Trên địa bàn khu trung tâm TP.HCM hiện có 35 dự án chậm triển khai thực hiện. Thành phố này cũng còn trống 4.412 căn hộ và 2.211 nền đất tái định cư. Việc này vừa gây lãng phí, vừa thiệt hại cho TP.HCM.
Thông tinnày được đưa ra tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM với Sở Xây dựng về việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước diễn ra chiều 8.9.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết, hiện nay TP.HCM vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai và nhà tái định cư chưa sử dụng. Cụ thể, thực hiện nghị quyết của HĐND TP.HCM về công tác quản lý quy hoạch đô thị, giải quyết các dự án chậm triển khai trên và nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất, trọng tâm là tài nguyên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Đến nay, qua rà soát thì trên địa bàn khu trung tâm TP.HCM đang có 35 dự án chậm triển khai thực hiện.
Với nhà thuộc sở hữu nhà nước và quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước đang được giao quản lý, giữ hộ, ông Khiết cũng cho biết đến ngày 30.3, TP.HCM vẫn còn đang quản lý 9.267 căn.
Đối với quỹ nhà tái định cư, lũy kế đến 31.12.2019 nguồn nhà ở, đất ở phục vụ tái định thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM có 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất chưa sử dụng tại 163 dự án. Trong đó, 5.022 căn hộ và 43 nền đất UBND TP.HCM đã có chủ trương bán đấu giá.
Như vậy, hiện TP.HCM còn trống 4.412 căn hộ và 2.211 nền đất, trong đóquận, huyện giữ 2.576 căn hộ và 1.079 nền đất. Do vậy trên thực tế, hiện thành phố chỉ để trống 1.836 căn hộ và 1.132 nền đất dự phòng.
Về nhà ở xã hội, TP.HCM có 569 căn hộ thuộc 6 chung cư gồm: Đông Hưng 2 (quận 12), 339/34A đường Tô Hiến Thành (quận 10), chung cư 241/1/25C đường Nguyễn Văn Luông (quận 6), số 481 Bến Ba Đình (quận 8), số 19/19 Lạc Long Quân (quận Tân Bình), số 26 Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp).
Đặc biệt, UBND TP.HCM cũng vừa chấp thuận bố trí 252 căn hộ nhà ở xã hội tại chung cư 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân cho các đối tượng đủ điều kiện đăng ký thuê, thuê mua.
Đáng chú ý, chỉ đạo tại buổi giám sát, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phan Thị Thắng đề nghị Sở Xây dựng báo cáo giải pháp quản lývới 9.267 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước. Đối với quỹ nhà tái định cư, Sở Xây dựng phải có đánh giá cụ thể, giải pháp quản lý và bố trí sử dụng hợp lý để tránh lãng phí.
Cơ quan này cũng phải có quỹ dôi dư để bố trí tái định cư cho người dân nhưng phải cân đối số lượng cho hợp lý để tránh lãng phí. Cùng với đó, Sở cần có phương án đề xuất UBND TP.HCM xử lý không để kéo dài tình trạng để trống nhà, đất vì càng kéo dài nhà nước càng lãng phí và thiệt hại.
Về nợ nhà tái định cư, bà Thắng cho rằng do chính sách giải quyết đền bù trước đây có những hộ thuộc diện hỗ trợ nhưng tiền đền bù không tương ứng với nhà mới. TP.HCM đã ban hành chính sách cho các hộ này trả góp trong vòng 10 năm, 15 năm tùy theo phương án, dự án. Vì thế,người dân trả 1 - 2 năm đầu nhờ còn điều kiện, nhưng các hộ khó khăn không trả nổi. Bà Thắng nói rằng vấn đề này còn tiếp tục theo dõi để tìm ra phương án xử lý tốt nhất.
UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu tại cuộc họp về việc khẩn trương tổ chức thu hồi tài sản công tại số 72 đường Trương Quốc Dung, phường 10, quận Phú Nhuận liên quan đến Công ty may Da Sài Gòn và trường THCS, THPT Hồng Hà.
Theo đó, ông Châu đã chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp các cơ quan liên quan đối với vấn đề thi hành án dân sự theo pháp luật.
Về tổ chức thu hồi đất theo quyết định số 6931/QĐ-UBND, ông Châu giao Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND quận Phú Nhuận. Các đơn vị này phải khẩn trương rà soát tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao tại quyết định. Từ đó, khẩn trương thu hồi đất cho nhà nước.
Trước đó, ngày 3.9, Cục thi hành án dân sự TP.HCM cùng UBND phường 10 và Viện KSND TP.HCM cũng đã chứng kiến, ghi nhận việc trường THCS, THPT Hồng Hà tự nguyện bàn giao mặt bằng số 72 đường Trương Quốc Dung cho Công ty may Da Sài Gòn. Tuy nhiên,công ty này chưa đồng ý bàn giao mặt bằng trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM.