Để lấy lại dòng kênh A41 nhằm giải quyết tình trạng ngập nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM cần nguồn vốn đến hơn 300 tỉ đồng và tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, để chống ngập cho sân bay, TP.HCM yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cải tạo kênh A41.
Nhằm giải quyết thoát nước tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, UBND TP.HCM đã giao UBND quận Tân Bình phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cải tạo kênh A41; xác định những vị trí lấn chiếm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của toàn bộ lưu vực, đề xuất giải pháp khả thi.
Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở Giao thông vận tải đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả thực hiện của UBND các quận huyện về công tác xử lý xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn.
Trong khi đó, để kéo giảm ùn tắc giao thông tại nút giao Lăng Cha Cả, Sở Giao thông vận tải cần phải tổ chức đánh giá hiệu quả của các giải pháp công trình tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, bao gồm cả cầu vượt nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.
Đồng thời, kết hợp nghiên cứu quy luật lưu thông của người dân thành phố và đề xuất của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất về thu hẹp công viên để mở rộng giao lộ, trong đó có đốn hạ cây xanh.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng được giao nghiên cứu chế độ hỗ trợ cho các lực lượng chức năng trực tiếp thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về vấn đề chống ngập, theo ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 3 hướng thoát nước chính. Cụ thể, bao gồm hướng thoát nước phía bắc ra hướng kênh Tham Lương, phía đông nam thoát ra hướng mương Nhật Bản và phía nam thoát qua mương A41, qua Phan Thúc Duyện, ra Cộng Hòa. Trong 3 hướng này, hướng mương A41 đang là nguyên nhân chính dẫn đến ngập cục bộ một số sân đỗ, đường lăn trong sân bay.
Khảo sát thực tế của cảng hàng không cho thấy cả đoạn mương dài 850m từ đường Phan Thúc Duyện đến Cộng Hòa xuyên qua khu dân cư phường 4, quận Tân Bình đã bị lấn chiếm nhiều năm. Kết cấu bờ mương và lòng mương trước đây là 8m và 6m, sâu 3,5m nhưng hiện nay có những chỗ chỉ còn chưa đến 0,5m.
Tình trạng kênh bị lấn chiếm làm hạn chế khả năng thoát nước đã ảnh hưởng đến an toàn bay và hoạt động khai thác bay của Tân Sơn Nhất nhiều năm qua. Việc xử lý lấn chiếm, lấy lại hiện trạng lòng kênh như ban đầu gặp nhiều khó khăn. Sân bay vẫn tiếp tục ngập khi mưa lớn kéo dài.
Thời gian qua, thành phố đã thực hiện nạo vét, khơi thông một số tuyến, tuy nhiên chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ngập tại sân bay dù thời gian thoát nước đã được cải thiện hơn rất nhiều.
Để lấy lại dòng kênh A41 nhằm giải quyết chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất thì cần nguồn vốn đến hơn 300 tỉ đồng và tốn nhiều thời gian. Vì vậy, trước mắt, TP.HCM sẽ kiên quyết xử lý các điểm lấn chiếm kênh A41 và khơi thông 5-6 “nút thắt” chính là những chỗ eo hẹp làm cản dòng nước.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm kênh rạch chứ không chờ đợi mất thời gian.
Ông Tuyến yêu cầu chính quyền quận Tân Bình lập phương án tiến độ chặt chẽ, đúng quy định, rà soát lại đất kênh bị lấn chiếm để báo cáo thành phố. Nếu cần thiết, lãnh đạo thành phố sẽ khảo sát thực tế để làm trước việc khơi thông các nút thắt để tăng khả năng thoát nước. Bởi lẽ, theo phân tích của các chuyên gia, nếu khơi thông lại các kênh rạch tự nhiên của thành phố thì tình trạng ngập nước sẽ giảm đến 50%.
Chính vì vậy, để giải quyết bài toán chống ngập ở khu vực trong sân bay cũng như toàn thành phố, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng rất cần sự chung tay của mọi người dân.
Phan Diệu