Toàn TP.HCM có 147 phường, xã, thị trấn không đủ trường tiểu học công lập trong năm học 2023-2024.

TP.HCM: Thiếu nghiêm trọng trường tiểu học công lập

Tú Viên | 14/10/2023, 20:38

Toàn TP.HCM có 147 phường, xã, thị trấn không đủ trường tiểu học công lập trong năm học 2023-2024.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định công nhận danh sách địa bàn thiếu trường tiểu học công lập năm học 2023-2024.

Theo đó, toàn TP có 147 phường, xã, thị trấn không đủ trường tiểu học công lập trong năm học 2023-2024. Trong đó, TP.Thủ Đức là địa phương dẫn đầu danh sách với 33 phường: An Lợi Đông, Thủ Thiêm, Cát Lái, An Khánh, An Phú, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Thạnh Mỹ Lợi…

Tiếp theo là quận Tân Bình có 15 phường không đủ trường tiểu học công lập; quận Tân Phú có 11 phường. 2 quận 10 và 12 cùng có 10 phường không đủ trường tiểu học công lập; quận Bình Tân có 9 phường.

tieuhoc01.jpg
Để đạt chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi) vào năm 2025, TP cần hơn 8.000 phòng học mới

Đặc biệt, quận 1 là địa phương ở vị trí trung tâm TP cũng có 4 phường không đủ trường tiểu học công lập, gồm: Cô Giang, Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh và Đa Kao.

Toàn TP có 4 địa phương gồm: quận 3, 5, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ là đáp ứng được nhu cầu trường công với cấp tiểu học.

Căn cứ Nghị quyết 05 do HĐND TP.HCM ban hành, 2 tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường tiểu học công lập tại TP gồm:

Tiêu chí 1: phường, xã, thị trấn không có cơ sở giáo dục tiểu học loại hình công lập và chính quyền phường, xã, thị trấn không bố trí được dân số độ tuổi cấp tiểu học trên địa bàn học tại các cơ sở giáo dục tiểu học loại hình công lập ở các phường, xã, thị trấn lân cận.

Tiêu chí 2: phường, xã, thị trấn có cơ sở giáo dục tiểu học loại hình công lập nhưng không đáp ứng được quy mô dân số độ tuổi cấp tiểu học trên địa bàn, định mức học sinh/lớp cấp tiểu học theo quy định. Cụ thể, tỷ lệ dân số độ tuổi cấp tiểu học trên tổng số phòng học văn hóa cấp tiểu học công lập lớn hơn 35 học sinh/lớp (theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 16, Thông tư 28 ban hành năm 2020 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ Trường tiểu học).

Trong đó, dân số độ tuổi cấp tiểu học được tính đối với trẻ từ 6 đến 11 tuổi. Việc xác định các địa phương không đủ trường tiểu học công lập là căn cứ quan trọng để đề xuất các chế độ hỗ trợ học phí cho học sinh.

Năm học 2023-2024, TP.HCM có hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non, tăng hơn 35.000 so với năm trước. Tại hội nghị đánh giá các chương trình, đề án đổi mới giáo dục hồi tháng 8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT nói hàng năm thành phố có thêm 10.000-15.000 học sinh mỗi độ tuổi, nhiều trường học quá tải. Do đó, 22 quận, huyện cần tham mưu cho UBND dành đất xây trường học.

Theo Luật Giáo dục, học sinh tiểu học được miễn học phí ở trường công lập. Nếu địa bàn không đủ trường công, học sinh theo học ở các cơ sở giáo dục tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do hội đồng nhân dân địa phương quyết định.

Tuy nhiên, hiện TP.HCM chưa có quy định cụ thể về việc này. Việc xác định địa bàn không đủ trường tiểu học công lập sẽ là căn cứ để thành phố xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ học phí.

Bài liên quan
TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng, đã có 1 trường hợp tử vong
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM gia tăng và đã có 1 trường hợp tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Thiếu nghiêm trọng trường tiểu học công lập