Dễ hiểu, bởi một khi hiệp định tự do thương mại (FTA) kiểu mới này được chính thức ký kết (dự kiến vào đầu năm sau), được Quốc hội các quốc gia thành viên phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực thì sẽ tạo ra tác động cực kỳ lớn đến kinh tế của các quốc gia thành viên cũng như nền kinh tế toàn cầu. Tác động này, thực ra đến nay chưa ai lường hết được.
Ở Việt Nam, chẳng cần đợi tới lúc đó, từ nhiều tháng qua các chuyên gia kinh tế, các nhà doanh nghiệp, những người dân bình thường có chút quan tâm đến nền kinh tế và vận mệnh đất nước đã luận bàn nhiều về những lợi ích mà Việt Nam sẽ nhận được cũng như những thách thức, bất lợi mà Việt Nam sẽ phải xử lý, khắc phục để nền kinh tế thu được kết quả tốt nhất từ TPP, vượt qua khó khăn hiện tại và tiến lên nấc thang phát triển mới.
|
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trước và sau khi gia nhập TPP từ 2012-2030 (tỉ USD) |
Trong bầu không khí chờ đợi TPP, có thể cảm nhận được bên cạnh sự lạc quan, tin tưởng, cũng có không ít âu lo. Lo là lo cho những ngành kinh tế như nông nghiệp, chăn nuôi sẽ phải đối mặt với sản phẩm nông nghiệp từ những cường quốc nông nghiệp như Mỹ, Úc, New Zealand, Chile, Canada tràn vào; lo cho doanh nghiệp Việt Nam vốn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực tài chính hạn chế, kỹ năng quản trị mỏng sẽ nhanh chóng bị nuốt chửng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trong một thị trường gần như mở toang; lo cho chất lượng nguồn nhân lực Việt yếu kém...
Ngay cả ngành dệt may Việt Nam vốn được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP so với các nước khác, cũng không thiếu cái để lo ngại khi ngành công nghiệp phụ trợ, ngành nguyên phụ liệu cho dệt may từ bao nhiêu năm qua vẫn èo uột không phát triển nổi, trong khi sắp tới sẽ phải đối mặt với quy định của TPP về tỉ lệ xuất xứ nội khối của nguyên phụ liệu (từ sợi trở đi - yarn forward). Bởi ngành dệt may Việt Nam lâu nay vẫn chủ yếu nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và vài nước khác ngoài TPP.
Cách đây gần một năm, vào ngày 30/12/2014, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần kiên định, nhất quán thực hiện nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015.
|
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ trước và sau khi gia nhập TPP 2020 (tỉ USD) |
Các bộ, ngành, địa phương phải coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015 - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Ấy vậy mà vào những ngày gần cuối năm 2015 này, khi tin tức về TPP đang nóng lên, khi mọi người đang lo cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP, người ta lại đọc được trên báo Tuổi Trẻ những cái tít đáng giật mình về nhiệm vụ được coi là trọng tâm và phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong năm nay: - “Chuyện lạ sửa giấy phép: 3 tháng, 11 lần bổ sung...”: Chuyện có thật tại Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM: chỉ làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật mà một doanh nghiệp đã mất hơn 3 tháng, 11 lần bổ sung hồ sơ nhưng vẫn chưa có giấy phép hợp lệ khiến hoạt động của công ty bị đình trệ. Mặc dù có thể làm thủ tục qua mạng nhưng cán bộ giải quyết hồ sơ lại yêu cầu đại diện công ty đến gặp trực tiếp (offline) mới xong. - “Phải “offline” mới xong”: Xu hướng chung của thế giới và trong nước là hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ làm thủ tục với doanh nghiệp, người dân, thông qua việc tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ thông tin. Từ đó mới có các chương trình đăng ký kinh doanh qua mạng, đăng ký nộp thuế qua mạng, thủ tục hải quan điện tử...
Vậy mà cán bộ giải quyết hồ sơ tại Sở KH-ĐT TP.HCM, đơn vị luôn tự hào đi đầu áp dụng công nghệ thông tin trong việc phục vụ doanh nghiệp lại đòi doanh nghiệp phải đến gặp trực tiếp mới có thể xong thủ tục. Mục đích để làm gì, hẳn không khó đoán ra. - “Đòi 15 ngàn USD mới có giấy phép”: Đại diện một nhà đầu tư Đài Loan cho biết khoảng trung tuần tháng 7/2015 ông đến Sở KH-ĐT TP.HCM để tìm hiểu về các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Nhà đầu tư này muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam và hi vọng các thủ tục sẽ được giải quyết nhanh chóng để công ty của ông sớm bước vào kinh doanh. Thế nhưng... ông đã bị một cán bộ tiếp nhận hồ sơ gợi ý phải chi 15 ngàn đôla Mỹ mới có giấy phép đầu tư. Còn có thể kể ra rất nhiều ví dụ về những hành vi mà những cán bộ “hành là chính” ấy.
Trong bối cảnh bình thường đã không thể chấp nhận những hành vi, những cán bộ biến chất ấy, huống hồ là trong bối cảnh doanh nghiệp hầu như sức tàn lực kiệt sau mấy năm đối phó với bất ổn vĩ mô và nay lại đang phải chuẩn bị bước vào sân chơi lớn cạnh tranh khốc liệt hơn thì những hành vi nhũng nhiễu thay vì góp tay giúp doanh nghiệp mạnh lên, không thể gọi là gì khác ngoài “đâm sau lưng... doanh nghiệp”.
Doanh nghiệp Việt Nam, như những chiến sĩ, đang chuẩn bị bước vào sân chơi TPP đầy khốc liệt. Và những hành vi “đâm sau lưng doanh nghiệp” ấy chẳng khác nào hành vi đâm vào nền kinh tế nước nhà, những hành vi phản-TPP. Làm sao có thể chấp nhận tồn tại mãi những hành vi, những cán bộ kiểu như vậy trong bộ máy nhà nước?
Đoàn Khắc Xuyên