Tại Hội nghị gặp gỡ với các cơ quan báo chí thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh điện quý 2/2019, chiều 19.7, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết EVN HCMC đã mua hơn 3 tỉ đồng tiền điện mặt trời từ các hộ dân.

TP.HCM muốn thúc đẩy việc sản xuất điện từ mái nhà dân

Anh Tú | 20/07/2019, 09:13

Tại Hội nghị gặp gỡ với các cơ quan báo chí thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh điện quý 2/2019, chiều 19.7, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết EVN HCMC đã mua hơn 3 tỉ đồng tiền điện mặt trời từ các hộ dân.

Cụ thể, ông ông Phạm Việt Anh, Phó ban Truyền thông EVN HCMC cho biết đã có 3.138 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất đạt 37,61 MWp. Trong số này, có 2.818 khách hàng đã nối lưới và đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện. Tổng số tiền ngành điện đã thanh toán cho khách hàng là 3,03 tỉ đồng.

Có thể thấy con số đó rất khiêm tốn so với tiềm năng cũng như công suất của hệ thống. Ông Phạm Quốc Bảo - Tổng giám đốc EVN HCMC cho biết năng lực truyền tải của lưới điện tại TP.HCM lên đến 7.000 - 8.000MW. Trong khi đó, hiện công suất của điện mặt trời trên mái nhà chỉ mới đạt hơn 37MWp. Ông Bảo dự kiến đến cuối năm 2019 lên đến khoảng 80 MWp, chiếm chưa đến 2% công suất của hệ thống.

EVN HCMC đánh giá điện mặt trời tại TP.HCM được khí hậu ưu đãi. Theo số liệu của chương trình năng lượng xanh TP.HCM được EVN HCMC dẫn, địa bàn thành phố có lượng bức xạ lớn, trung bình 1.581 kWh/m2/năm cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày vào tháng 2 và thấp nhất là 3,3 kWh/m2/ngày vào tháng 7. Số giờ nắng trong tháng dao động từ 100-300 giờ (tháng mùa khô là 300 giờ còn tháng mùa mưa là khoảng 150 giờ) liên tục chứ không bị gián đoạn ở miền Bắc.

Dự kiến giá điện mặt trời áp mái ngành điện mua lại của các hộ dân vẫn tiếp tục được duy trì 9,35 cent/kWh, theo tỷ giá hiện nay là tương đương khoảng 2.150 đồng/kWh.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Về giá mua điện, trước ngày 1.1.2018, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng - GTGT) là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10.4.2017 là 22.316 đồng/USD). Từ ngày 1.1.2018 đến 31.12.2018, giá mua điện (chưa bao gồm thuế GTGT) 2.096 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31.12.2017 là 22.425 đồng/USD). Từ ngày 1.1.2019 đến 31.12.2019, giá mua điện (chưa bao gồm thuế GTGT) 2.134 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31.12.2018 là 22.825 đồng/USD). Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm thuế GTGT) được xác định theo từng năm và được tính bằng tiền Việt Nam tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USDdo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước”.

Anh Tú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM muốn thúc đẩy việc sản xuất điện từ mái nhà dân