Theo yêu cầu, nhà tài trợ phía Trung Quốc sẽ gửi cho TP.HCM danh sách công dân Trung Quốc và thành phố sẽ tổ chức tiêm cho nhóm này.
Sáng 17.7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức họp với 21 quận, huyện và TP Thủ Đức về kế hoạch tiêm vắc xin đợt 5 của TP.HCM.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh nguyên tắc tiêm lần này phải đảm bảo không tạo ra ùn ứ, không tụ tập đông người; đảm bảo an toàn cho người tiêm và có năng suất cao nhưng không vội, làm hiệu quả nhất có thể nhưng không gây áp lực về tiến độ.
Ông Đức lưu ý việc tổ chức tiêm căn cứ trên địa chỉ hiện tại của người dân, không phải địa chỉ thường trú trên hộ khẩu. Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho biết trong số 1,2 triệu người đã đăng ký tiêm, có 200.000 người có địa chỉ ngoại tỉnh. Ông yêu cầu tổ chức để người dân ở địa phương nào tiêm ở địa phương đó, không để xảy ra tình trạng "người từ đầu này thành phố đi đầu kia thành phố để tiêm vắc xin".
Về vắc xin phục vụ cho đợt tiêm này, ông Đức cho biết thành phố đã được phân bổ khoảng 930.000 liều vắc xin AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Ngoài ra, mới đây, thành phố nhận thêm một lượng rất ít vắc xin Sinopharm.
Theo yêu cầu, nhà tài trợ phía Trung Quốc sẽ gửi cho TP.HCM danh sách công dân Trung Quốc và thành phố sẽ tổ chức tiêm cho nhóm này. Sau khi hoàn thành với công dân Trung Quốc, thành phố mới sử dụng vắc xin này tiêm cho các nhóm khác.
Ngày 23.6, 500.000 liều vắc xin Sinopharm do Trung Quốc tặng được Bộ Y tế phân bổ 9 tỉnh phía Bắc, gồm Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu và Hà Giang. Trong đó Quảng Ninh nhận nhiều nhất với 230.000 liều, tiếp theo là Lạng Sơn 121.000 liều, Thái Bình 1.400 liều.
Nhóm được tiêm vắc xin Sinopharm là người dân sống ở các xã giáp biên giới Trung Quốc, người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc, công dân Trung Quốc sống và làm việc trên địa bàn.
Việt Nam phê duyệt có điều kiện vắc xin COVID-19 Vero Cell, Inactivated, của Sinopharm hôm 4.6. Vắc xin này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và được Chương trình COVAX mua để giúp các nước tiếp cận công bằng với vắc xin.
Hiện hơn 450 triệu liều vắc xin Vero Cell đã được sản xuất, cung cấp đến 70 quốc gia. Trong đó 100 triệu liều phân phối thông qua hình thức viện trợ chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp.