQ trỗi dậy của ông ấy, có lẽ hơn cả các lãnh đạo TQ khác.”
Vì thế, lính TQ đang tập “ắc -ê”cật lực cho cuộc diễu binh vào tháng 9.2015, khi PLA sẽ có thể khoe nhiều loại vũ khí nội địa mới.
Quân TQ tập luyện chiến đấu |
Các nhà vạch chiến lược quân sự TQ đang phải ray rứt về chuyện Mỹ quay lại châu Á, gồm 60 % tàu chiến Mỹ sẽ tập kết ở châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2020, tăng so với 50 % trước đây.
Tạp chí nghiên cứu của Trường Đảng trung ương (cơ quan đào tạo sĩ quan TQ) gần đây viết bình luận:
“Việc chỉnh sửa chiến lược Mỹ về châu Á-Thái Bình Dương đã gây thêm sức ép khủng khiếp lên vai TQ”.
Tạp chí này nhấn mạnh nỗ lực Mỹ củng cố quan hệ liên minh quân sự với Nhật Bản và Philippines.
Richard Bitzinger, nhà phân tích quân sự ở Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói:
“TQ tăng chi quân sự cao hơn, cùng với việc leo thang những hành xử và tuyên bố hung hăng, chắc chắn sẽ khiến đẩy nhiều nước vào vòng tay ôm của Mỹ”.
Nhiều nước châu Á cũng quyết tăng chi quân sự. Hồi tháng 1, Nhật Bản duyệt mức chi quân sự kỷ lục 42 tỷ USD.
Hải quân TQ tập trận |
Dù lãnh đạo TQ có thể biết rõ những lựa chọn của khu vực, khi TQ tuyên bố mức chi ngân sách lớn cho đạo quân PLA 2,3 triệu quân vào lúc nguồn thu ngân sách đang “nghèo” hơn, các nhà ngoại giao nhận định:
Ông Tập cũng muốn ép giới lãnh đạo PLA cùng binh lính phải cảm nhận được sức nóng từ chiến dịch bài trừ tham nhũng “đả hổ đập ruồi” của ông.
Quân ủy trung ương TQ do ông Tập làm chủ tịch, đã điều tra nhiều ông tướng dính vào các vụ “bán” hàm sĩ quan PLA.
Cuộc bài trừ tham nhũng cũng chĩa vào tập đoàn quân ;pháo binh số 2 (đơn vị kiểm soát số tên lửa hạt nhân của PLA) và hải quân, không quân.
Một nhà ngoại giao phương tây giấu tên, nói: Sẽ không thể có chuyện ông Tập giảm chi quân sự, khi ông đã tạo nhiều kẻ thù trong nội bộ”.
Dù TQ đã có những khoản chi quân sự lớn trong 20 năm qua, một báo cáo gần đây của tổ chức nghiên cứu RAND Corps (Mỹ) nêu:
PLA cực kỳ yếu, nên bị hạn chế khả năng đánh thắng những cuộc chiến trong tương lai.
Báo cáo này do một tiểu ban thuộc quốc hội Mỹ đặt hàng, nói TQ dối mặt với những yếu kém từ trong các cơ chế chỉ huy, chất lượng nhân sự và nạn tham nhũng, cùng những yếu kém trong khả năng chiến đấu, như ở mảng chiến tranh chống ngầm.
Các chuyên gia nói PLA ý thức được chuyện này, sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương và Biển Đông vốn có Mỹ và đồng minh chiếm ưu thế.
Biển Đông cũng là một tuyến đường để TQ nhập khẩu dầu thô.
Một chuyên viên quân sự thuộc tổ chức nghiên cứu cấp chính phủ TQ, đề nghị giấu tên, nói với Reuters:
“Hải quân chúng tôi vẫn còn lạc hậu cực kỳ về khả năng chống ngầm”.
Rory Medcalf, chủ nhiệm khoa an ninh quốc gia ở đại học quốc gia Úc, nói rằng TQ có thể chi thêm tiền để có máy bay không người lái quân sự, cùng máy bay tuần tra biển.
Ông nói: “Các diễn viên ưng thích tăng chi quốc phòng ở TQ có thể nói dễ dàng, rằng TQ đang mở rộng vai trò toàn cầu, để biện hộ cho việc chi đóng tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu sân bay”.
Mai Hà (theo Reuters)