UBND TP.HCM đã đồng ý dùng quỹ đất đổi dự án xây hồ điều tiết chống ngập theo hợp đồng BT.

TP.HCM: Xây hồ chống ngập 95 ha tại Gò Dưa-Thủ Đức

Một Thế Giới | 01/12/2015, 12:19

UBND TP.HCM đã đồng ý dùng quỹ đất đổi dự án xây hồ điều tiết chống ngập theo hợp đồng BT.

Tư nhân được làm dự án chống ngập

Thông tin từ UBND TP.HCM cho hay, TP đã đồng ý giao cho nhà đầu tư là một công ty tư nhân nghiên cứu lập đề xuất thực hiện dự án xây dựng hồ điều tiết Gò Dưa tại quận Thủ Đức. Dự án hồ điều tiết sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP, thông qua hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và thanh toán 100% bằng quỹ đất.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng trong chọn lựa nhà đầu tư, UBND TP yêu cầu thực hiện theo cơ chế không ràng buộc phải chỉ định để thực hiện dự án mà các nhà đầu tư khác vẫn được quyền tham gia.

Được biết, trước đây TP.HCM đã đề xuất với Chính phủ là trong giai đoạn 2016 - 2020, TP phải thực hiện xong ba hồ điều tiết chống ngập, gồm: hồ điều tiết Gò Dưa, hồ điều tiết Khánh Hội (diện tích 4,8 ha, tại quận 4) và hồ Bàu Cát (diện tích 0,4 ha, tại quận Tân Bình) và đã được Chính phủ đồng ý cho phép TP áp dụng các cơ chế đặc thù như áp dụng hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất.

Theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết, ngoài ba hồ điều tiết trên, TP cần phải thực hiện thêm 100 hồ điều tiết lớn nhỏ để chống ngập.

Dự kiến, dự án xây hồ điều tiết Gò Dưa rộng khoảng 95 ha tại quận Thủ Đức, được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo tính toán của Trung tâm Chống ngập, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỉ đồng.
TP.HCM, quy dat, doi du an, xay ho chong ngap, ngap nang
 

Triều cường đạt đỉnh 1,5 m thì 2/3 diện tích của thành phố nằm dưới đỉnh triều.

Theo thông tin báo điện tử Một Thế Giới có được, UBND TP đã từng đồng ý giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) nghiên cứu, lập phương án chống ngập triều cường.
Theo Trung Nam Group đề xuất, TP cần phải xây dựng năm đoạn đê kè ở những vị trí xung yếu từ sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp đến sông Mương Chuối, huyện Nhà Bè với tổng chiều dài khoảng 6,9 km. Bên dưới đê kè gồm 68 cống ngăn triều.
Ngoài ra, trong dự án chống ngập còn xây dựng sáu cống kiểm soát triều lớn ở cửa Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Phú Định. Tổng mức đầu tư của dự án được tính tại thời điểm đó là hơn 9.500 tỉ đồng.

Đổi 3 khu đất lấy dự án chống ngập

Cũng theo thông tin từ UBND TP.HCM, TP sẽ sử dụng ba khu đất dùng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư nằm ở quận 7 và quận 9.

Cụ thể, ba lô đất này gồm lô C8A khu A, thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố, phường Tân Phú, quận 7 với diện tích 5.500 m2; khu đất Trung tâm hạt nhân diện tích 42.000 m2 tại phường Phước Long B, quận 9 và khu đất tại số 232 đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, quận 9 có diện tích 31.414 m2.

Trong báo cáo với HĐND thành phố vào cuối tháng 10 vừa qua, chính quyền thành phố cho biết địa hình của TP.HCM có cao độ trung bình 1 m được bao bọc bởi 3 con sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ với rất nhiều cửa sông rạch nhỏ, gây bất lợi cho việc chống ngập khi có triều cường và lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Chỉ cần triều cường lên ở mức 1,5 m thì 2/3 diện tích của thành phố sẽ nằm dưới đỉnh triều, nhưng trong 10 năm gần đây thống kê thủy văn cho thấy triều cường luôn vượt đỉnh 1,68 m. Chính vì vậy việc chống ngập của thành phố trong thời gian qua vì vậy không hiệu quả. Còn các công trình thoát nước và chống ngập thực hiện tại thành phố hơn 10 năm qua mới chỉ đáp ứng khoảng 10% yêu cầu.

Cho nên trong giai đoạn 2016 - 2020 cần phải đầu tư cải tạo 3.407 km cống thoát nước, xây 100 hồ điều tiết, nạo vét 5.017 km kênh rạch, xây 12 nhà máy xử lý nước thải, làm 10 cống ngăn triều lớn, xây 129 km đê bao bờ hữu và 20 km đê bao bờ tả sông Sài Gòn... Để xây các công trình này cần số vốn ước tính khoảng hơn 68.000 tỉ đồng.

Quang Huy

Bài liên quan
Du lịch TP.HCM thu về hơn 173.500 tỉ đồng trong 11 tháng năm 2024
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu về du lịch TP.HCM tháng 11 và 11 tháng năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Xây hồ chống ngập 95 ha tại Gò Dưa-Thủ Đức