Theo kết quả rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, từ ngày 1.7.2018 đến ngày 30.6.2019, TP.HCM thực hiện 134 cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội. Tổng số sai phạm về kinh tế phải thu là 852,340 tỉ đồng, sai phạm về đất phải thu là 163,8m2, xử lý khác về kinh tế là 320 tỉ đồng.

TP.HCM phải thu hồi hơn 850 tỉ đồng sai phạm từ kinh tế

Phan Thị Diệu | 27/11/2019, 21:34

Theo kết quả rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, từ ngày 1.7.2018 đến ngày 30.6.2019, TP.HCM thực hiện 134 cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội. Tổng số sai phạm về kinh tế phải thu là 852,340 tỉ đồng, sai phạm về đất phải thu là 163,8m2, xử lý khác về kinh tế là 320 tỉ đồng.

Cụ thể, đó là sai phạm ở việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC); sai phạm tại Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận; thanh tra về chín dự án phát triển mạng lưới của Công ty Cổ phần cấp nước Trung An (Tổng Công ty nước Sài Gòn); sai phạm về thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng ở Sở Lao động – Thương binh – Xã hội…

Thành phố cũng đã xử lý hành chính 195 tập thể và 579 cá nhân; trong đó 24 khiển trách, 2 cảnh cáo, 1 hạ bậc lương, 1 cách chức, 551 nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Đồng thời, chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 1 vụ không khởi tố.

UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian trên thành phố cũng có 4 cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội do Thanh tra Chính phủ thực hiện chưa xử lý dứt điểm các kiến nghị xử lý sai phạm về kinh tế, tham nhũng. Trong đó sai phạm về kinh tế là hơn 28.000 tỉ đồng.

Có 21 tập thể và 38 cá nhân sai phạm, đã xử lý kỷ luật với hình thức cách chức đối với một cá nhân và thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 13 tổ chức và 37 cá nhân.

Đồng thời, thành phố còn 28 nội dung kiến nghị chưa thực hiện dứt điểm. Đơn cử như việc xử lý 62 căn biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn; rà soát xử lý 993 hồ sơ thuê đất chưa ký hợp đồng thuê; 807 hồ sơ thuê đất chưa xác định đơn giá thuê đất theo quy định; dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp thương mại dịch vụ căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1)…

UBND TP.HCM cho rằng, các nội dung này còn một số vấn đề như khối lượng công việc kiểm tra, rà soát khá lớn nên cần có thời gian thu thập hồ sơ, xác minh, đối chiếu quy định pháp luật.

Đối với hai kết luận về thanh tra dự án Thảo cầm viên mới Sài Gòn Safari và công tác quản lý nhà nước, thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM cho biết phải tổ chức thực hiện 16 nội dung. Hiện tại, TP.HCM đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện.

Theo UBND TP.HCM, qua công tác thanh tra đã góp phần tích cực trong tham mưu lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, công tác thanh tra vẫn còn lúng túng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm được chuyển cơ quan điều tra. Một số trường hợp qua thanh tra phát hiện sai phạm và đề xuất xử lý khắc phục, xử lý thu hồi tiền, tài sản nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng bỏ lọt, bỏ sót hành vi phạm tội, từ đó xác định trách nhiệm đối với đoàn thanh tra, dẫn đến gây áp lực cho hoạt động thanh tra.

Mặt khác, vẫn còn tình trạng các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành kiến nghị, yêu cầu sau thanh tra nhưng chậm thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ và viện dẫn nhiều lý do khách quan cho việc thực hiện chậm trễ hoặc không báo cáo đầy đủ việc thực hiện. Trong khi đó, hiện nay chưa có quy định, chế tài xử lý việc chậm thực hiện kết luận thanh tra. Một số kết luận thanh tra có những nội dung kiến nghị chưa rõ hoặc khó có thể thực hiện.

Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, tạo cơ sở pháp lý nền tảng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức theo hướng kéo dài thời hiệu xử lý tương tự như quy định xử lý kỷ luật về mặt đảng.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM phải thu hồi hơn 850 tỉ đồng sai phạm từ kinh tế