Qua ghi nhận ý kiến của DN và tình hình thực tế, UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng đề xuất 4 giải pháp duy trì, ổn định sản xuất chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

TP.HCM kiến nghị lên Thủ tướng 4 nhóm giải pháp giải nguy cho doanh nghiệp

Tú Viên | 19/08/2021, 09:22

Qua ghi nhận ý kiến của DN và tình hình thực tế, UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng đề xuất 4 giải pháp duy trì, ổn định sản xuất chuỗi cung ứng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Nhóm giải pháp thứ nhất liên quan đến logistic

Theo UBND TP.HCM, hiện tất cả nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tại TP.HCM đều lệ thuộc vào các tỉnh, nhất là 19 tỉnh, thành phía Nam. UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất, không để đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thực hiện nghiêm Công văn 1015 của Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu, chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại nhà máy, kho, không kiểm tra trên đường.

Ngoài ra, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế ban hành phương thức kiểm tra phương tiện vận chuyển người và hàng hóa lưu thông qua các chốt để thống nhất áp dụng.

Nhóm giải pháp thứ hai là tháo gỡ khó khăn trong sản xuất

Cụ thể, TP.HCM đề xuất tháo gỡ khó khăn với DN sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "một cung đường 2 điểm đến" (mô hình sản xuất 3T). Trên tinh thần đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng ban hành hướng dẫn thống nhất chung về tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm phòng chống dịch trong tất cả lĩnh vực; cách thức kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, UBND TP.HCM còn kiến nghị Thủ tướng tạm thời cho phép DN thay đổi nguyên liệu, tỉ lệ mà chất lượng không đổi và được sử dụng bao bì hiện tại để giảm chi phí sản xuất. DN sẽ gửi báo cáo chi tiết cho cơ quan quản lý nhà nước, cam kết không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Nhóm giải pháp thứ ba liên quan chính sách hỗ trợ tài chính

TP.HCM kiến nghị một số thay đổi trong dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ DN, người dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể là kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý 1/2022 và có thể đến hết tháng 6.2022 (thay vì hết tháng 12.2021 như dự thảo). Với DN dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thì nâng mức giảm thuế GTGT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo).

Đối với DN nhỏ và vừa, một trong các tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa là doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng, nhằm mở rộng phạm vi DN được hỗ trợ, TP.HCM kiến nghị điều chỉnh điều kiện về tổng doanh thu năm 2021 để được giảm thuế thu nhập DN từ 200 tỉ đồng thành 300 tỉ đồng. Mặt khác, TP.HCM còn kiến nghị giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 cho người thuê đất gặp khó khăn; riêng DN du lịch bị ảnh hưởng liên tục 2 năm 2020-2021 thì giảm 50%; DN được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh.

Nhóm giải pháp thứ tư liên quan đến vấn đề công nghệ

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện, khai thác hiệu quả các nền tảng ứng dụng công nghệ đang có như khai báo y tế điện tử, mã QR; cổng đăng ký, xác nhận tiêm chủng, hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Các ứng dụng cần liên thông dữ liệu, sử dụng thống nhất giữa các địa phương để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM kiến nghị lên Thủ tướng 4 nhóm giải pháp giải nguy cho doanh nghiệp