Chỉ vì muốn biết sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, hoặc khỏi bệnh COVID-19 đã có kháng thể SARS-CoV-2 chưa, nhiều người đã đổ xô đi xét nghiệm kháng thể, gây lãng phí không đáng có.
Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn TP không được sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể tạo tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Theo Sở Y tế, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn 8114 về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, xét nghiệm huyết thanh phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm vi rút và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh COVID-19, mà chủ yếu phục vụ nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.
Việc xét nghiệm kháng thể nhằm mục đích trên chứ không phải xét nghiệm để phục vụ cho việc người dân muốn biết mình đã có kháng thể SARS-CoV-2 chưa sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Do đó, nhằm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng chống dịch, Sở Y tế đề nghị các đơn vị không sử dụng xét nghiệm kháng thể COVID-19 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực xét nghiệm xây dựng nội dung truyền thông cho người dân về lợi ích và giá trị của phương pháp chẩn đoán xét nghiệm, chủ động đăng tải trên trang thông tin điện tử của trung tâm trước ngày 10.10.2021.
Trong những ngày qua, nhiều người mắc COVID-19 nhưng nhanh chóng tự khỏi hoặc đã điều trị khỏi đang nghi ngờ về việc bản thân liệu có mắc COVID-19 hay không nên đã đi xét nghiệm kháng thể để nắm chắc thông tin. Một số người đã biết chắc chắn bị mắc COVID-19, được điều trị khỏi bệnh cũng đi xét nghiệm kháng thể để biết lượng kháng thể có đủ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh trở lại. Một số người đã tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cũng muốn đi xét nghiệm để xem kháng thể trong người cao hay thấp nhằm chuẩn bị tâm lý tiêm ngừa mũi thứ 3.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, đây là việc làm không cần thiết, gây tốn kém và lãng phí. “Trước đây, để xác định nhiều trường hợp F0 chưa được quản lý để cấp thẻ xanh COVID-19, phương pháp xét nghiệm kháng thể đã được đề cập tới. Tuy nhiên, đến nay phương án này là không cần thiết”, bác sĩ Khanh khẳng định.