Thông tin trên được ThS.BS Trần Bá Tòng – Khoa Ngoại, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết tại hội nghị “Chăm sóc da cho người cao tuổi” vào hôm nay (24.9).
Theo bác sĩ Tòng, ung thư da là ung thư thường gặp nhất ở người lớn tuổi với số lượng bằng tất cả các ung thư khác gộp lại. Nguyên nhân chính gây ung thư da là tiếp xúc với tia cực tím (tia UV) trong ánh nắng mặt trời.
Mỗi năm tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM có gần 3.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ung thư da, trong đó người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm hơn 90%.
“Hiện nay có 3 loại ung thư da thường gặp nhất ở người lớn tuổi là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai và ung thư tế bào hắc tố (melanoma). Trong đó, 90% ung thư tế bào đáy và ung thư tế bào gai gặp ở vùng da đầu mặt, cổ, là vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tuy đây là 2 loại ung thư da thường gặp nhất nhưng có diễn tiến đương đối lành tính, ít tiến triển tới di căn hoặc gây tử vong”, bác sĩ Tòng chia sẻ.
Theo bác sĩ Tòng, ung thư da nếu phát hiện sớm có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật cắt rộng, đồng thời ít để lại những ảnh hưởng về mặt chức năng, thẩm mỹ về sau. Mặc dù nằm ở vùng da dễ quan sát, nhưng phần lớn các trường hợp ung thư da đến khám đều ở giai đoạn trễ, khi ung thư da đã phát triển to, gây khó khăn điều trị.
“Việc chẩn đoán chậm trễ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do phần lớn ung thư da diễn tiến chậm, không kèm triệu chứng đau nhức nên bệnh nhân không phát hiện, hoặc do bệnh nhân chủ quan, nghĩ đây là những u lành tính thường gặp ở người già như: dày sừng tiết bã, đốm nâu, nốt ruồi…nên không đi thăm khám”, bác sĩ Tòng nói.
Theo bác sĩ Tòng, khác với ung thư tế bào đáy và ung thư tế bào gai, ung thư tế bào hắc tố dù ít gặp nhưng có tiên lượng xấu nhất, có khả năng di căn, gây tử vong. Không giống như ở người da trắng, khi đa phần melanoma gặp ở vùng da phơi bày ánh sáng do ảnh hưởng của tia UV, melanoma ở người châu Á thường gặp ở vị trí đầu chi, đặc biệt là vùng da lòng bàn chân. Do bệnh diễn tiến mạn tính, không gây đau đớn, có màu đen giống nốt ruồi, lại gặp ở vùng da khó tự quan sát nên bệnh nhân thường đến khám trễ khi bệnh đã diễn tiến qua nhiều năm, tiến triển đến loét và có khả năng di căn.
Do đó việc chẩn đoán, giáo dục nâng cao kiến thức của người dân về việc tự phát hiện sang thương nghi ngờ ung thư da là một việc rất quan trọng trong quản lý và điều trị ung thư da.
Để phòng tránh ung thư da và có một làn da khỏe mạnh, bác sĩ Tòng khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng 10 sáng đến 3 giờ chiều; sử dụng kem chống nắng thường xuyên; che chắn làn da khi ra ngoài trời nắng… Đặc biệt, người dân nên kiểm tra làn da thường xuyên khi thấy có các dấu hiệu như: có nốt ruồi bị đau, xuất huyết, thay đổi kích thước nhanh chóng, xuất hiện vùng da bất thường, biến đổi màu sắc… cần tới ngay cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám. Có thể chữa khỏi ung thư da nếu phát hiện và điều trị sớm.